Phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe ô tô Việt Nam không bán phá giá

05:24 08/01/2021

Bộ Thương mại Mỹ sơ bộ xác định biên độ phá giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe của Việt Nam ở mức 0 - 22,3%.

Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, theo lịch đã công bố, hôm 30/12/2020, Bộ Thương mại Mỹ (USDOC) đã ban hành kết luận điều tra sơ bộ trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với lốp xe ô tô nhập khẩu từ một số nước trong đó có Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp liên quan trong giai đoạn cuối cùng của vụ việc nhằm đảm bảo kết quả tích cực, có lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp liên quan trong giai đoạn cuối cùng của vụ việc nhằm đảm bảo kết quả tích cực, có lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. (Ảnh: minh hoạ)

Theo đó, USDOC sơ bộ xác định biên độ phá giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe của Việt Nam ở mức 0 - 22,3%. Các doanh nghiệp được xác định không bán phá giá trong kết luận sơ bộ có kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe ô tô của Việt Nam sang Mỹ.

“Đây là kết luận rất tích cực khi các doanh nghiệp được xác định không bán phá giá trong kết luận sơ bộ có kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe ô tô của Việt Nam sang Mỹ”, đại diện Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp còn lại do không hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nên bị áp mức thuế là 22,3%.

Trước đó, USDOC cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lốp xe của Việt Nam được hưởng lợi từ việc nhận được 6 chương trình trợ cấp, bao gồm: miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu thô để sản xuất hàng xuất khẩu; chính phủ cung cấp hàng hóa thấp hơn giá trị thông thường; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, biên độ trợ cấp; miễn thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng trong các khu công nghiệp, biên độ trợ cấp; định giá thấp tiền tệ và ưu đãi tiền thuê đất,

Trên cơ sở đó, USDOC kết luận tổng mức biên độ trợ cấp cho công ty Kumho là 10,08%, công ty Sailun là 6,23%, các doanh nghiệp xuất khẩu còn lại có mức trợ cấp là 6,77%. Điều này trở thành căn cứ để phía Mỹ đã sơ bộ kết luận nội dung chống trợ cấp lốp xe ô tô của Việt Nam với mức thuế suất dao động từ 6,23% - 10,08%.

Dựa trên nội dung của kết luận sơ bộ này, USDOC sẽ thông báo Cơ quan Hải quan và Biên giới Mỹ thu tiền đặt cọc từ các nhà nhập khẩu lốp xe từ Việt Nam với mức thuế tương ứng với biên độ trợ cấp.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, kết quả sơ bộ cho thấy việc doanh nghiệp chủ động tham gia đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với vụ việc.

Kết quả sơ bộ này cũng mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi các đối tác khác cùng bị điều tra chống bán phá giá đã bị USDOC áp thuế chống bán phá giá sơ bộ ở mức cao (từ 13,25-98,44%).

Đáng chú ý, theo thông lệ các vụ việc trước đây, sau khi ban hành kết luận sơ bộ thì trong thời gian tới USDOC có thể sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ đối với doanh nghiệp để xác minh lại các thông tin đã gửi trong bản trả lời câu hỏi. Thế nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Mỹ thông báo sẽ không tiến hành thẩm tra tại chỗ mà yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin bổ sung để thẩm tra số liệu trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị trong thời gian tới các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lốp xe ô tô liên quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ, đầy đủ với cơ quan điều tra để đảm bảo kết luận cuối cùng tích cực. Trong trường hợp giữ được kết luận sơ bộ tại giai đoạn điều tra cuối cùng, các doanh nghiệp được kết luận không bán phá giá sẽ được loại ra khỏi vụ việc điều tra.

Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp liên quan trong giai đoạn cuối cùng của vụ việc nhằm đảm bảo kết quả tích cực, có lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

Theo dự kiến, DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng vào khoảng ngày 14/5/2021.

Phương Ngân