Những tháng đầu năm 2021, kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là ở các nước phát triển có chiến lược tiêm vắc-xin tốt như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc. Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu cũng có sự phân hóa rõ nét theo từng khu vực/nền kinh tế và tăng trưởng thương mại, dịch vụ diễn ra mạnh mẽ gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung và dự báo có thể sẽ dẫn đến một chu kỳ tăng giá mới về nguyên liệu thô.
Trong bối cảnh đó, PVN ghi nhận sản lượng khai thác dầu, kể cả khai thác dầu ở nước ngoài tháng 5 vượt 18% kế hoạch tháng.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 227,3 nghìn tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch 5 tháng, tăng 16% so với cùng kỳ 2020; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 15,3 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 2,3 lần kế hoạch 5 tháng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2020.
Thời gian tới, PVN tiếp tục thúc đẩy và triển khai rất nhiều dự án đầu tư xây dựng, trong đó có nhiều dự án lớn, thời gian kéo dài như: Lô B, Cá Voi Xanh, Nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Nhơn trạch 3&4.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2021 về quy chế quản lý tài chính của PVN, trong đó quy định cụ thể việc đầu tư, chuyển nhượng vốn ra ngoài công ty mẹ.
Theo đó, về nguyên tắc đầu tư vốn ra ngoài của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Nghị định nêu rõ PVN được phép sử dụng vốn, tài sản, quyền sử dụng đất để đầu tư ra ngoài.
Hoạt động đầu tư phải tuân theo quy định pháp luật, điều lệ công ty, chiến lược phát triển 5 năm, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm và phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư.
Linh An