Ông Thân cho biết: "Theo phản ánh và khảo sát của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi rất cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế.
Thời gian qua, các đơn vị đã rất nhanh chóng trong việc cải thiện thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ sớm, qua đó giải quyết được rất nhiều vấn đề, khó khăn của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp có ý kiến rằng, các bộ, ngành có thể trao đổi thêm với Chính phủ, Quốc hội để thay đổi thời gian áp dụng việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nên tính đến thời điểm trước khi xảy ra Covid-19, do trong dịch bệnh, các doanh nghiệp đều không ghi nhận thu nhập.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan quản lý sớm ban hành các thông tư trước khi áp dụng các chính sách mới như việc giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%, qua đó tránh gây những mâu thuẫn, lúng túng trong cộng đồng doanh nghiệp".
Ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp
Ngày 11/1/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43 về Chính sách tài khoá tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Về chính sách tài khoá, Nghị quyết 43 của Quốc hội đã quyết định giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ; cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 cho kỳ tính thuế 2022; tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023; Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm.
Đến ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết 11 của Chính phủ đã nêu rất rõ mục tiêu của chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
Để hiện thực hoá các mục tiêu trên, Nghị quyết 11 đã đưa ra một số giải pháp rất quan trọng như giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.
Bên cạnh đó, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.
Bích Hằng