Ông chủ Evergrande là tỷ phú thua lỗ nhất năm

10:04 17/12/2021

Không chỉ Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Evergrande thua lỗ vì vỡ nợ, các nhà phát triển khác tại Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng trong bối cảnh chính phủ đàn áp lĩnh vực này.

Ông Hui Ka Yan, nhà sáng lập Evergrande trở thành tỷ phú thua lỗ lớn nhất năm
Ông Hui Ka Yan, nhà sáng lập Evergrande trở thành tỷ phú thua lỗ lớn nhất năm. (Ảnh: Bloomberg)

Chỉ mới 5 tháng trước, người sáng lập China Evergrande Group, tỷ phú Hui Ka Yan tươi cười tham dự lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh. Lời mời của chính phủ và sự xuất hiện của Hui tại sự kiện là dấu hiệu cho thấy tính đến thời điểm đó, ông và Evergrande vẫn được chính phủ ủng hộ. Thế nhưng sự việc xảy đến quá đỗi bất ngờ. Nợ và cổ phiếu của công ty đang giao dịch ở mức gần như thấp kỷ lục và không thể thoát khỏi kết cục cuối cùng là vỡ nợ. 

Giới tỷ phú địa ốc Trung Quốc đã trải qua năm tồi tệ nhất kể từ khi chính phủ ra tay giải quyết nợ nần của các công ty và Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố mục tiêu phân phối lại của cải để mang lại "thịnh vượng chung". Theo chỉ số tỷ phú Bloomberg, riêng tài sản của Hui đã sụt giảm tổng cộng hơn 46 tỷ đô la Mỹ trong năm nay. Terence Chong, Phó Giáo sư kinh tế tại Đại học Trung Quốc, cho biết: "Khu vực bất động sản ở Trung Quốc tăng trưởng rất nhanh trong hai thập kỷ qua nhờ đòn bẩy thúc đẩy sự giàu có ở một số tầng lớp người dân trong nước, đặc biệt là đặc khu Hồng Kông. Ngày nay, Trung Quốc đang chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế, tài sản sẽ không còn là xu hướng chủ đạo trong tương lai". Lĩnh vực nhà ở hiện chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội tại thị trường lớn nhất thế giới. 

Các quy tắc tài chính mới được ban hành vào năm ngoài nhằm ngăn chặn một đợt bong bóng nhà ở khác dẫn đến rắc rối cho các chủ đầu tư sau nhiều năm dựa vào đòn bẩy để tăng trưởng. Kể từ đó, giá nhà giảm xuống, ngân hàng ngần ngại cho vay, nhà đầu tư thiếu sự tin tưởng vào các bên phát triển bất động sản. Kết quả là có khoảng 15 doanh nghiệp vỡ nợ trái phiếu trong năm 2021, thậm chí không ít chủ sở hữu công ty đã phải bán tài sản riêng ít nhất 3,8 tỷ đô la Mỹ để trả nợ. Người mua nhà rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan không biết khi nào những căn hộ mà họ bỏ tiền ra mua, đặt cọc sẽ được hoàn thiện. 

Hui Ka Yan đứng đầu danh sách thua lỗ trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc
Hui Ka Yan đứng đầu danh sách thua lỗ trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)

Cuộc khủng hoảng khiến bao người mất trắng, đặc biệt là Hui Ka Yan của Evergrande trở thành "trùm tài sản" sa sút nhất. Từng là người giàu thứ hai châu Á với khối tài sản 42 tỷ đô la Mỹ, Hui hiện chỉ trị giá khoảng 6,1 tỷ đô do tác động từ cổ phiếu và chính phủ thúc giục ông dùng tài sản cá nhân để gán nợ. Đầu tháng này, Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc gợi ý rằng, Bắc Kinh sẽ không cứu trợ nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất thế giới với khoản nợ hơn 300 tỷ đô la. Vụ náo động cũng đã "nhấn chìm" Shimao Group Holdings, một trong những người chơi mạnh nhất trong ngành. Người sáng lập công ty là ông Hui Wing Mau bắt đầu đầu tư bất động sản vào cuối những năm 1980, chứng kiến số tài sản giảm hơn một nửa trong năm nay từ 5,2 tỷ đô la Mỹ xuống còn 4,4 tỷ đô. 

Một số "ông trùm" đánh mất vị thế tỷ phú như Kwok Ying Shing, người sáng lập Kaisa Group Holdings đã phá sản, giá trị giảm gần 90% chỉ trong một năm xuống còn khoảng 160 triệu đô la. Chủ tịch Zhang Yuanlin của Sinic Holdings Group chứng kiến mất trắng ​​75% cổ phần trong vòng một ngày. Chính phủ hiện tăng gấp đôi nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế và chống lại tình trạng sụt giảm nhà ở. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm yêu cầu dự trữ của các ngân hàng vào đầu tháng này và các nhà kinh tế kỳ vọng quốc gia sẽ bổ sung thêm biện pháp kích thích tài khóa vào năm tới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng của các nhà phát triển gây khó khăn cho kế hoạch tái cơ cấu toàn ngành. 

TL