Bài liên quan |
Nông nghiệp Bình Dương đã chuyển dịch đúng hướng |
Ứng dụng công nghệ để chuyển mình
Tại Hội nghị giao ban báo chí về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024 tỉnh Bình Dương, bà Huỳnh Thị Kim Châu - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương, cho biết: Nông nghiệp Bình Dương đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một ngành kinh tế quan trọng không chỉ về mặt kinh tế mà còn trong việc xây dựng sự phát triển bền vững. Thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã đạt được những thành tựu ấn tượng, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt. Đây là kết quả của sự đổi mới về cách làm nông nghiệp, với trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, Bình Dương đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách bài bản. Tại các huyện phía Bắc - vùng nông nghiệp truyền thống của tỉnh, các loại cây chủ lực như cao su, hồ tiêu, cam, quýt, bưởi da xanh được ưu tiên phát triển theo mô hình sản xuất hàng hóa lớn. Những giống cây năng suất cao, chất lượng vượt trội và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt được áp dụng rộng rãi, gắn liền với các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.
Bình Dương đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách bài bản. |
Bên cạnh đó, các vùng sản xuất tập trung cho cây ăn quả, rau màu và chăn nuôi công nghệ cao đã hình thành rõ nét. Đặc biệt, tỷ lệ chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao hiện chiếm tới 90% tổng đàn gia súc, gia cầm trên toàn tỉnh, tạo nên sự chuyển biến rõ rệt về hiệu quả kinh tế và giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh.
Sự ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ cho nông nghiệp Bình Dương. Tính đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị của tỉnh đạt khoảng 200 ha, tăng 15% so với năm 2023. Diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt 6.960 ha, tăng 16% so với năm trước.
Đặc biệt, Bình Dương hiện có 284 cơ sở sản xuất áp dụng quy trình VietGAP, với tổng diện tích 1.275 ha. Các sản phẩm chủ lực như rau, nấm, dưa lưới, hoa lan, và cây cảnh đã và đang khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước nhờ chất lượng vượt trội và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Để duy trì đà phát triển và đối phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỉnh Bình Dương đã đề ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược. Trong đó, nổi bật là việc phát triển các vùng sản xuất tập trung, tận dụng tối đa tài nguyên sẵn có để sản xuất các sản phẩm trồng trọt chủ lực. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để cải tiến chất lượng nông sản, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Bình Dương cũng chủ động tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và công nghệ sinh học. Các doanh nghiệp và nông dân được khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo đột phá trong sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững
Nông nghiệp Bình Dương chuyển mình hướng đến nâng cao giá trị bền vững. |
Cùng với đó, thời gian qua tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường như khuyến khích các tổ chức, cá nhân hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, thực hiện quan trắc môi trường đất, nước định kỳ theo đúng quy định; đổi mới mô hình, phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sản phẩm xử lý môi trường trong nông nghiệp; phát triển mô hình nông nghiệp thân thiện môi trường.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ đất, nước và không khí cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương, tỉnh Bình Dương đã ban hành một số chương trình, kế hoạch có liên quan nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương, cụ thể như: Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đề án cây xanh đô thị... Đồng thời triển khai một số chương trình, kế hoạch, đề án liên quan hướng đến việc giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, cân đối dinh dưỡng vô cơ - hữu cơ để duy trì và nâng cao sức khỏe đất, môi trường sản xuất phục vụ phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững như sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Chương trình Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ…
Bên cạnh đó, công tác theo dõi diễn biến rừng và sử dụng đất lâm nghiệp, phòng chống cháy rừng được tăng cường. Công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng; trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán trong các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, công trình công cộng,... được thực hiện hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan. Do đó, duy trì được tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm ở mức 57,5% theo kế hoạch đề ra, góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ môi trường của địa phương.
Những bước tiến trong nông nghiệp đã giúp Bình Dương không chỉ gia tăng giá trị kinh tế trên mỗi đơn vị đất mà còn xây dựng được một nền nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Với sự kết hợp giữa công nghệ, chiến lược đúng đắn và sự tham gia tích cực của cộng đồng, ngành nông nghiệp Bình Dương đang vững bước trở thành động lực phát triển kinh tế quan trọng, góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh.