Giá dầu thế giới tăng hơn 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, lập đỉnh của gần 5 tháng, nhờ những dữ liệu kinh tế khả quan và nguồn cung dầu bị thắt lại.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao sau tăng 1,45 USD/thùng, tương đương tăng 2,4%, đạt 61,59 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI đạt 61,72 USD/thùng, cao nhất gần 5 tháng.
Tại thị trường London, giá dầu Brent chốt phiên với mức tăng 1,43 USD/thùng, tương đương tăng 2,2%, đạt 69,01 USD/thùng. Trong phiên, có thời điểm giá dầu Bent đạt mức cao nhất từ tháng 11 năm ngoái.
Quý vừa kết thúc là quý 1 có mức tăng mạnh nhất trong gần 1 thập kỷ của cả giá dầu WTI và Brent. Trong đó, giá dầu WTI tăng 32%, còn giá dầu Brent tăng 27%.
"Thị trường đã được hỗ trợ bởi dữ liệu khả quan về ngành sản xuất Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những dữ liệu đó đã củng cố niềm tin cho các nhà đầu cơ giá lên", nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital Management nhận xét.
"Trở ngại lớn nhất đối với sự đi lên của giá dầu thời gian qua là loạt dữ liệu kinh tế xấu, và điều này đã giảm bớt trong ngày hôm nay. Bởi vậy, triển vọng giá tăng đã không bị ghìm lại", ông Kilduff phát biểu.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần nhờ dữ liệu khả quan về ngành sản xuất của Mỹ và Trung Quốc giúp xoa dịu mối lo về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Trong tháng 3, ngành sản xuất của Trung Quốc bất ngờ tăng trưởng trở lại sau 3 tháng giảm liên tiếp. Số liệu ngành sản xuất của Mỹ trong tháng 3 cũng khả quan hơn dự báo, giúp nhà đầu tư bớt lo về thống kê bán lẻ có phần ảm đạm của tháng 2.
Ngoài ra, thị trường cũng đang được hỗ trợ bởi một số tín hiệu tốt về đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Sau vòng đàm phán kết thúc ở Bắc Kinh hôm thứ Sáu, hai nước đều nói các cuộc thảo luận có bước tiến trong việc đi đến một thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại song phương.
Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung tiếp theo sẽ diễn ra ở Washington trong tuần này.
"Trạng thái thị trường giá lên của dầu thô đã bước vào tháng thứ tư liên tiếp và có khả năng sẽ tiếp tục", ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch and Associates, nhận định.
Giá dầu còn đang tiếp tục được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác. Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, sản lượng dầu của OPEC trong tháng 3 đã giảm xuống mức thấp nhất 4 năm, do Saudi Arabia cắt giảm sản lượng nhiều hơn cam kết, và sản lượng dầu của Venezuela tiếp tục giảm sâu hơn do lệnh trừng phạt của Mỹ và tình trạng mất điện liên miên.
Kết quả khảo sát cho thấy, sản lượng dầu tháng 3 của các nước OPEC giảm 280.000 thùng so với tháng 2, còn 30,4 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Theo một cuộc khảo sát khác của Reuters, các nhà phân tích đã trở nên lạc quan về triển vọng giá dầu, nhưng vẫn giữ sự thận trọng. Số liệu do Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) công bố hôm thứ Sáu cho thấy các quỹ đầu tư Mỹ đã tăng mức độ đặt cược vào sự tăng giá dầu lên mức cao nhất trong hơn 5 tháng.
Sản lượng dầu thô của Mỹ đang có chiều hướng chững lại và ổn định sau một thời gian tăng bùng nổ. Số liệu do Bộ Năng lượng Mỹ công bố hôm thứ Sáu cho thấy sản lượng dầu của nước này trong tháng 1 giảm nhẹ còn 11,9 triệu thùng/ngày.
Diệp Vũ