Ninh Bình: Phát triển mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

05:11 26/04/2021

Tập trung đầu tư mở rộng mô hình liên kết, xây dựng vùng sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hình thành một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: lúa chất lượng cao, rau an toàn, cây dược liệu, dê núi… là mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/10/2016 về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tạo sự ổn định để phát triển nhanh và bền vững. Đây là những chính sách quan trọng để thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác, phát triển mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới mà nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. 

Ninh Bình tập trung đầu tư mở rộng mô hình liên kết, xây dựng vùng sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Ảnh: Internet
Ninh Bình tập trung đầu tư mở rộng mô hình liên kết, xây dựng vùng sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Ảnh: Internet.

Hàng năm, với nhiều cách thức vận động, sự vào cuộc một cách đồng bộ của cả hệ thống chính trị, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh việc tích tụ, tập trung ruộng đất với quy mô lớn hơn để hình thành vùng sản xuất chuyên canh đã phát huy hiệu quả. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng như ứng dụng KHKT nhất là công nghệ cao và hình thành các hình thức tổ chức sản xuất mới và ngày càng nhiều góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Đây chính là tiền đề để giảm dần tập quán canh tác nhỏ lẻ, tạo điều kiện để mở rộng liên kết, sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa.

Nhiều mô hình, dự án ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất đem lại hiệu quả cao, từng bước nhân ra diện rộng, như: Dự án sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với mạ khay, cấy máy (ở Yên Khánh); dự án sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị; các dự án hỗ trợ hạ tầng vùng sản xuất lúa, rau, thủy sản quy mô hàng chục ha (Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn, Nho Quan, Tam Điệp…); các dự án hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm trong sản xuất rau an toàn, cây ăn quả, hoa… Cùng với đó là các mô hình hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất (máy sấy, máy cuộn rơm…), các mô hình ứng chăn nuôi gà, lợn theo hướng hữu cơ (Gia Viễn), các mô hình ứng dụng công nghệ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ( Kim Sơn), mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả…

Ngoài việc ứng dụng KHCN vào việc lai tạo các loại giống mới, phương pháp canh tác mới trong nông nghiệp, Ninh Bình còn ứng dụng KHCN vào thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch. Hiện nay, toàn tỉnh đã cơ giới hóa được 100% khâu làm đất, thu hoạch và khâu sấy đạt gần 4% diện tích... Công tác dồn điền đổi thửa để thuận lợi cho quá trình cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đã xây dựng được 86 cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 4.000ha.

Việc ứng dụng KHCN vào ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng được quan tâm, trong những năm qua đã thúc đẩy chăn nuôi của tỉnh phát triển theo chiều sâu cả về năng suất và chất lượng sản phẩm, hình thành các trang trại quy mô lớn góp phần cải tiến và nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, đáp ứng được các tiêu chí về an toàn sinh học, giúp hạn chế tỷ lệ mắc các bệnh lở mồm long móng ở lợn, bệnh cúm ở gia cầm, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững. 

Mô hình trồng rau sạch, an toàn ở Ninh Bình. Ảnh: Internet
Mô hình trồng rau sạch, an toàn ở Ninh Bình. Ảnh: Internet.

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững mô hình liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa. Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình với sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành chức năng và địa phương tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách về kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; huy động, lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tham gia quản lý, kiểm tra và giám sát thực hiện hợp đồng giữa các bên liên quan; chuyển dần các nguồn đầu tư hỗ trợ sản xuất (các hình thức hỗ trợ truyền thống hiện nay) sang hỗ trợ sản phẩm để người nông dân không chỉ sản xuất ra nông sản mà còn trực tiếp tham gia sản xuất ra sản phẩm để phần giá trị gia tăng thuộc về phía người dân.

Nâng cao chất lượng công tác tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kinh tế thụ trường gắn mô hình sản xuất theo chuỗi, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản; kỹ năng cho các HTX, thành viên HTX về kiến thức kinh doanh và tiếp cận thị trường với quan điểm và cách tiếp cận mới trong kinh tế thị trường là tiếp cận theo chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó bảo đảm sự phối hợp và chia sẻ lợi ích giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ở các khâu sản suất - thu gom - chế biến - phân phối sản phẩm.

Phát triển mạnh mẽ thương mại nông thôn, hình thành mạng lưới kinh doanh cá nhân, HTX thương mại, doanh nghiệp sản xuất - chế biến ở nông thôn; tổ chức mạng lưới kinh doanh theo từng ngành hàng như nông sản, vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ thành lập các mô hình điểm về kinh tế hợp tác, liên kết “4 nhà” củng cố xây dựng các điểm thu gom, sơ chế và bảo quản, chế biếnđể tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định.

Chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thế mạnh của từng vùng, xây dựng thương hiệu một số nông sản, thực phẩm chủ lực; tập trung phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao bảo đảm an toàn thực phẩm, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đưa nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, gắn với phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy; Nghị quyết 39/NQ-HĐND...

 Minh Hải