Niềm tin của doanh nghiệp chính là điểm sáng năm 2021!

11:37 01/02/2022

Đó là nhận định của Tiến sĩ Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) trong buổi trò chuyện với PV Doanh nghiệp & Hội nhập về những cơ hội mới, thách thức mới đang chờ doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2022.

PV: Ông đánh giá thế nào về sức chống chọi của doanh nghiệp Việt Nam trong đợt dịch COVID vừa qua?

Tiến sĩ Tô Hoài NamĐại dịch COVID trong hai năm 2020 – 2021 tác động rất bất lợi đến kinh tế Việt Nam. Với tư các là doanh nghiệp, người lính ở chiến trường, cộng đồng doanh nghiệp là nòng cốt để phát triển kinh tế. Tiếp cận ở góc độ này thì doanh nghiệp đương nhiên phải chịu tác động bất lợi nhất. Rất nhiều chuyên gia, cơ quan thông tin, nhà nghiên cứu khoa học đã phân tích sâu sắc về điều này.

Chúng ta biết, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ với năng lực vốn hạn hẹp thì chỉ cần không có nguồn thu, không có doanh thu, không bán được hàng sẽ tác động trực tiếp tới sự tồn tại của doanh nghiệp, về mặt lý thuyết là như vậy. Thế nhưng, tiếp cận ở thực tế thì thấy tỉ lệ doanh nghiệp Việt Nam dù gặp muôn vàn khó khăn, số lượng doanh nghiệp phải giải thể, phải dừng kinh doanh rất lớn so với trước khi có dịch nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp trụ vững. Điều này thể hiện sức sống, sự dẻo dai và tính thích ứng, không khó để quan sát được.

Ví dụ như thời gian qua, nhiều doanh nghiệp có thể phải dừng kinh doanh nhưng sau khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thì họ hoạt động trở lại, khả năng phục hồi rất nhanh.

Trong mọi hoàn cảnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đảm nhiệm tốt nhiệm vụ tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Đây không chỉ có ý nghĩa phát triển kinh tế mà còn đóng góp vào việc giữ vững an sinh xã hội. Qua đó cho thấy, khi môi trường kinh doanh thuận lợi gồm thể chế và các yếu tố khác sẽ là bệ đỡ cho sự phục hồi rất nhanh của cộng đồng doanh nghiệp. 

Tiến sĩ Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Tiến sĩ Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

PV: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả cơ chế hỗ trợ của Chính phủ? Thực tế tác động của chính sách tới doanh nghiệp có được như kì vọng hay không?

Tiến sĩ Tô Hoài NamVề mặt chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, để nói hiệu quả hay không rất khó. Bởi vì đánh giá sự phù hợp của chính sách đòi hỏi phải rất nghiêm túc từ hình thức văn bản, nội dung cho tới tác động thực tế, không thể nhìn hiện tượng nói ngay được. Cần phải có thời gian nhất định, ít nhất là đến hết quý I/2022 để chính sách “ngấm vào đời sống doanh nghiệp”.

Nhưng có thể thấy được mấy đặc điểm như thế này: Trong giai đoạn vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng hấp thụ các chính sách tương đối tốt. Thông qua các gói hỗ trợ về thuế, về giãn thuế, hỗ trợ doanh nghiệp trả lương,.. đều tiếp cận tương đối tốt; cả những chính sách về lưu thông hàng hóa, giảm đi nhiều loại “giấy tờ”, đấy cũng hiểu là một dạng hỗ trợ, có thể thấy đại bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa đều hấp thụ và thích ứng khá tốt.

Trong một thời gian tương đối ngắn, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, văn bản quy phạm pháp luật theo hình thức rút gọn để kịp thời phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực phòng chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội; phục hồi sản xuất kinh doanh để tiếp tục phát triển kinh tế.

Đơn cử như chính sách hỗ trợ “tiền” trực tiếp với quy mô lớn, lịch sử Việt Nam chưa bao giờ thực hiện. Bên cạnh đó còn nhiều văn bản có tính đột phá, rất cần thiết trong tình trạng khẩn cấp do diễn biến phức tạp của đại dịch đã góp phần tạo nên hành lang pháp lý quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

PV: Trong đợt dịch COVID vừa qua, có ý kiến cho rằng cộng đồng doanh nghiệp không nên nhìn đó là bức tranh toàn màu xám mà phải tìm được điểm sáng trong bức tranh đó. Theo ông, đâu là điểm sáng của năm 2021?

Tiến sĩ Tô Hoài NamTôi nghĩ, ý kiến cho rằng doanh nghiệp nhìn năm 2021 với toàn màu xám là đặt vấn đề hơi quá. Đúng là 2021 môi trường kinh doanh bất lợi, cộng đồng doanh nghiệp có khó khăn nhưng vẫn thấy cơ hội ở phía trước. Bởi nếu không nhìn thấy cơ hội thì doanh nghiệp không kinh doanh nữa. Họ vẫn đứng vững được tức là họ vẫn nhìn thấy cơ hội.

Năm 2021, hình hình tăng trưởng của Việt Nam đạt 2,58% (tăng trưởng dương). Lao động mất việc làm nhiều nhưng vẫn có thể cải thiện được trong thời gian tới.  Điều đó cho thấy rõ mối quan hệ nhân quả giữa việc làm- doanh thu và tinh thần kinh doanh.

Nhìn trong bối cảnh đầy khó khăn thì thấy rằng doanh nghiệp có niềm tin vào kinh doanh, chính là điểm sáng. Đó không phải chỉ là niềm tin theo kiểu duy lí trí, bản thân doanh nghiệp cũng nhìn thấy khả năng phòng chống dịch. Dù bao nhiêu khó khăn, có nhiều chuyện “dở khóc dở cười”, nào là ba loại “giấy tờ”,… cách bức người làm kinh doanh nhưng doanh nghiệp vẫn tin vào điều đó nên không bỏ cuộc.

Để có được môi trường kinh doanh “tương đối” như hiện nay, không chỉ có niềm tin của doanh nghiệp là đủ mà đòi hỏi phải có sự tương tác giữa các chủ thể trong xã hội, bao gồm Chính phủ, người dân và cộng đồng kinh doanh. Mối quan hệ này đã giữ được khá ổn định kinh tế vĩ mô, ghìm được phần nào lạm phát, từ đó tạo nên cơ hội cho cộng đồng kinh doanh phục hồi. 

Tiến sĩ Tô Hoài Nam
Tiến sĩ Tô Hoài Nam cho biết, Hiệp hội DNNVV mong muốn năm 2022 sẽ hỗ trợ tích cực hơn cho sự phục hồi, phát triển của các doanh nghiệp.

PV: Vậy kế hoạch hành động của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022 như thế nào để chung sức cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch?

Tiến sĩ Tô Hoài NamĐồng hành cùng doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ của Hiệp hội các Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Hiệp hội là đứa con tinh thần của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, được sinh ra bằng ý chí của cộng đồng doanh nghiệp nên không thể nào xa dời hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên đó là ý trí, có làm được hay không thì đòi hỏi nhiều thứ, không kể ra hết được. Nhưng với trách nhiệm trong Ban lãnh đạo của cơ quan Trung ương Hội, buộc lòng chúng tôi phải xác định xem nên chọn cái gì trước, không ai có thể làm một lúc tất cả mọi thứ được.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa là một cơ quan có quyền kiến nghị và chủ động đề xuất chính sách. Hiệp hội còn có tư cách là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tham gia Quốc hội và nhiều Hội đồng của Chính phủ. Do đó, năm 2022, trước hết Hiệp hội sẽ chủ động làm chính sách - tham gia xây dựng chính sách. Từ lúc phát hiện vấn đề về thực tế, ý tưởng chính sách, tham gia xây dựng chính sách.

Hiệp hội sẽ “thúc giục” chính quyền, các Bộ ngành, địa phương hợp tác với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương để thực hiện nhiệm vụ thực thi chính sách. Thực tế, mối quan hệ giữa đại diện hơn 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa với cơ quan Nhà nước tuy ngày càng tốt nhưng chưa đúng vị thế, còn quá nhiều khoảng trống để có thể bổ trợ cho nhau. Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn chủ động, nhưng như vậy thôi chưa đủ, còn do nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước, các Bộ ngành, địa phương. Vì nếu một bên chủ động, một bên lại chưa đánh giá hết vai trò của sự hợp tác này thì rất khó.

Tôi đã tranh luận rất nhiều với các đồng chí có trọng trách tại Bộ ngành, địa phương, nhiều đồng chí nói rằng Hiệp hội là thành viên quan trọng của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng nhiều lúc xây dựng chính sách, phản ánh chính sách không được mạnh mẽ, tính chủ động và phối hợp còn hình thức, chưa có chiều sâu. Bởi nhiều cơ quan gửi văn bản xin ý kiến nhưng Hiệp hội trả lời qua loa.

Tôi khẳng định không có chuyện như vậy. Tôi cũng chưa thấy cơ quan nào giải thích cơ chế tiếp thu khi chúng tôi trả lời. Ví dụ như việc xây dựng chính sách, phải có cơ chế để các bên tranh luận với nhau về những quan điểm bất đồng. Nếu chỉ tổ chức hội thảo rồi mời Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên đến dự, đọc dự thảo, cho hội viên phát biểu, Hiệp hội tổng hợp lại nhưng không có cơ chế tiếp thu, giải thích thì không phối hợp được.

Hơn nữa xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một hoạt động khoa học pháp lý. Đã là khoa học thì phải đề cao sự tranh luận, thậm chí tranh cãi. Nội dung này trong khung pháp lý đã có, cơ chế phải mở ra để tổ chức thực hiện.

Với những kế hoạch hoạt động trên, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mong muốn năm 2022 sẽ hỗ trợ tích cực hơn cho sự phục hồi, phát triển của các doanh nghiệp.

PV: Trân trọng cám ơn Tiến sĩ!

"Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta vẫn đang phải đối đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước, tôi xin gửi tới các DN Việt Nam nói chung, hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng lời chúc một năm 2022 bình an và không ngừng lớn mạnh!" - Tiến sĩ Tô Hoài Nam.

Linh An - An Thảo (thực hiện)