Những rào cản khiến các doanh nghiệp chưa thể chuyển đổi số

09:42 18/03/2021

Những rào cản chủ yếu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong chuyển đổi số, như chi phí ứng dụng công nghệ số cao, thiếu nhân lực có trình độ,...

(Ảnh: Internet)

Chuyển đổi số liên tục được nhắc đến là vấn đề sống còn trong quá trình phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp. Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số là sử dụng công nghệ số để thúc đẩy nâng cao hiệu quả, phát triển tạo ra giá trị mới để nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, khách hàng.

Đánh giá của Grant Thornton cho thấy, Việt Nam hiện chỉ mới ở giai đoạn đầu của kỷ nguyên số và được kì vọng sẽ có bước nhảy vọt về chuyển đổi số trong những năm tới. Tuy nhiên, khác với các doanh nghiệp lớn với nguồn lực dồi dào, các công ty tư nhân nhỏ và vừa tại Việt Nam tỏ ra chậm nhịp trong việc nắm bắt các thay đổi về công nghệ số.

Cả nhà đầu tư và công ty tư nhân trong khảo sát do Grant Thornton công bố mới đây đều cho rằng, mức độ số hóa của hầu hết các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam chỉ ở giai đoạn sơ khởi.

16% các công ty tư nhân thừa nhận không nhìn thấy tầm quan trọng của việc số hóa đối với hoạt động kinh doanh.

Có 75% công ty tư nhân cho thấy nhu cầu triển khai tích hợp nhiều hơn 1 công nghệ. Trong đó ERP (hệ thống quản lý, hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) là công nghệ phổ biến nhất với 55% doanh nghiệp tư nhân được khảo sát muốn thiết lập lập hoặc nâng cấp.

Ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DTS), cho biết, 2021 được đánh giá là thời điểm vàng để chuyển đổi số tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp Việt chưa chuyển đổi số là khoảng 75%. Bài toán chuyển đổi số trở thành giải pháp tất yếu. "Sự đổi mới sáng tạo trong kinh doanh là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đáp ứng cầu của người tiêu dùng", ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, chuyển đổi số đang là chủ trương của Chính phủ và cũng là xu hướng của thế giới. Doanh nghiệp đang gặp nhiều trở ngại trong quá trình chuyển đổi số vì không biết phải làm gì và bắt đầu từ đâu.

Cũng theo ông Bảo, các doanh nghiệp thường vấp phải 6 rào cản chính gồm: kiến thức chuyển đổi số, không kiểm soát được hiệu quả, thiếu nhân lực, thiếu kết nối, thiếu thông tin và môi trường kinh tế bất ổn. Do đó, cần có những đơn vị đóng vai trò "thăm khám" câu chuyện chuyển đổi số nói trên.

Khi đã "thăm khám" cho doanh nghiệp xong thì các đơn vị hỗ trợ sẽ tư vấn cho doanh nghiệp cần phải làm gì, thay đổi ra sao và đối tác nào sẽ giúp cho doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả. 

Ông Phạm Từ Liêm, đại diện MCV Group, cho biết, ngay cả các đơn vị truyền thông, truyền hình cũng cần phải tích cực chuyển đổi số trong giai đoạn tới.

Theo ông Liêm, hiện nay, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh của người dân Việt Nam là rất cao. Trong khi đó, nhiều nguồn thông tin không rõ ràng, thiếu kiểm chứng luôn xuất hiện đầy rẫy trên internet, mạng xã hội… Chính vì vậy, người dân càng ngày càng muốn được tiếp cận những thông tin chính thống, được kiểm duyệt kỹ càng từ các cơ quan báo chí uy tín.

"Do đó, các đơn vị truyền thông, truyền hình cũng cần phải số hóa để tiếp cận đúng đối tượng khán giả tiềm năng; Phát triển những công cụ nhanh chóng nhận được sự đánh giá, phản hồi của độc giả, khán giả. Các công cụ này giúp các đơn vị hiểu được sở thích, nhu cầu của khán giả để phục vụ tốt hơn, từ đó có phương án khai thác quảng cáo trên nội dung đăng tải, phát sóng…", ông Liêm chia sẻ.

TH