Đến hết ngày 18/6, tiêu thụ điện đạt khoảng 141,8 tỷ kWh, tương đương 45,65% so với kế hoạch cả năm. Dù mức tiêu thụ đạt kỷ lục, việc cung cấp điện vẫn được đảm bảo. Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết đảm bảo cung cấp điện cho công nghiệp và sản xuất là nhiệm vụ quan trọng của Bộ. Đây là mối quan tâm của Chính phủ và Bộ Công Thương, do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo Bộ đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo cung cấp điện.
Năm nay không thiếu điện như năm ngoái. Tuy nhiên, trong tháng 6 và tháng 7, nếu nắng nóng kéo dài, tình hình cung ứng điện có thể trở nên căng thẳng. Ngoài các giải pháp từ cơ quan chức năng, các sở, ban, ngành và doanh nghiệp cần chia sẻ trách nhiệm bằng cách tiết kiệm điện hiệu quả. Để đảm bảo cung ứng điện lâu dài, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cùng Cục Điều tiết Điện lực, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng, đã xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA trình Chính phủ. Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện các Thông tư về khung giá lưới điện, chất thải, sinh khối và các cơ sở pháp lý để phát triển các nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt trong tương lai.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân bổ sung, việc cung ứng điện trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi là một áp lực lớn. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ và Bộ Công Thương đã chuẩn bị các biện pháp đảm bảo cung ứng điện từ cuối quý I, đầu quý II/2024. Bộ Công Thương đã tính toán và rà soát để đảm bảo năm nay không thiếu điện.
"Bộ Công Thương cũng đã tổ chức các đoàn, tổ kiểm tra giám sát từ nguồn nguyên liệu như nước, than, khí và quá trình vận hành, rút kinh nghiệm để điều hành. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục Điều tiết Điện lực lập tổ phản ứng nhanh để giải quyết ngay các vấn đề về cung ứng điện khi phát sinh" - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết.
Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), thông tin thêm rằng để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển nói chung và ngành công nghiệp nói riêng, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch Điện VIII vào năm 2023.
Do ảnh hưởng của COVID-19, năm 2022 tăng trưởng điện thấp do sản xuất ngưng trệ. Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay, đặc biệt là năm 2024, tăng trưởng điện mạnh. Theo dự báo trong tổng sơ đồ cung cấp điện, năm nay tăng từ 8-9%, nhưng hiện nay đã tăng tới 12%, do đó phụ tải điện tăng rất nhanh.
Ông Hùng cho biết, sau khi Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch và kế hoạch này đã được phê duyệt tại Quyết định 262 vào ngày 1/4/2024.
Tiếp đó, ngày 3/4/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp triển khai Kế hoạch với các ngành và địa phương để tìm giải pháp thực hiện quy hoạch. Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng ban hành các kế hoạch tiếp theo để hoàn thiện danh mục các dự án cần thiết và chờ phê duyệt.
Bên cạnh đó, sau khi Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt, Bộ đã trình Chính phủ kế hoạch thực hiện quy hoạch và đã được phê duyệt. Bộ cũng tiếp tục triển khai các dự án cần thiết và trình Chính phủ cơ chế triển khai các dự án trong Quy hoạch Điện VIII, như nhà máy điện khí LNG đã có khung giá và tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong đầu tư và vận hành.
"Dự án đường dây truyền tải điện đang được giám sát chặt chẽ. Đường dây 500 kV mạch 3 cũng đang triển khai theo đúng tiến độ, đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc và miền Trung. Việc đàm phán với Lào để nhập khẩu điện cũng đã được tính đến," ông Hùng cho hay.
Đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết Bộ Công Thương đã thành lập đoàn công tác để làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các bên liên quan nhằm xem xét, đánh giá các yếu tố đầu vào cấu thành giá điện, từ đó làm cơ sở cho việc điều chỉnh giá điện trong thời gian tới.
"Bộ Công Thương đã cử đoàn kiểm tra giá thành điện năm 2023 của EVN để làm cơ sở xem xét và điều chỉnh giá điện năm 2024," Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Thế Hữu thông tin.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra chưa có và việc tăng giá điện sẽ phụ thuộc vào kết quả này. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết trước đây cơ sở chính sách để điều chỉnh giá điện là Quyết định số 24 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng hiện nay đã có Quyết định số 5 có hiệu lực. Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Quyết định 05 quy định nếu các chi phí đầu vào giảm 1% thì giá điện sẽ phải giảm ngay. Để tăng giá, chỉ được thực hiện khi các chi phí đầu vào tăng từ 3%, 5% hoặc cao hơn và phải xem xét ba tháng một lần.
"Khi chi phí đầu vào giảm, chúng tôi sẽ yêu cầu EVN giảm ngay giá điện. Nếu tăng, phải báo cáo để xem xét trong thẩm quyền của EVN, Bộ Công Thương hoặc Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phải đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc tăng giá này," Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết.
An Thảo