![]() |
Những điểm mới trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 20/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 27/3/2025 và được áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024, mang lại nhiều thay đổi quan trọng nhằm tăng cường minh bạch và công bằng trong hoạt động kinh doanh.
Sửa đổi quy định về các bên có quan hệ liên kết
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định số 20/2025/NĐ-CP là việc sửa đổi điểm d, k và bổ sung điểm m khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, làm rõ các tiêu chí xác định doanh nghiệp có quan hệ liên kết.
Cụ thể, theo điểm d khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, quan hệ liên kết được xác định khi một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào, với điều kiện khoản vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đó. Nghị định số 20/2025/NĐ-CP đã sửa đổi quy định này theo hướng tập trung vào tổng dư nợ các khoản vay giữa hai bên, nhằm phản ánh chính xác hơn bản chất tài chính của giao dịch.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định các trường hợp ngoại lệ không bị coi là quan hệ liên kết, bao gồm các tổ chức kinh tế hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 không tham gia trực tiếp, gián tiếp vào việc kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào doanh nghiệp đi vay. Điều này nhằm tránh việc áp dụng máy móc, gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Ngoài ra, điểm k khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP trước đây quy định doanh nghiệp có quan hệ liên kết nếu chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế của doanh nghiệp khác. Nghị định số 20/2025/NĐ-CP đã mở rộng quy định này, bao gồm cả các chi nhánh hạch toán độc lập thực hiện kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong xác định giao dịch liên kết.
Bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong phối hợp cung cấp thông tin
Một điểm mới quan trọng trong Nghị định số 20/2025/NĐ-CP là việc bổ sung điểm m khoản 2 Điều 5, xác định quan hệ liên kết giữa tổ chức tín dụng với công ty con, công ty kiểm soát hoặc công ty liên kết theo Luật Các tổ chức tín dụng. Đây là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của các tổ chức tín dụng có liên quan đến giao dịch tài chính giữa các bên liên kết.
Nghị định cũng bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc cung cấp thông tin về các khoản vay, trả nợ nước ngoài của từng doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Ngoài các dữ liệu truyền thống như kim ngạch khoản vay, lãi suất, kỳ hạn trả nợ, Ngân hàng Nhà nước còn phải cung cấp thông tin liên quan đến người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban giám đốc và các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng. Đây là một bước đi quan trọng nhằm tăng cường khả năng giám sát của cơ quan thuế, đảm bảo tính công bằng trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Tác động của Nghị định số 20/2025/NĐ-CP đối với doanh nghiệp
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ có tác động không nhỏ đến cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc kê khai và minh bạch hóa các giao dịch tài chính. Các doanh nghiệp cần rà soát lại cấu trúc tài chính và quan hệ liên kết của mình để đảm bảo tuân thủ các quy định mới, đồng thời chủ động phối hợp với cơ quan thuế để tránh các rủi ro pháp lý.
Việc tăng cường trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong cung cấp thông tin cũng giúp cơ quan thuế có cơ sở dữ liệu đầy đủ hơn để giám sát và xác định giao dịch liên kết. Điều này góp phần ngăn chặn các hành vi lợi dụng chính sách thuế để chuyển giá hoặc tối ưu hóa thuế một cách không minh bạch.
Nhìn chung, Nghị định số 20/2025/NĐ-CP là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Với những điều chỉnh hợp lý, Nghị định không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý thuế mà còn góp phần tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.