Công nhân làm việc tại nhà máy Samsung Thái Nguyên.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng vốn FDI vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,6 tỷ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 758 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,5 tỷ USD, giảm 3,4% về số dự án và tăng 44,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 236 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,1 tỷ USD, giảm 18%.
Bên cạnh đó, trong quý I/2020 cũng chứng kiến 2.523 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỷ USD, giảm 65,6%, bao gồm: 455 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 0,71 tỷ USD và 2.068 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,25 tỷ USD.
Như vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2020 ước tính đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vốn FDI đăng ký và thực hiện giảm, song theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), việc sụt giảm này chỉ là vấn đề mang tính thời điểm. Do tác động của COVID-19 và lệnh hạn chế đi lại nên nhiều doanh nghiệp lớn đành phải trì hoãn đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Thậm chí, trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải trì hoãn đến Việt Nam có tên các đại gia sừng sỏ như Apple, ExxonMobil…
Ở một động thái khác, trong báo cáo gửi hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Bộ Công Thương cho biết, cần nhìn nhận khía cạnh tích cực từ bối cảnh hiện tại đối với đầu tư của Việt Nam khi Việt Nam vẫn đang được coi là đất nước an toàn.
Bộ Công Thương đưa ra nhận định: “Một số nhà đầu tư đã và có ý định chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam, điển hình như mới đây, Samsung quyết định chuyển dây chuyền sản xuất một số smartphone cao cấp tới Việt Nam. Do vậy, cần coi đây là một cơ hội trong hoạt động thu hút đầu tư của Việt Nam để hướng tới mục tiêu dài hạn hơn”.
Nhận định của Bộ Công Thương là có cơ sở khi, do tác động của COVID-19, Tập đoàn mẹ Samsung Electronics đã tạm thời chuyển dây chuyền lắp ráp hai sản phẩm cao cấp Galaxy G20 và Z Flip tới Việt Nam. Được biết, Galaxy G20 và Z Flip là hai sản phẩm cao cấp hiện nay của Samsung. Theo thông tin, Samsung dự định sẽ sản xuất 200.000 chiếc điện thoại cấp cao mỗi tháng tại Việt Nam và đưa số điện thoại này về lại Hàn Quốc.
Thực tế, trong suốt 10 năm qua, Samsung đã chuyển phần lớn dây chuyền sản xuất smartphone sang Việt Nam; các nhà máy Samsung tại Việt Nam sản xuất trên 50% số điện thoại của cả tập đoàn và ít gặp gián đoạn.
Không chỉ “ông lớn” Samsung, nhiều tập đoàn khác cũng đã xoay chuyển tình thế sản xuất khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Điển hình như Tập đoàn Yura có 3 doanh nghiệp ở Việt Nam và 10 doanh nghiệp tại Trung Quốc. Sản phẩm của Yura được cung cấp độc quyền cho nhiều hãng ô tô lớn như Kia, Huyndai. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp của Trung Quốc phải ngừng sản xuất, do đó Công ty TNHH Yura Việt Nam trong KCN Phú Thái đang phải tăng ca hết công suất để có đủ sản phẩm cung cấp cho đối tác.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã có số công nhân đến làm việc đạt trên 90%, trong khi thị trường Mỹ và EU có khó khăn thì ASEAN trở thành thị trường chính của nước này, do đó đây là cơ hội để gia tăng quan hệ du lịch, thương mại và FDI đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc.
Từ diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới vào đầu tháng 4, có thể dự báo Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đang có chuyển biến tích cực, sản xuất kinh doanh trong nước, xuất nhập khẩu hàng hóa từng bước được phục hồi có tác động đối với quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam.
Cùng đó, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm “nhìn thấy cơ hội trong thách thức” của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam. Việt Nam hiện vẫn là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn ở khu vực châu Á sau những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh đầu tư và mở cửa hội nhập của Chính phủ trong những năm gần đây.
Việc cần làm trong bối cảnh hiện nay đó là cần tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cùng đó, Chính phủ, bộ ngành cần quyết liệt dập dịch để xây dựng “thương hiệu Việt Nam” như một điểm đến an toàn cho du lịch và đầu tư, qua đó tạo cơ hội để Việt Nam thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn FDI khi dịch COVID-19 qua đi.
Có một thực tế quan trọng nữa chính là, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang kiểm soát tốt dịch COVID-19. Chính điều này sẽ tạo niềm tin cho các doanh nghiệp FDI muốn tìm kiếm các điểm đến có tình hình chính trị kinh tế ổn định và dịch bệnh được kiểm soát tốt để không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư lâu dài của họ.
Phong Cầm