Công tác xây dựng pháp luật thực thi
Là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có quy mô lớn nhất mà Việt Nam từng tham gia, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được xem là cột mốc có tính bước ngoặt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế theo chiều sâu của Việt Nam.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam được gần 03 năm. Trong thời gian này, Việt Nam đã triển khai một khối lượng công việc lớn để thực thi CPTPP. Trong đó, đáng chú ý nhất là công tác xây dựng pháp luật thực thi các cam kết thế hệ mới, tiêu chuẩn cao của CPTPP.
Hiệu quả thực sự của CPTPP nói riêng và các FTA nói chung phụ thuộc một phần không nhỏ vào công tác xây dựng pháp luật thực thi. Vì vậy, những thông tin về đánh giá hiệu quả thực hiện và hàm ý chính sách có ý nghĩa cho các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý liên quan cũng như đối với doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho biết, có khoảng 89 nhóm cam kết CPTPP cần phải được thực thi trong pháp luật Việt Nam thông qua các hoạt động xây dựng pháp luật (XDPL). Nhưng con số này nếu so với 6.000 trang văn bản của CPTPP thì hơi ít.
Theo các dự kiến và kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành thì có tổng cộng 7 Luật, 6 Nghị định và 6 Thông tư cần được sửa đổi hoặc xây dựng mới để đáp ứng yêu cầu thực thi CPTPP. Các hoạt động xây dựng pháp luật dự kiến chia làm 2 đợt: đợt đầu thực hiện với các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và đợt sau thực hiện với các cam kết CPTPP có lộ trình muộn hơn. Hiện có tổng cộng 11 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và 4 văn bản đang được soạn thảo để chuẩn bị thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực theo lộ trình trong giai đoạn 2019 - 2021.
Trong đó, có 2 luật, 2 nghị định và 7 thông tư, thực thi 63 nhóm cam kết CPTPP về thương mại hàng hóa, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, lao động... đều đảm bảo phù hợp với Hiến pháp Việt Nam, đúng thẩm quyền, trình tự, thể thức và cơ bản hài hòa, không mâu thuẫn với các quy định khác trong hệ thống pháp luật liên quan.
Theo bà Trang, xét về tính tương thích, phần lớn các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật đều tương thích với cam kết CPTPP mà đã được “nội luật hóa”. Thậm chí một số quy định có nội dung vượt chuẩn cam kết, thực hiện ở mức cao hơn so với yêu cầu hoặc với lộ trình sớm hơn (chủ yếu liên quan tới quy trình đấu thầu gói thầu CPTPP). Chỉ có một trường hợp quy định chưa đủ để bảo đảm thực thi các cam kết CPTPP trên thực tế (về lao động), do đó cần được điều chỉnh để đảm bảo tuân thủ.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, qua tổng hợp báo cáo của các tỉnh thành sau 1 năm thực thi CPTPP, có hơn 460 văn bản pháp luật ở cấp địa phương đã được sửa đổi, ban hành. Dù có nhiều văn bản không nói đích danh về CPTPP, nhưng lại có những nội dung đề cập đến CPTPP.
Ông Khanh đánh giá, con số nói trên cho thấy cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đều vào cuộc rà soát các văn bản pháp luật nhằm đảm bảo tương thích với Hiệp định CPTPP. “Việt Nam đã thực sự quyết tâm đảm bảo hệ thống pháp luật sau khi gia nhập CPTPP là tương thích với hiệp định này”, ông Khanh nói.
Điểm khác biệt so với các FTA trước đó
Tương tự như 10 FTA đã có hiệu lực trước đó, CPTPP bao gồm các cam kết về ưu đãi thuế quan và quy tắc xuất xứ, các cam kết cần được hướng dẫn cụ thể bằng các quy định của pháp luật nội địa để có thể áp dụng cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đối với các cam kết ưu đãi thuế quan: Xuất phát từ các đặc điểm kỹ thuật của các cam kết này, từ yêu cầu liên quan của pháp luật Việt Nam, để tổ chức thực hiện các cam kết về ưu đãi thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện việc xây dựng và ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện CPTPP; Đối với các cam kết về quy tắc xuất xứ: Theo thông lệ chung đối với tất cả các FTA của Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền phải xây dựng văn bản pháp luật mới nhằm hướng dẫn về quy tắc xuất xứ cụ thể đối với hàng hóa; và điều chỉnh các quy định liên quan về xác minh xuất xứ (trong thủ tục hải quan) đối với hàng hóa muốn hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định: Trên thực tế, có thể nói CPTPP là hiệp định đầu tiên sau WTO đòi hỏi Việt Nam phải triển khai các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi cam kết ở phạm vi rộng như vậy. Một phần đáng kể trong số này đã được triển khai trong giai đoạn 2019-2020, với các văn bản được ban hành mới, sửa đổi/bổ sung trong nhiều lĩnh vực, ở các cấp độ pháp lý khác nhau
Tuy nhiên, khác với tất cả các FTA đã có trước đó, CPTPP là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao thực chất, đòi hỏi khối lượng công việc “nội luật hóa” cam kết lớn hơn, tính chất công việc cũng phức tạp hơn, ở các khía cạnh thậm chí chưa từng đặt ra trong các FTA trước đó.
Ông Khanh chia sẻ, đối với cả 2 hiệp định EVFTA và CPTPP, tư duy làm luật của Việt Nam đã được nâng tầm. “Chúng ta đã chấp nhận một tiêu chuẩn cao hơn, không chỉ dừng lại ở WTO và đã quan tâm đến CPTPP. Việc quan tâm tới CPTPP tức là quan tâm ở mức tiêu chuẩn cao hơn hẳn, điều này rất đáng để kì vọng trong việc ban hành các văn bản pháp luật trong thời gian tới”, ông nói.
'Nội luật hóa' các văn bản thực hiện CPTPP để có tính khả thi cao
Trong thời gian tới, về nguyên tắc, sẽ không có nhiều hoạt động XDPL để thực thi các cam kết CPTPP diện bắt buộc thực hiện nữa. Tuy vậy, các hoạt động XDPL để thực thi CPTPP theo nghĩa rộng, nhằm hướng tới việc tạo ra các thể chế pháp lý tốt hơn, hoàn thiện hơn nhằm phục vụ cho việc tận dụng hiệu quả hơn các cơ hội CPTPP lại được dự báo là sẽ rất phong phú. Những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn thực hiện hoạt động soạn thảo, ban hành và thực thi các VBQPPL về CPTPP trong giai đoạn đầu chắn chắn sẽ có nhiều ý nghĩa cho việc thực hiện hiệu quả hơn hoạt động tương tự sắp tới. Ngoài ra, bên cạnh CPTPP, Việt Nam cũng đang đứng trước nhiệm vụ “nội luật hóa” các cam kết chưa tương thích trong các FTA thế hệ mới được ký kết hoặc có hiệu lực sau CPTPP, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam – Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Những hàm ý chính sách rút ra từ hoạt động XDPL thực thi CPTPP đang và sẽ là những nhân tố có thể góp phần vào việc tăng hiệu quả thực hiện các FTA khác từ góc độ pháp luật thể chế này.
Ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh: “Là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao đầu tiên mà Việt Nam từng tham gia, Hiệp định CPTPP có tác động trực tiếp tới nhiều chế định pháp luật nội địa của Việt Nam. Do đó, cần khẩn trương bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật nội địa nhằm bảo đảm tương thích với cam kết là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình thực thi Hiệp định này”.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cũng đồng thuận với việc cần nâng tầm tư duy làm luật, “nội luật hóa” các cam kết thực thi Hiệp định thương mại tự do, nhất là các hiệp định thế hệ mới. Việt Nam cần nhanh chóng thể chế hóa các cam kết tham gia CPTPP để giúp doanh nghiệp và nền kinh tế nâng cao khả năng cạnh tranh và tận dụng sớm những lợi thế ưu đãi hàng hóa, thuế suất mang lại.
Bà Lan cũng đưa ra cảnh báo: “Hiện nay một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Anh, Đài Loan đã nộp đơn đề nghị tham gia CPTPP. Đây là những nền kinh tế có khả năng cạnh tranh cao hơn nhiều so với Việt Nam. Trung Quốc có nhiều lợi thế về xuất khẩu hàng hóa, Anh và Đài Loan cũng có nền kinh tế phát triển, hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, khả năng thực thi các hiệp định thương mại cao và ‘khôn ngoan’ trong đàm phán để đạt được lợi ích. Chính vì vậy, Việt Nam cần nội luật hóa các văn bản thực hiện CPTPP sao cho có tính khả thi cao, theo hướng tạo thuận lợi tối đa xuất khẩu các mặt hàng được ưu đãi thuế theo cam kết để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp”.
Ở khía cạnh này, bà Trang cũng nói, thay vì chỉ đưa ra các quy định đạt chuẩn theo cam kết của hiệp định thương mại đã ký, các văn bản pháp luật thực thi tới đây nên mở rộng hơn, vượt chuẩn cam kết để phù hợp với bối cảnh mới, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
"Trong bối cảnh khó khăn nhiều bề, nhất là chịu tác động từ đại dịch, các cam kết có lợi của các FTA sẽ là cứu cánh cho doanh nghiệp", bà Trang nêu.
Muốn vậy, bà khuyến nghị, cơ quan soạn thảo trong quá trình xây dựng các văn bản thực thi hiệp định thương mại tự do (FTA) cần rà soát tính tương thích với các cam kết FTA và tham vấn đầy đủ các đối tượng liên quan. Nội dung các văn bản nên "lên khung" càng sớm càng tốt, thậm chí từ khi văn kiện FTA được ký chính thức mà không chờ tới khi phê chuẩn.
Có thể thấy rằng, các hoạt động XDPL thực thi CPTPP hay các FTA hiện tại mới chỉ dừng lại ở các mục tiêu bảo đảm tính tương thích hay tổ chức thực thi trên thực tế các cam kết CPTPP. Cách tiếp cận này là phù hợp trong giai đoạn đầu, khi Việt Nam mới thực thi Hiệp định, với nhiều nhiệm vụ XDPL phải hoàn thành theo cam kết. Tuy nhiên, khi các công việc này cơ bản hoàn tất, hoạt động XDPL gắn với CPTPP và các FTA cần tính tới các mục tiêu thực chất hơn với Việt Nam. Cụ thể, trong quá trình thực thi CPTPP và các FTA, các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cần rà soát để nhận diện các yêu cầu điều chỉnh về pháp luật cần thiết để gỡ bỏ những vướng mắc, tạo điều kiện hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và chủ thể kinh doanh khi áp dụng, tận dụng các cam kết FTA. Nói cách khác, cần tính tới các hoạt động XDPL không chỉ giới hạn ở việc thực thi cam kết mà cần vượt lên trên yêu cầu cam kết, vì chính nhu cầu nội tại của Việt Nam và để hỗ trợ tốt nhất cho việc tận dụng hiệu quả các cam kết FTA của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nói cho cùng, hoạt động XDPL thực thi các FTA phải là các hoạt động nhằm tạo ra khung khổ pháp lý
Bảo Bảo