Ngày 18/8, 42 người Việt làm tại sòng bài thuộc ấp Chrey Thum, tỉnh Kandal bỏ trốn, bơi qua sông Bình Di (An Giang) về nước. Một người bị nước cuốn thiệt mạng, một người bị bảo vệ casino bắt lại.
Chiều ngày 17/9, 60 người Việt tháo chạy khỏi một casino ở tỉnh Svay Riêng, Campuchia về phía đồn cửa khẩu Bavet. 56 người chạy thoát khỏi casino và được tiếp nhận ở cửa khẩu, 4 người bị bắt giữ lại. Sau đó, các cơ quan chức năng đã yêu cầu casino này giao nộp thêm 11 công dân Việt Nam, trong đó có 4 người trong nhóm tháo chạy bị bắt lại, nâng tổng số nạn nhân trong vụ này lên 67 người.
Vụ việc người Việt tháo chạy khỏi các sòng bạc tại Capuchia không còn mới lạ. Những người này khai trước đó trốn sang Campuchia làm việc tại một số casino. Do bị ép làm việc quá thời gian quy định, cực khổ, không được trả lương, họ tìm cách vượt biên về Việt Nam.
Nhiều người Việt gần đây bị lừa sang Campuchia bán cho các tổ chức đánh bạc hoặc kinh doanh tiền ảo, bị bóc lột sức lao động, muốn về nước, phải nộp 3.000- 30.000 USD. Những vụ việc như trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn buôn người với hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Và nạn nhân một khi đã đưa chân vào, con đường trở về không hề dễ dàng.
Nhận định về tình trạng này, Thượng tá Đinh Văn Trình - Phó trưởng Phòng phòng ngừa, đấu tranh, chống tội phạm buôn bán người, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, nạn nhân chủ yếu của đường dây này là những người trẻ, 18- 35 tuổi, ở vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, các tỉnh miền Trung hay tỉnh giáp biên giới với Campuchia…
Người Việt Nam đi sang bên Campuchia lao động bằng nhiều con đường khác nhau nhưng thường đi qua con đường xuất cảnh trái phép. Sang đó, họ được chuyển giao cho chủ lao động và ký kết hợp đồng lao động. Rất nhiều người không được đọc hoặc không đọc được các hợp đồng đó mà ký vào. Khi thực hiện hợp đồng đó mà không đạt yêu cầu, họ sẽ bị chủ đe dọa, cưỡng bức, bị đánh đập, tra tấn hoặc bán đi chỗ khác. Nhiều người lao động sau khi rời khỏi Việt Nam trốn cả gia đình, giấu gia đình không nói. Đến khi có điều kiện liên lạc về nhà, họ không biết họ đang ở vị trí nào, cơ quan, công ty ở đâu. Nên việc trao đổi thông tin cũng như hỗ trợ nạn nhân cũng gặp nhiều khó khăn.
Phần lớn các đối tượng sử dụng mạng xã hội: Zalo, Facebook,… để giới thiệu việc “tìm việc nhẹ lương cao” tại các khu vực sát biên giới, sang Campuchia hoặc các nước khác. Các đối tượng này thường xuyên không ra mặt.
Hoặc các đối tượng sẽ đánh vào bẫy nợ vì người lao động vốn thiếu hiểu biết, không có tiền. Các đối tượng này thường đưa ra các thông tin không phải đóng tiền mà sẽ được ứng tiền trước để lo các khoản chi phí. Sau khi được đưa sang nước ngoài, các đối tượng bắt người lao động ghi giấy nợ với mức nợ rất cao, thường là vài nghìn USD/người.
Trước thực trạng này, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đưa ra khuyến cáo người lao động phải tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp làm dịch vụ và cả quốc gia, vùng lãnh thổ muốn tới làm việc. Để tìm hiểu thông tin đối với từng ngành, nghề, công việc và các khoản chi phí để đi làm việc ở nước ngoài, người lao động còn có thể liên hệ với trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội địa phương để tránh “tiền mất, tật mang”.
P.V