Hàng loạt các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2019. Theo đó, nhiều DN có lợi nhuận sụt giảm, thậm chí lỗ... Điều mà nhiều DN lo lắng đó là không chỉ lỗ trong quý mà dấu hiệu này sẽ kéo dài trong năm 2019.
Nhiều doanh nghiệp giảm lợi nhuận
Theo thống kê của công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), tính đến thời điểm 31/3/2019, tổng tài sản công ty mẹ Đất Xanh (DXG) vào mức 14.349 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn tăng lên 12.323 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn tại mục hàng tồn (4.319 tỷ đồng) và phải thu (6.193 tỷ đồng). Nợ phải trả vào mức 7.729 tỷ đồng, tăng so với 7.530 tỷ đồng đầu kỳ, trong đó nợ ngắn hạn tăng gần 500 tỷ đồng.
VCSC nhấn mạnh, rủi ro lượng hàng tồn kho cao hơn cho mảng môi giới bán buôn khi mở rộng kinh doanh, tiến độ xây dựng tiếp tục bị trì trệ tại dự án Gem Riverside. Do đó, kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của DXG sẽ điều chỉnh giảm, ước tính giá trị tài sản ròng giảm khoảng 10%.
Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII), doanh thu giảm 16%, lãi vay tăng cao và lỗ liên doanh liên kết khiến công ty mẹ chịu lỗ 5,5 tỷ đồng trong quý I/2019.
Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC) mới đây phải có văn bản giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi lợi nhuận sau thuế giảm so với quý trước. Cụ thể, doanh thu ghi nhận trong quý I của DN này đạt 566 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 11,5 tỷ đồng, giảm 25%.
Công ty CP Tasco (HUT), quý IV/2018 doanh thu đạt 382 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lỗ gần 15 tỷ đồng. Sang tới quý I/2019, Tasco lại báo lỗ gần 14 tỷ đồng mặc dù doanh thu thuần tăng.
Trong cơ cấu doanh thu của Tasco năm 2018 cũng như quý đầu tiên năm 2019 thì giảm mạnh nhất là lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS. Tasco chỉ thu về được 33,7 tỷ đồng từ kinh doanh BĐS, trong khi con số này cùng kỳ năm ngoái là 107 tỷ đồng.
Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) vừa báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy tình hình kinh doanh của DN này vẫn tiếp tục "bết bát" với lợi nhuận sau thuế đạt 5,5 tỷ đồng, giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Tổng trị giá hàng tồn kho tính đến cuối quý I/2019 là hơn 7.382 tỷ đồng.
Gặp khó khăn với kinh doanh địa ốc, QCG liên tục đưa ra các quyết định nhằm thu hẹp lĩnh vực này như giảm vốn góp ở công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng; giải thể công ty CP BĐS Hiệp Phát tại Tp.HCM do hoạt động không hiệu quả, chuyển nhượng vốn tại một số công ty BĐS khác…
Ảnh minh họa
Rừng thủ tục hành chính
Phân tích về sự sụt giảm lợi nhuận, thậm chí là lỗ của các đại gia BĐS, Gs. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng sự phát triển của các DN BĐS là quá nóng, bên cạnh các DN có thâm niên phát triển dự án BĐS, một lực lượng không nhỏ DN các ngành nghề khác cũng nhảy vào thị trường này, khiến ngành nghề BĐS phát triển không cân đối.
Vì thế, thị trường rơi vào thế hỗn độn, dự án xin phép nhiều nhưng tỷ lệ xây dựng được không lớn, bởi vấp phải vấn đề về năng lực tài chính yếu kém, khả năng quản trị yếu. Thực trạng này dẫn tới nhiều hệ lụy cho thị trường và đến thời điểm này vẫn chưa giải quyết hết.
"Nguy hiểm hơn là giá đất cũng tăng vọt và gây ra sốt. Tại vùng ven các đô thị, nhiều khu đô thị bỏ hoang, không ít căn nhà trơ trọi mặc cho rêu bám cỏ lấp. Trong khi đó, người sản xuất lại thiếu đất canh tác và một bộ phận người dân vẫn không thể mua được nhà để an cư, lạc nghiệp", ông Võ nói.
Còn theo VCSC, một số DN BĐS, trong đó có DXG, bị vướng thủ tục pháp lý cho các dự án chuẩn bị khởi công từ đầu năm tới nay. Như vậy, kế hoạch mới chậm hơn so với dự kiến trước đây, vì các thủ tục pháp lý đến nay vẫn chưa có tín hiệu tiến triển. VCSC dự báo, để triển khai được cũng phải quý II hoặc quý III/2020, khiến việc thu tiền từ khách hàng bị chậm lại.
Ông Tạ Quyết Thắng - Giám đốc công ty Sơn Trường (Hải Phòng), cũng than thở rằng công ty của ông nói riêng và nhiều DN BĐS nói chung ở Hải Phòng cũng rơi vào tình cảnh giảm lãi và lỗ.
Ông Thắng cho rằng thời điểm này rất khó triển khai được dự án do thủ tục hành chính cấp phép xây dựng, cũng như khó khăn trong việc chuyển sổ hồng để có thể vay vốn được.
Đơn cử như DN Sơn Trường chuyển đổi quyền sử dụng đất từ tên cũ sang tên mới hơn 10 năm không xong, hàng năm vẫn phải nộp tiền thuê đất nhưng không được sử dụng hoặc công ty này 3 năm không xin được giấy phép xây dựng.
Một ví dụ khác là công ty Sơn Trường xây dựng tặng thành phố Hải Phòng cây cầu Tam Bạc và xây tặng huyện An Dương một trường tiểu học mà phải mất hàng chục thủ tục cùng vài tháng ròng mới xong.
Như vậy, có thể nói việc các DN BĐS giảm lợi nhuận và lỗ có nhiều nguyên nhân. Đáng kể nhất đó là sự phát triển nóng của bản thân DN và rừng thủ tục hành chính đã cản trở sự phát triển của DN.
Phạm Minh