Nhật Bản: Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải đóng cửa khi hàng loạt ông chủ về hưu do tuổi già

20:55 16/01/2023

Bộ Thương mại Nhật Bản từng dự báo đến năm 2025, sẽ có chừng 630.000 doanh nghiệp đang có lãi phải đóng cửa, gây thiệt hại cho nền kinh tế đến 165 tỉ đô la và làm mất đến 6,5 triệu việc làm.

Dân số Nhật Bản hiện tại đang chiếm 1.68% dân số thế giới. Nhật Bản đứng thuộc top 11 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước, vùng lãnh thổ. Trong năm 2022, dân số dự kiến giảm -465.956 người và đạt 125.331.007 người vào năm 2023.

Theo số liệu được thống kê của Bộ Y Tế Nhật Bản, năm 2022 tại Nhật Bản chỉ có 941.000 em bé sinh ra đời, tỷ lệ sinh đẻ cực thấp so với tỷ lệ trung bình trên thế giới.

Phân bổ độ tuổi của Nhật Bản hiện nay:

13.1% dân số dưới 15 tuổi tương đương ~16.585.532 người (tỷ lệ nam giới nhiều hơn nữ giới)

64% dân số trong độ tuổi từ 15-64 tuổi tương đương ~80.886.543 người.

22,9% dân số trên 64 tuổi tương đương ~28.913.147 người.

Con số 22.9% dân số trên 64 tuổi này đang nằm ở mức báo động nhưng được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 35% vào năm 2050. Con số này cũng chứng minh dân số Nhật Bản già hóa qua các năm. 

Tháp dân số ở Nhật Bản năm 2010 và 2050: Có sự thay đổi rõ rệt về số người trong tuổi lao động. (Ảnh: Wikipedia)
Tháp dân số ở Nhật Bản năm 2010 và 2050: Có sự thay đổi rõ rệt về số người trong tuổi lao động. (Ảnh: Wikipedia).

Số người cao tuổi gia tăng đang tạo sức ép lớn cho Nhật Bản trong việc giải quyết bài toán già hóa dân số vốn là “cơn đau đầu” của quốc gia Đông Bắc Á này trong những năm qua.

Đây được coi là một quốc nạn khó bề cải thiện của Nhật. Và điều này cũng khiến Nhật Bản rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu hụt lao động trầm trọng.

Tình trạng lão hóa quá nhanh đến nỗi tuổi bình quân của chủ doanh nghiệp ở nước này nay lên đến 62 tuổi. Nhiều người trong số họ muốn chuyển giao doanh nghiệp cho người khác để về hưu, an hưởng tuổi già nhưng con cái không chịu nhận. Hidekazu Yokoyama, năm nay 73 tuổi là một trường hợp như thế.

Theo New York Times, Hidekazu Yokoyama đã bỏ ra cả ba thập niên, xây dựng một doanh nghiệp logistics thành công ở đảo Hokkaido, hòn đảo phủ đầy tuyết ở phía Bắc Nhật Bản. Công ty ông tham gia vào việc phân phối sản phẩm sữa ở đây đến khắp nước Nhật. Năm ngoái ông quyết định đem doanh nghiệp biếu không cho bất kỳ ai muốn tiếp nhận để nghỉ ngơi.

Ông không muốn đóng cửa doanh nghiệp vì nhiều nông dân phụ thuộc vào công ty ông; con cái đã lớn, dọn đi làm ăn nơi khác, nhân viên cũng không ai chịu đứng ra tiếp nhận. Cuối cùng ông phải sử dụng một dịch vụ giúp chủ các doanh nghiệp ở những vùng xa, vùng sâu tìm người tiếp quản: giá rao bán công ty bằng 0.

Vấn đề của ông Yokoyama cũng là nỗi lo của chính quyền nước này: nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải đóng cửa khi hàng loạt ông chủ phải về hưu do tuổi già. Bộ Thương mại Nhật Bản từng dự báo đến năm 2025, sẽ có chừng 630.000 doanh nghiệp đang có lãi phải đóng cửa, gây thiệt hại cho nền kinh tế đến 165 tỉ đô la và làm mất đến 6,5 triệu việc làm.

Chính quyền phải tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm giúp các chủ doanh nghiệp lớn tuổi biết được những chọn lựa cho tương lai cũng như tổ chức các dịch vụ hỗ trợ họ tìm người kế tục. Để khuyến khích việc chuyển giao, chính quyền Nhật cũng đề ra nhiều ưu đãi thuế và trợ cấp cho chủ mới.

 Tuy nhiên việc chuyển giao cũng không dễ diễn ra, chủ yếu do thói quen truyền thống. Dân Nhật không thích bán doanh nghiệp cho người lạ, càng không muốn để doanh nghiệp rơi vào tay đối thủ cạnh tranh. Hoạt động mua bán, sáp nhập không được xem trọng.

Năm 2021, các trung tâm hỗ trợ của Chính phủ Nhật chỉ tìm ra người mua cho 2.413 doanh nghiệp trong khi 44.000 doanh nghiệp khác bị đóng cửa. Trên 55% vẫn đang ăn nên làm ra khi đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp như thế lại nằm ở các thành phố nhỏ; việc đóng cửa một doanh nghiệp thường có tác động lớn lên cộng đồng làm các địa phương này càng chật vật ngăn dòng di dân ra thành phố lớn. 

Người già ở Nhật Bản tập thể dục với tạ gỗ. Ảnh: Reuters
Người già ở Nhật Bản tập thể dục với tạ gỗ. Ảnh: Reuters.

Lo ngại về những hậu quả kinh tế và xã hội mà tốc độ già hóa dân số nhanh có thể gây ra, Chính phủ Nhật đã khởi động một loạt chương trình giải quyết mức sinh thấp từ giữa những năm 1990. Trọng tâm ban đầu là hỗ trợ người lập gia đình nuôi dạy con cái, thông qua việc tăng cường cung cấp các dịch vụ chăm trẻ và ủng hộ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Vào cuối những năm 2000, các nỗ lực nhằm tăng trưởng dân số của Chính phủ Nhật đã dần toàn diện hơn, bao gồm các chính sách hỗ trợ nuôi con dài hạn từ tuổi sơ sinh cho đến trưởng thành. Nhưng bất chấp những chính sách liên tục và toàn diện đó, Chính phủ Nhật không đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ sinh, mà chỉ có thể ngăn tỷ lệ sinh giảm thêm nữa. Như trong năm 2021, tỷ lệ sinh của Nhật vẫn ở mức 1,3 con/phụ nữ.

Tỷ lệ sinh ngày càng thấp đang gây thêm áp lực cho Chính phủ Nhật Bản trong bối cảnh Nhật Bản vẫn đang nỗ lực tìm cách duy trì quỹ hưu trí quốc gia ngày một phình to, bảo đảm hệ thống y tế và chăm sóc người cao tuổi khi dân số ngày càng già hóa.

Theo Giáo sư Yu Shibata tại Viện Nghiên cứu nhân chủng học và môi trường, thuộc Đại học Tokyo, để cải thiện tình trạng này là không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu nói chung và tại Nhật Bản nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến kế hoạch sinh con của các gia đình. Để làm được điều này, Nhật Bản phải cố gắng giảm bớt gánh nặng tài chính cho các cặp vợ chồng trẻ liên quan đến sinh nở, chăm sóc con và học phí.

 D.A (T/h)