Bài liên quan |
Xuất khẩu của Nhật Bản tăng vượt kỳ vọng trong tháng 10 |
Khảo sát: 56,1% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam |
Tính đến cuối quý II/2024, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 5.369 dự án với tổng vốn lên tới 76,76 tỷ USD, đứng thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chia sẻ tại "Hội nghị Việt - Nhật lần thứ 9 về lĩnh vực xây dựng", tổ chức tại Hà Nội vào ngày 19/12.
Sự kiện này do Bộ Xây dựng Việt Nam phối hợp cùng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) tổ chức, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực phát triển nhà ở và hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hai bên hợp tác sâu rộng hơn trong những lĩnh vực này.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, Nhật Bản không chỉ là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam mà còn là nhà tài trợ ODA lớn thứ tư cho Việt Nam, đóng góp vào nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực hạ tầng, phát triển công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực. Các dự án ODA từ Nhật Bản đã mang lại giá trị quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn. Ảnh BNews |
Trong lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác từ năm 2010, với các dự án tập trung vào phát triển công nghiệp, đào tạo nhân lực và quản lý công trình.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn một số hợp tác. Nhật Bản cũng đã tham gia vào việc phát triển nhiều dự án nhà ở và hạ tầng tại Việt Nam, với mục tiêu không chỉ nâng cao chất lượng công trình mà còn giúp phát triển hạ tầng đô thị, phù hợp với yêu cầu phát triển nhanh chóng của các thành phố.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cũng thông tin, Chính phủ Việt Nam đã thông qua các văn bản pháp lý mới, như Luật Nhà ở và Quy hoạch đô thị, nhằm cải thiện môi trường đầu tư và quản lý phát triển bất động sản.
Đặc biệt, Việt Nam đang triển khai một số chương trình lớn, trong đó có kế hoạch xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, với tổng số vốn 120.000 tỷ đồng cho các dự án này. Chính phủ Việt Nam cũng chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật, với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả của các công trình hạ tầng để tạo nền tảng thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hội nghị cũng là cơ hội để các bên trao đổi kinh nghiệm, hợp tác và chia sẻ nhu cầu phát triển nhân lực chất lượng cao trong ngành xây dựng.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn khẳng định, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực chuyên môn, công nghệ và thương mại, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện quản lý thị trường bất động sản tại Việt Nam trong những năm tới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Yosuke Tsutsumi, Phó thứ trưởng Bộ MLIT, cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng. Ông Tsutsumi đánh giá cao sự hợp tác giữa hai quốc gia, từ việc triển khai các dự án ODA đến chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ xây dựng, quản lý công trình và đào tạo nguồn nhân lực. Những thành tựu này không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam mà còn củng cố mối quan hệ gắn bó giữa hai quốc gia.
Theo ông Yosuke Tsutsumi, lĩnh vực xây dựng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ việc đảm bảo chất lượng công trình, an toàn lao động, đến phát triển các dự án hạ tầng phù hợp với yêu cầu đô thị hóa nhanh chóng và bền vững.
Tuy nhiên, với sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia, Việt Nam và Nhật Bản hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn này và tiếp tục thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành xây dựng. Hội nghị này cũng là dịp để các bên đánh giá những kết quả hợp tác đã đạt được và chia sẻ xu hướng mới cùng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng. Từ đó, các bên đề xuất sáng kiến và giải pháp thiết thực cho việc phát triển các dự án hạ tầng chất lượng cao, bảo đảm an toàn và hiệu quả trong quá trình thi công.