Nhà lãnh đạo ‘hoàn hảo’ sẽ cân bằng giữa việc quản lý rủi ro doanh nghiệp và chú trọng đội ngũ nhân viên của họ

17:30 19/11/2021

Khả năng của một nhà lãnh đạo trong việc cân bằng rủi ro giữa sứ mệnh của doanh nghiệp với yếu tố con người là chìa khóa dẫn đến thành công của doanh nghiệp đó.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Để duy trì được bước tiến thành công, nhiều công ty đã đặt ra những yêu cầu đặc biệt đối với đội ngũ của họ. Điển hình như nhiều nhân viên tại các ngân hàng đầu tư, công ty luật và công ty tư vấn nổi tiếng trên khắp thế giới đều luôn trong trạng thái mệt mỏi. Các nhà phát triển phần mềm cũng thường trải qua những giờ làm việc căng thẳng kéo dài trong những tuần cuối cùng trước khi dự án ra mắt sản phẩm mới diễn ra.

Các nhà lãnh đạo hiểu rằng trong thời kỳ khó khăn, rất khó để đạt được kết quả xuất sắc mà không đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với đội ngũ nhân sự. Tuy nhiên, bất kỳ thành công nào cũng đều đi kèm với cái giá phải trả, đó chính là sức khỏe tinh thần hoặc thể chất của nhân viên. Điều này ví như một chiến thắng kiểu Pyrrhic - thành ngữ để chỉ những thắng lợi mà gây ra rất nhiều sự tổn thất khủng khiếp cho bên chiến thắng đến mức về cơ bản là tương đương với việc thất bại.

Vậy làm cách nào để các nhà lãnh đạo có thể quản lý thành công, vừa giúp họ vượt các thời kỳ khó khăn trong khi vẫn giữ cho đội ngũ của họ không bị kiệt sức?

Để tìm hiểu, nhóm các nhà nghiêu cứu bao gồm Flavio Serapiao - Phó Giáo sư tại Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ), Andrew Hill - đồng sáng lập  BurnBright, chuyên ngành công nghệ giáo dục lãnh đạo cho các tổ chức phi lợi nhuận và Boris Groysberg - Giáo sư Quản trị Kinh doanh tại trường Kinh doanh Harvard đã nghiên cứu, trong đố đối tượng nghiên cứu tập trung vào các sĩ quan cao cấp của Quân đội Hoa Kỳ - những người đã phục vụ trong môi trường cực kỳ căng thẳng và đầy áp lực.

Cân bằng rủi ro  con người và nhiệm vụ

Không nơi nào cho thấy sự căng thẳng rõ ràng như môi trường quân đội - nơi mà những thời kỳ khó khăn có thể trở thành là vấn đề sinh tử. Để đạt được mục tiêu tại chiến trường, các nhà lãnh đạo thường phải mạo hiểm tính mạng của những người phục vụ dưới quyền chỉ huy của họ, bao gồm cả đàn ông và phụ nữ. Mặt khác, có một sự thật khắc nghiệt rằng, một chỉ huy không bao giờ chấp nhận rủi ro sẽ không bao giờ đạt được chiến thắng.

Trong nghiên cứu của mình, nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn và khảo sát các sĩ quan cấp cao của quân đội Hoa Kỳ về khả năng lãnh đạo hiệu quả. Họ đã nói chuyện với các đại tá và trung tá trong Quân đội Hoa Kỳ, những người có trung bình hơn 20 năm kinh nghiệm lãnh đạo. Hầu hết những người tham gia đều là tiểu đoàn trưởng trong các cuộc chiến đấu hoặc hỗ trợ các hoạt động chiến đấu.

Nghiên cứu của nhóm đã xác định ba hành vi đặc trưng cho các nhà lãnh đạo hiệu quả trong Quân đội. Hành vi đầu tiên là dễ gần và cởi mở - điều này thể hiện khía cạnh “con người” của lãnh đạo. Hành vi thứ hai là nắm rõ các quy trình và hoạt động như thế nào, thể hiện khía cạnh “sứ mệnh” của lãnh đạo. Cuối cùng, hành vi thứ ba được gọi là cân bằng rủi ro giữa sứ mệnh công việc và yếu tố con người, thể hiện sự tích hợp của hai hành vi đầu tiên.

Để phân tích cụ thể hơn về 3 hành vi trên, những người tham gia nghiên cứu của nhóm đã khảo sát, phân tích và đưa ra kết luận. Thứ nhất, những nhà lãnh đạo dễ gần và cởi mở nên làm những việc sau:

- Tạo cơ hội để mọi người nói chuyện với họ, giúp họ dễ tiếp cận và loại bỏ dần các rào cản giữa người lãnh đạo và đội ngũ nhân viên.

- Cho đội ngũ của họ hiểu rằng lời nói của họ là rất quan trọng.

- Tập luyện kỹ năng lắng nghe.

- Khuyến khích và khen thưởng đội ngũ làm việc.

- Thể hiện sự cởi mở và sẵn sàng thảo luận về các quan điểm khác nhau.

- Chứng tỏ rằng họ không chỉ quan tâm đến công việc của các thành viên trong nhóm mà còn quan tâm đến sức khỏe và hạnh phúc của họ.

Thứ hai, các nhà lãnh đạo nắm rõ các quy trình và hoạt động nên làm những việc:

- Hiểu các hoạt động cần thiết để thành công trong sứ mệnh.

- Có năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật  cần thiết (Không ai biết tất cả mọi thứ, nhưng họ nên biết những công việc cần thiết của một nhà lãnh đạo)

- Nhận ra những điều họ chưa biết và tích cực tìm kiếm thông tin để lấp đầy những điểm yếu đó.  

- Nhận biết rõ chi phí và hậu quả của các quyết định được đưa ra.  

- Không chỉ biết doanh nghiệp của họ mà còn nên quan tâm những mối liên họ giữa doanh nghiệp của họ với những doanh nghiệp và tổ chức khác trong khu vực.

Thứ ba, những nhà lãnh đạo cân bằng được rủi ro giữa sứ mệnh công việc và yếu tố con người sẽ quản lý theo hai cách:

- Đầu tiên, họ đã cố gắng xây dựng lòng trung thành và sự tin tưởng trong xuyên suốt quá trình làm việc, có nghĩ là họ đã có sẵn lòng tin cậy từ các nhân viên ngay cả khi lâm vào thời gian khủng hoảng. Những người trả lời nghiên cứu liên tục cho rằng những nhà lãnh đạo nếu ban đầu đầu tư mạnh mẽ vào con người thì sẽ có thể quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Những nhà lãnh đạo quan tâm đến mọi người sẽ tạo ra mức độ cam kết, lòng trung thành và quyền sở hữu cao, do đó, việc hoàn thành sứ mệnh trở thành ưu tiên hàng đầu đối với mọi người khi làm việc.

- Thứ hai, những nhà lãnh đạo này đã tiến hành các hoạt động để duy trì tinh thần và sự tự tin trong thời gian khủng hoảng. Họ đảm bảo rằng họ luôn sẵn sàng để các thành viên trong nhóm có thể nêu lên các vấn đề. Họ rõ ràng đã kết nối các yêu cầu nhiệm vụ đặc biệt khó khăn với sự thành công của nhiệm vụ. Họ đặt ra các mục tiêu rõ ràng và giúp cấp dưới hiểu được bức tranh toàn cảnh hơn về từng nhiệm vụ nêu ra. Và họ thể hiện sự sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để đặt đội lợi ích cá nhân mọi người lên trước, điều này thể hiện sự chia sẻ với đội ngũ cấp dưới.

Làm thế nào để cân bằng khả năng lãnh đạo trong thời điểm khó khăn

Làm thế nào các nhà lãnh đạo có thể thực hiện phương pháp lãnh đạo cân bằng này trong tổ chức của họ? Đầu tiên, hãy nghĩ về vị trí của bạn. Trước và sau khi kết thúc thời điểm khó khăn, bạn nên đầu tư vào việc xây dựng lòng trung thành và niềm tin với đội ngũ của mình, thể hiện năng lực chuyên môn của bạn và tạo ra ý nghĩa trong từng quyết định đưa ra. Để chuẩn bị sẵn sàng đương đầu và phục hồi sau cuộc khủng hoảng, các nhà lãnh đạo có thể:

Chú tâm vào việc tiếp cận với đội ngũ cấp dưới: Lắng nghe đội ngũ của bạn. Đối xử với họ như đối tác chứ không phải nhân viên, để họ biết rằng họ có tiếng nói. Sẵn sàng thảo luận các quan điểm khác nhau và học hỏi kinh nghiệm và kiến thức của họ về tổ chức.

Nắm vững quy trình hoạt động: Đầu tư thời gian để tìm hiểu đội ngũ của bạn, những gì họ làm và những thách thức hiện tại của họ. Những cơ hội học hỏi này sẽ giúp bạn kết nối và tham gia gần với đội ngũ của bạn, cho thấy rằng bạn quan tâm đến công việc của họ và sẵn sàng lắng nghe những vấn đề và khó khăn của họ.

Tập trung vào hoàn thiện sự phát triển chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên: Thường xuyên đánh giá xem liệu họ đã sẵn sàng cho những thách thức hiện tại và những thách thức sẽ đến trong thời gian ngắn hay không.

Ưu tiên sức khỏe và tinh thần: Hãy tin rằng việc này là cần thiết và tạo động lực làm việc cho đội ngũ nhân viên của bạn.

Trong những thời kỳ khó khăn, những nhà lãnh đạo cần:

Đặt mục tiêu tích cực có thể đạt được: Hãy nghĩ về điều gì đó thú vị nhưng có thể tiếp cận được dựa trên mức độ hoạt động và mức độ trưởng thành của đội ngũ nhân viên. Đánh giá rủi ro trước khi chỉ định mục tiêu. Có thể học hỏi từ những thất bại của nhóm bạn và cung cấp phản hồi để giải quyết những lỗ hổng trong quá trình phát triển của họ.

Hiểu rõ các quyết định của bạn: Đôi khi, các nhà lãnh đạo không biết họ đang yêu cầu gì ở nhóm của mình trong quá trình hoạt động. Trong phạm vi có thể, hãy chia sẻ gánh nặng và tham gia cùng với đội ngũ làm việc.

-Sẵn sàng cởi mở vói đội ngũ nhân viên: Những thời kỳ khó khăn thường ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng của một nhà lãnh đạo. Đảm bảo rằng các thành viên trong nhóm có cách để chia sẻ thông tin quan trọng với bạn, chẳng hạn như khi họ bị thúc ép quá mức hoặc mọi thứ không hoạt động như bình thường.

-Đừng đặt lợi ích cá nhân của bạn hơn lợi ích của nhóm: Các nhà lãnh đạo không tốt là những nhà lãnh đạo tạo ra đặc quyền đối với mình và chèn ép cấp dưới của họ.

Thời điểm khó khăn không hẳn đã có những ảnh hưởng quá lớn đến thành công của một doanh nghiệp, nhưng vô hình sẽ tạo ra văn hóa tổ chức của doanh nghiệp. Khả năng lãnh đạo kém trong thời kỳ khủng hoảng sẽ gây tổn hại rất lớn cho tổ chức, dẫn đến việc nhân viên mất tinh thần, kiệt sức hoặc không đạt được mục tiêu mà nhà lãnh đạo đề ra. Nghiên cứu của nhóm nghiên cứu cho thấy rằng khả năng của một nhà lãnh đạo trong việc cân bằng rủi ro giữa sứ mệnh của doanh nghiệp với yếu tố con người là chìa khóa dẫn đến thành công của doanh nghiệp đó.

Anh Đức