Nguồn vốn FDI đầu tư vào Nghệ An đã khởi sắc

21:05 08/11/2020

Trong khi hai tỉnh láng giềng là Thanh Hóa và Hà Tĩnh phát triển mạnh khiến Nghệ An trở thành vùng trũng, những nỗ lực thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Nghệ An đã bắt đầu khởi sắc, kỳ vọng góp phần quan trọng lấp dần vùng trũng.

Một góc Khu KT Đông Nam Nghệ An

Nền tảng quan trọng đầu tiên phải kể đến là Khu KT Đông Nam tỉnh Nghệ An đã thu hút được hai nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Đó là VSIP (Singapore), với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 188 triệu USD và WHA Hemaraj (Thái Lan), tổng mức đâu tư 1 tỷ USD. Hai nhà đầu tư có quy mô lớn nhất ở Nghệ An này là nền tảng thu hút đầu tư các dự án thứ cấp bởi sức hấp dẫn của hạ tầng đầu tư. Bắt đầu từ đây cùng với chính sách cởi mở của mình, năm 2019 khu KT Đông Nam Nghệ An thu hút được 25 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 7.642,3 tỷ đồng. Trong đó có 08 dự án FDI là 6.718 tỷ đồng, chiếm 88% tổng vốn đầu tư đăng ký. 

Khu hạ tầng công nghiệp VSIP Nghệ An (Singapore)

9 tháng đầu năm 2020, có 12 dự án đầu tư với tổng vốn 1.929,1 tỷ đồng. thì có 04 dự án FDI, tổng vốn đầu tư là 1.125,1 tỷ đồng, chiếm 58,3%. Như vậy là đến nay, Khu KT Đông Nam Nghệ An, một vùng kinh tế rộng lớn đã thu hút được 239 dự án, tổng vốn đầu tư 58.005,8 tỷ đồng. Trong đó có 43 dự án FDI (chiếm 18%), tổng vốn đầu tư 15.820 tỷ đồng (chiếm 27,2%). Các Nhà đầu tư FDI lớn lần lượt là Thái Lan: 9 dự án, chiếm 20,9%; Trung Quốc 8 dự án, chiếm 18,6%; Hàn Quốc và Nhật Bản mỗi quốc gia có 5 dự án, chiếm tỷ lệ 11,6%. Ấn Độ :3 dự án, Singapore: 2, Đài Loan: 2; Mỹ, Malaysia, Thụy Điển và Australia mỗi nước 1 dự án.

Một số dự án FDI có quy mô lớn gồm: Dự án Luxshare - ICT do Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An (Hồng Kông) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 140 triệu USD; dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An (Singapore) do Công ty TNHH VSIP Nghệ An làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 76,4 triệu USD; dự án Khu công nghiệp WHA Industrial Zone -1 Nghệ An do Công ty cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An (Thái Lan) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 92,2 triệu USD.

Khu hạ tầng công nghiệp  WHA Hemaraj (Thái Lan)

Đến cuối tháng 8/2020, đã có 26/43 dự án FDI đi vào hoạt động, góp phần vào sự tăng trưởng của tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước so với các doanh nghiệp trong nước hiện nay vẫn còn khiêm tốn : chỉ chiếm tỷ lệ 11,9% trong tổng thu ngân sách của tất cả các doanh nghiệp trong Khu KT Đông Nam. 

Mặc dù số dự án và mức đầu tư còn khiêm tốn, nhưng điều quan trong nhất mà FDI mang đến cho Nghệ An là bước đầu giải bài toán về việc làm, bởi các dự án FDI đầu tư vào Nghệ An chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực may mặc xuất khẩu, sản xuất linh kiện điện tử, chế biến nông, lâm sản, sản xuất hàng tiêu dùng.v.v. sử dụng lực lượng lao động lớn. Những doanh nghiệp FDI hiện đang sử dụng nhiều lao động là Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam (Hàn Quốc): 3.245 lao động, Công ty TNHH Sangwoo Việt Nam (Hàn Quốc): 1.457 lao động, Công ty TNHH Matrix Vinh (Trung Quốc): 1.004 lao động.

Kỳ vọng nhất là khi dự án Luxshare – ICT và dự án Merry&Luxsharre đi vào hoạt động sẽ có  khoảng 20.000 việc làm cho người lao động.

Với kế hoạch số 490/KH-UBND, Nghệ An hướng tới mục tiêu phấn đấu khu vực FDIgiai đoạn 2021 - 2025 đạt 3.000 - 3.500 triệu USD, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 4.500 - 5.000 triệu USD đem lại nhiều kỳ vọng mới về việc làm, nguồn thu ngân sách, góp phần quan trọng từng bước lấp đầy vùng trũng bởi sự phát triển nhanh của hai tỉnh láng giếng Thanh Hóa và Hà Tĩnh tạo ra. 

Tô Lan