Nguồn lao động cần đáp ứng yêu cầu gì để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

16:55 22/12/2022

Việt Nam xếp thứ 47/60 thị trường lao động toàn cầu, và xếp cuối cùng trong số 11 quốc gia thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trình độ kỹ năng là một trong những điểm yếu lao động Việt Nam cần khắc phục để vươn lên sánh ngang với các thị trường khác.

Tập đoàn tuyển dụng đa quốc gia ManpowerGroup vừa công bố báo cáo Tổng chỉ số nguồn nhân lực 2022 với nhiều thông tin cập nhật về thị trường lao động toàn cầu; cũng như có một số phản ánh đáng chú ý về chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam.

Số liệu của báo cáo cho thấy, Việt Nam hiện xếp thứ 47 trên 60 thị trường lao động toàn cầu (được khảo sát); đồng thời xếp cuối cùng trong số 11 quốc gia thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 

Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất sợi hiện đại ở Việt Nam (Nguồn: vapa.org.vn)
Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất sợi hiện đại ở Việt Nam (Nguồn: vapa.org.vn).

Trong số 10 thị trường lao động hàng đầu thế giới năm 2022, có 3 quốc gia thuộc cùng khu vực Đông Nam Á với Việt Nam là Singapore, Philippines và Malaysia. 7 quốc gia khác là những cái tên thường xuyên xuất hiện như Mỹ, Canada, Ireland, Úc, Anh, Israel và Mexico.

Tập đoàn tuyển dụng đa quốc gia ManpowerGroup này ghi nhận đánh giá, các quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam về việc quản lý và sử dụng lao động đang tương đối linh hoạt. Trong đó, Việt Nam cho phép doanh nghiệp được ký hợp đồng lao động với thời hạn tối đa là 36 tháng, đồng thời doanh nghiệp hoàn toàn có thể ký kết hợp tác và sử dụng nhà thầu phụ.

Chính phủ Việt Nam cũng đang ngày càng tạo điều kiện cho các hoạt động giao thương quốc tế, thông qua việc đẩy mạnh các chính sách mở cửa. Hiện nay Việt Nam đang miễn thị thực khi nhập cảnh cho 63 quốc gia, tăng thêm 15 nước so với năm 2021.

Đặc điểm của nguồn lao động Việt Nam

Lực lượng lao động của Việt Nam hiện tại khoảng 50,74 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong đó, nhóm thuộc thế hệ Y và thế hệ Z chiếm gần 2/3 lực lượng lao động trong nước, với khoảng 65%.

Theo các chuyên gia của ManpowerGroup, việc sở hữu một nguồn cung lao động trẻ và dồi dào khi nhiều quốc gia đang phải đau đầu giải quyết vấn đề già hóa dân số là một trong những lý do khiến thị trường Việt Nam được đánh giá cao bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Một chỉ số đáng lưu ý khác của lao động Việt Nam là tỷ lệ lao động phi chính thức chiếm đến 55% tổng lực lượng lao động. Lao động phi chính thức thường không có hợp đồng lao động và khả năng được bảo hiểm xã hội rất hạn chế.

Theo Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2020 - 2021 đã chứng kiến tỷ lệ lao động phi chính thức tăng cao. Việc chuyển đổi lao động phi chính thức sang chính thức để giúp họ đảm bảo an sinh việc làm và khai thác hết tiềm năng của nhóm lao động này sẽ là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Mức thu nhập trung bình tháng của người lao động Việt Nam hiện là 275 USD, tương đương với 6.545.000đ. Đây được đánh giá là mức chi phí lao động tương đối hấp dẫn và đem lại nhiều lợi ích cho người sử dụng lao động, góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. 

Ảnh minh họa

Điểm yếu của nguồn lao động Việt Nam: hạn chế về trình độ kỹ năng 

Chuyên gia của ManpowerGroup nhận định, nếu so sánh giữa hai thị trường, một là Việt Nam với chi phí rẻ (mức lương trung bình tháng của lao động là 275 USD) nhưng trình độ kỹ năng lao động thấp (11,6% lao động tay nghề cao) và một thị trường khác ví dụ, Philippines với mức lương trung bình tháng của lao động nhỉnh hơn 1 chút (283 USD) nhưng trình độ kỹ năng cao hơn hẳn (18,5% lao động tay nghề cao), thì rõ ràng lao động của chúng ta kém hấp dẫn nhà đầu tư hơn.

Trình độ kỹ năng là một trong những điểm yếu lao động Việt Nam cần khắc phục để vươn lên sánh ngang với các thị trường khác. Theo đó, mặc dù có tỷ lệ phổ cập giáo dục cao (khoảng 88%), số người lao động có trình độ tay nghề hay chuyên môn cao chỉ chiếm khoảng 11,67%, gần như không đổi so với ba năm trước.

Ngoài trình độ kỹ năng tay nghề chuyên môn, các kỹ năng mềm, trong đó có khả năng ngoại ngữ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng ở hầu hết các ngành nghề, ngay cả ở những lĩnh vực vốn thiên về kỹ thuật như ngành sản xuất. Bên cạnh tiếng Anh, một số ngoại ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn được không ít đơn vị tìm kiếm.

Theo báo cáo Tổng chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam 2022, tỷ lệ lao động Việt Nam đủ trình độ tiếng Anh để làm việc chỉ chiếm 5% lực lượng lao động. Tỷ lệ này là khá thấp so với các quốc gia không nói tiếng Anh khác trong khu vực như Indonesia (10%), Malaysia (21%), Thái Lan (27%). 

Tổng thể, nguồn lao động Việt Nam có ưu thế về lực lượng lao động trẻ, số lượng dồi dào, mức thu nhập trung bình thấp giảm chi phí cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, các chính sách của Chính phủ được đánh giá đã tạo điều kiện lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài có dự định hoạt động tại Việt Nam, cũng như những công ty trong nước muốn mời chuyên gia ngoại quốc về làm việc. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam đang có yêu cầu cấp thiết là nâng cao kỹ năng để có thể thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài.

D.A (Tổng hợp)