Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. |
Lịch sử dân tộc Việt Nam còn mãi ghi đậm dấu ấn chói ngời của những nữ anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành tự do.
Nếu như ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là ngày của phụ nữ trên toàn thế giới thì ngày 20/10 là dịp kỷ niệm và tôn vinh dành riêng cho phụ nữ Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Ngày 31/8/2010, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trình Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam xin chủ trương công nhận Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 (Tờ trình số 17-TTr/ĐCT, ngày 31/8/2010).
Ngày 15/10/2010, Ban Bí thư ra thông báo số 382/TB-TW do đồng chí Trương Tấn Sang ký công nhận Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 với các ý kiến như sau:
Cơ bản nhất trí với nội dung Tờ trình của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và đồng ý công nhận ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 để thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ và tổ chức phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Hằng năm, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân có hình thức kỷ niệm phù hợp để phát huy truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ đã tặng. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; đoàn kết, tập hợp, vận động phụ nữ phát duy vai trò, thế mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các tổ chức xã hội thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ và công tác cán bộ nữ để phụ nữ phát huy tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của phụ nữ, góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để phát triển đất nước. |
Kể từ đó, ngày 20/10 hàng năm trở thành Ngày Phụ nữ Việt Nam nhằm tôn vinh vai trò của người phụ nữ Việt cho những đóng góp của gia đình và xã hội.
Về ý nghĩa Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, đây là ngày mà lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, một tổ chức riêng dành cho phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai, nhằm động viên lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng. Đây cũng là ngày mà lần đầu tiên, người phụ nữ Việt Nam được cầm lá phiếu bầu cử, tham gia các công tác chính quyền và xã hội, nắm giữ nhiều trọng trách trong bộ máy Nhà nước.
Trong công cuộc giải phóng đất nước, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc, cống hiến cho đất nước những người chồng, người con xuất sắc, mà họ còn là những chiến sĩ kiên cường, anh dũng trên tiền tuyến.
Trong thời bình, phụ nữ Việt Nam có những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước, như lời Bác Hồ từng nói: "Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ".
Ngày 20/10 là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu một đoàn thể quần chúng của phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai, nhằm đoàn kết, động viên, ghi nhận và vinh danh lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước, xứng đáng với 8 chữ vàng: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
Ngày này cũng là ngày khẳng định quyền bình đẳng của phụ nữ có quyền cầm lá phiếu bầu cử và tham gia các công tác chính trị, xã hội.
Khẳng định vai trò, vị trí cũng như tầm quan trọng của người Phụ nữ Việt dù là thời chiến hay thời bình thì họ vẫn là người phụ nữ Việt Nam yêu nước có trí tuệ, sức khỏe, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng.
Ngày 20/10 là dịp để diễn ra những buổi lễ, họp mặt nhằm vinh danh nữ giới trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt đây cũng là dịp để đấng mày râu thể hiện tình cảm, gửi gắm yêu thương, những món quà ý nghĩa đến những người phụ nữ của mình đó có thể là Mẹ, là vợ hay con gái… và đó cũng là dịp họ nhận ra rằng nên trân quý những người phụ nữ xung quanh mình bởi họ luôn là “một nửa thế giới”.