Người truyền lửa trên mặt trận chống “sát thủ vô hình”

08:55 30/12/2020

Năm 2020 khép lại với “dấu ấn buồn” Đại dịch viêm phổi cấp Covid-19. Đại dịch khởi nguồn từ TP. Vũ Hán (Trung Quốc), khi mà nhân loại còn chưa kịp định hình về con vi rút co-rô-na và cơ chế lây lan của nó thì dịch bệnh đã… xuất hiện trên phạm vi 198 quốc gia và vùng lãnh thổ. Doanhnghiephoinhap.vn giới thiệu tới bạn đọc những câu chuyện kể của Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Quốc Thái - Phó Trưởng phòng Cấp cứu - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) – một chiến sỹ tham gia mặt trận phòng chống “sát thủ vô hình” Covid-19, anh đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế về thành tích phòng, chống Covid-19.

Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, TP. Hà Nội

Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Trần Linh)

Dành chiến thắng trên “sân nhà”

“Tham gia mặt trận phòng, chống Covid-19 không còn là nghề là nghiệp mà là nhiệm vụ. Tôi cũng như bao người Việt Nam khác, chống dịch như chống giặc, nhất định phải hăng hái, nhất định phải hoàn thành nhiệm vụ, có gì đâu mà kể...”

Với giọng nói bình thản, Bác sỹ Nguyễn Quốc Thái - Phó Trưởng phòng Cấp cứu - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) trả lời đề nghị về một buổi phỏng vấn từ phóng viên. Phải vất vả “hẹn đi hẹn lại”, tôi mới có được buổi trò chuyện với Bác sỹ Nguyễn Quốc Thái.

Hà Nội một chiều Đông lạnh giá, thế nhưng khi tiếp cận Nhà D6 - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), tôi bất chợt có cảm giác “nóng trong người”. Mặc dù đã mũ áo, khẩu trang kỹ càng nhưng tôi vẫn có cảm giác e dè, thoáng lo sợ vẫn bất ngờ xâm chiếm. Cảm giác bất an trong tôi chỉ biến mất khi ngồi trong căn phòng ấm cúng, nhiều thiết bị ý tế được kê đặt ngăn nắp, sạch sẽ và bắt gặp ánh mắt cười tươi sau cặp kính cận dày cộp của Bác sỹ Thái. “Anh đừng sợ! Ở đây không có cô-vit đâu”!

Khởi đầu cuộc trò chuyện, Bác  sỹ Thái cho biết, tiền thân của Bệnh viện Bạch Mai là Nhà thương lây Cống Vọng. Năm 1954 đổi thành Bệnh viện Bạch Mai với nhiều chuyên khoa trong đó có Khoa Truyền nhiễm. Tuy nhiên, cái tên này không bao quát hết và thậm chí gây cảm giác sợ sệt, không thoải mái cho nhiều người khi bước chân vào đây. “Mặc dù có bệnh phải khám tại đây nhưng người ta muốn đến nơi có tên đỡ ghê hơn. Đến đây, họ sợ chưa khám ra bệnh lại lây nhiều bệnh khác. Cách đây 2 năm, khoa đã đổi tên thành Trung tâm Bệnh nhiệt đới”, Bác sỹ Thái vui vẻ nói.

Những tưởng sẽ được nghe kể về những nỗi sợ hãi khi tham gia mặt trận phòng, chống bệnh viêm phổi cấp Covid-19 nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ khi thấy Bác sỹ Thái say sưa nói về những ngày đầu tiếp nhận thông tin của “sát thủ vô hình” này. Anh cho biết, xác định nhiệm vụ là phải phòng, chống dịch có hiệu quả nhất, anh chị em trong Trung tâm luôn theo dõi thông tin về dịch viêm phổi cấp Covid-19 qua nhiều kênh như: Mạng lưới cảnh báo dịch bệnh toàn cầu ở Mỹ (với sự đóng góp từ bác sỹ nhiều quốc gia), đặc biệt, các kênh thông tin từ Trung Quốc được cán bộ, nhân viên của Trung tâm sát sao cập nhật từng phút, từng giờ.

Bác sĩ Thái cùng với các đồng nghiệp động viên, chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19

Bác sỹ Nguyễn Quốc Thái cùng với các đồng nghiệp thăm hỏi, động viên và chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19

“Nhiệm vụ của anh chị em trong Trung tâm là chống dịch mới nổi cũng như tái nổi. Thú thật với anh là với dịch viêm phổi cấp Covid-19 mọi người tiên đoán và hy vọng nó sẽ không vượt ra khỏi Trung Quốc. Không ai ngờ nó lây lan mạnh mẽ như thế. Ban đầu nhiều người cũng e dè, sợ sệt lắm. Thế nhưng với sự đầy đủ về trang bị phòng hộ, với vốn kiến thức cơ bản về dịch bệnh nên mọi người nhanh chóng xoá bỏ sợ hãi, chuyên tâm làm nhiệm vụ”, Bác sỹ Thái bộc bạch.

Bác sỹ cho biết, những ngày đầu chống dịch chỉ có 01 phòng sàng lọc tại Trung tâm, anh chị em được huy đông túc trực ở nhiều bộ phận (sàng lọc, cách ly tạm thời, cấp cứu…). Việc này “ngốn” rất nhiều nhân lực. Một đêm trực có khi lên đến 10 bác sỹ, trong khi “quỹ” chỉ có hơn hai mươi người thành ra rất vất vả. Không thể có thêm người nên tất cả phải động viên nhau tính toán, xoay sở đảo nhau trực. Mọi việc yên bình cho đến tháng 3 (sau ca BN17 hai tuần) phát hiện 02 ca bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 20/3, Bộ Y tế công bố ca bệnh BN86 và ca bệnh BN87 là hai nữ điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai. Đến ngày 29/3, sau khi có 9 ca mắc Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai chính thức phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. 

Thời gian đó thực sự là khó khắn đối với các y, bác sỹ của Bệnh viện. Chuỗi thời gian đằng đẵng hơn 20 ngày Bệnh viện Bạch Mai bị phong toả, tất cả thực sự trở thành rất khó khăn khi bệnh viện bị cách ly nhưng vẫn phải duy trì hoạt động chuyên môn, khám chữa bệnh cho các bệnh nhân nội trú, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng và tiếp nhận các ca cấp cứu ngoài khả năng chữa trị của các tuyến, tiếp tục duy trì chạy thận nhân tạo cho hơn 500 người, lo đảm hậu cần cho hơn 3.200 người, gồm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, y bác sỹ.

0 giờ ngày 12/4, hàng trăm cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cùng nhau vỗ tay, reo mừng

0 giờ ngày 12/4, hàng trăm cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai cùng nhau reo mừng "Bạch Mai chiến thắng" trong giây phút bệnh viện được dỡ bỏ lệnh cách ly

0 giờ ngày 12/4, hàng trăm cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cùng nhau vỗ tay, reo mừng "Bạch Mai chiến thắng" trong giây phút bệnh viện được dỡ bỏ lệnh cách ly. Mọi hoạt động của Bệnh viện chính thức trở lại bình thường.

“Khi đó cả nước vỡ oà niềm vui chung nhưng với tập thể lãnh đạo bệnh viện, với các cán bộ, y – bác sỹ và với các anh chị em thuộc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới thì đó là niềm vui đặc biệt, một chiến thắng đặc biệt! Mọi người đã chiến thắng cảm giác sợ hãi, chiến thắng mọi khó khăn và căn bệnh viêm phổi cấp Covid-19 không còn đáng sợ nữa, dẫu nó vẫn là sát thủ vô hình”, Bác sỹ Thái cười sảng khoái khi kể về kỷ niệm khó quên này.

Tiếp lửa vào Đà Nẵng

“Cú bùng phát ở Đà Nẵng quả thực là không ai có thể ngờ”. Bác sỹ Thái bắt đầu câu chuyện về chuỗi ngày chống dịch tại Thành phố đáng sống.

Đoàn vào hỗ trợ Đà Nẵng có 3 bác sỹ và 4 điều dưỡng. Nhiệm vụ của đoàn là làm thế nào để hỗ trợ sắp xếp Bệnh viện Hoà Vang đang trống trơn thành nơi đảm đương được nhiệm vụ điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Cùng đồng nghiệp cấp cứu bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Bệnh viện Hoà Vang (Đà Nẵng)
Bác sỹ Nguyễn Quốc Thái cùng đồng nghiệp cấp cứu bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Bệnh viện Hoà Vang (Đà Nẵng).

Bệnh viện Hoà Vang vốn thuộc tuyến huyện được thiết lập thành bệnh viện dã chiến. Đã có thời điểm nơi này trở thành nơi điều trị lớn nhất cả nước với cao điểm lên tới hơn 300 bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Buổi đầu chân ướt chân ráo vào, lớp tập huấn rất đông và Bác sỹ Thái nhận thấy số đông anh chị em đều rất lo lắng phải trực tiếp điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Họ chỉ muốn điều trị bệnh nhân có tiếp xúc và nghi nhiễm. Họ muốn chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 đi nơi nào đó, miễn là không phải đối diện với bệnh nhân tại Hoà Vang.

Câu hỏi đặt ra là chuyển đi đâu? Phải tại chỗ chứ không thể chuyển hàng chục, hàng trăm ca bệnh! Phải điều trị bệnh nhân tại chỗ như đã xác định phương châm 4 tại chỗ. Bằng giọng kể sôi nổi, Bác sỹ Thái cho biết: “Lúc ấy tôi nghĩ rất đơn giản, đoàn Hà Nội vào có 7 người, ít nhiều cũng có kinh nghiệm nên phải là hạt nhân. Tôi dứt khoát chia mỗi anh em vào 1 đơn nguyên, bác sỹ kèm bác sỹ, điều dưỡng kèm điều dưỡng. Mình có kinh nghiệm hơn mà không làm thì ai dám làm?”.

“Tôi phải làm cho anh em trong nhóm hiểu đây là nhiệm vụ chính trị, không thể thoái lui. Phải làm sao thể hiện đc vai trò hỗ trợ Đà Nẵng. Thêm vào đó là điều kiện phòng hộ rất đầy đủ thì sao phải lo! Muốn truyền lửa cho mọi người, chỉ có cách là xắn tay áo cùng làm thì mới tạo được cảm giác an tâm cho mọi người”.

Nhóm hỗ trợ từ BV Bạch Mai chụp lưu niệm cùng nhóm y - bác sĩ điều trị trước ngày chiến thắng tại Đà Nẵng

Nhóm hỗ trợ từ BV Bạch Mai chụp lưu niệm cùng nhóm y - bác sỹ điều trị trước ngày chiến thắng tại Đà Nẵng.

Bác sỹ Thái kể, ngày đầu tiên ở đây, anh đã chứng kiến các bác sỹ cũng như nhân viên y tế phải mất đến 30 phút để mặc quần áo phòng hộ. Anh biết, họ làm chậm vì e dè sợ hãi, họ chần chừ vì muốn kéo dài thời gian càng chậm phải đối mặt với “sát thủ vô hình” càng tốt. Chưa hết, mặc xong bảo hộ, tất cả lại ngồi co cụm trong phòng giao ban. Họ không biết sẽ phải bắt đầu từ đâu, không biết phải hành động như thế nào khi bước chân ra tiếp cận với bệnh nhân.

“Người ta chưa biết cách làm thì mình xắn tay vào làm cùng. Mình không dám tiếp cận bệnh nhân vào thì ai dám vào. Kể cả đưa bệnh nhân đi khám, đi chiếu chụp thì tôi cũng chẳng nề hà. Mình kinh nghiệm hơn thì phải làm, có thế anh em mới vững tâm mà theo mình chứ”.

“Có một kỷ niệm tôi không thể quên được – Bác sỹ Thái say sưa kể. Tôi nhớ khi đó Bệnh viện Hòa Vang mới tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19 được một vài ngày. Theo lịch làm việc hàng ngày thì khoảng 8 giờ sáng, tôi và anh em trong đội hỗ trợ vào khu điều trị. Được khoảng 30 phút, tôi nhìn thấy có một cô gái trẻ mặc bộ quần áo xanh của nhân viên y tế đang ngồi ở dãy ghế trước cửa phòng thay quần áo. Lân la trò chuyện mới biết bạn này là bác sỹ trong kíp điều trị buổi sáng nhưng bạn ấy bỗng thấy mệt, thấy buồn nôn và bị nôn nhiều, không thể tiếp tục công việc được. Nhìn bạn ấy mệt mỏi, lo lắng, trong thâm tâm tôi biết đây là trường hợp chưa được chuẩn bị tốt về tâm lý, có thể đang sợ hãi và chùn bước. Mà khi đó, trong kíp điều trị chỉ cần một người chùn bước sẽ khiến cả kíp dao động rất nhiều. Sau khi nói tình hình dịch đang trong tầm kiểm soát, nói về thực tế mọi người đang được trang bị phòng hộ rất đầy đủ, nói về nhu cầu cơ bản của nhân viên là thấy mệt phải nghỉ... tôi nhắc cô bác sỹ trẻ uống sữa và ngồi nghỉ cho đến khi hết mệt thì lại vào làm. Rất vui là sau buổi sáng hôm đó, nữ bác sỹ trẻ này đã quay trở lại làm việc, và từ đó trở thành một thành viên tích cực trong kíp điều trị. Những ngày sau, xem các tin nhắn của nữ bác sỹ này trao đổi chuyên môn một cách nhiệt tình với các anh chị em trong nhóm Zalo của bệnh viện, tôi thấy rất yên tâm và vững tin ở đội ngũ y tế tại Bệnh viện Hòa Vang”.

Nỗi niềm năm cũ

Dừng câu chuyện về nữ bác sỹ trẻ ở Đà Nẵng, Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái bỗng lắng giọng kể, trải qua rất nhiều cảm xúc thăng trầm, đến nay tập thể cán bộ, bác sỹ và nhân viên y tế tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới vẫn tiếp tục làm việc trong giai đoạn bình thường mới. Tất cả vẫn phải chia nhau ra trực rất vất vả. Vượt mọi vất vả, trong mỗi người vẫn luôn thường trực tinh thần chiến đấu. Chỉ cần có một ca bệnh nghi ngờ nhiễm là tất cả mọi người lại sẵn sàng vào cuộc chiến.

“Sát thủ vô hình cũng chẳng ngại anh ạ! Tất cả mọi người luôn kỹ càng công tác bảo hộ, mũ kính, khẩu trang cẩn thận… trước khi về nhà ai cũng thực hiện tắm rửa kỹ càng, sát trùng cẩn thận, muộn mấy cũng phải thực hiện kỹ thì đâu đáng lo ngại gì nữa”.

Vai trò của ngành y tế là rất quan trọng. Lực lượng thì rộng khắp nhưng vẫn phải có đội ngũ nòng cốt và phải đào tạo tập huấn liên tục
Vai trò của ngành y tế là rất quan trọng, hiện lực lượng tuyrộng khắp nhưng vẫn phải có đội ngũ nòng cốt và phải đào tạo tập huấn liên tục.

Trả lời câu hỏi nhận định về nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Bác sỹ Thái vui vẻ khẳng định: “Cú bùng lên ở Đà Nẵng không ai lường trước được nhưng chúng ta đã giải quyết bài bản, triệt để và dành thắng lợi trong thời gian rất ngắn. Tôi tin tưởng rằng sẽ khó xảy ra đợt bùng phát nào khác nếu chúng ta tiếp tục phòng chống dịch bài bản như đã làm”.

Theo Bác sỹ Thái, công cuộc phòng chống Covid-19 hiện nay đòi hỏi sự tham gia lâu dài của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn dân và trong đó vai trò của ngành y tế là rất quan trọng. Lực lượng thì rộng khắp nhưng vẫn phải có đội ngũ nòng cốt và phải đào tạo tập huấn liên tục. Điều khiến Bác Sỹ Thái băn khoăn lo lắng hiện nay là lực lượng nòng cốt cho công cuộc phòng, chống này có vẻ vẫn còn mỏng, chỉ sợ khi có tình huống cần huy động nhân lực thì sẽ có khoảng trống khó giải quyết.

“Tôi mong mỏi có thêm được sự đầu tư nhân lực, vật lực để xây dựng thật tốt đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch bệnh ở các địa phương, trong đó cần tập trung đào tạo, duy trì và phát triển lực lượng các anh chị em làm công tác xử lý bệnh truyền nhiễm và làm xét nghiệm vi sinh. Nếu lực lượng này đủ và mạnh thì chúng ta hoàn toàn yên tâm trong công cuộc phòng, chống Covid-19 nói riêng cũng như các dịch bệnh mới nổi, tái nổi khác như cúm, Ebola hay sốt xuất huyết... nói chung”, Bác sỹ Thái bày tỏ nỗi niềm.

Đến thời điểm này, dịch viêm phổi cấp Covid-19 vẫn hoành hành, cướp đi hàng triệu sinh mệnh và khiến nền kinh tế toàn cầu điêu đứng. Theo số liệu của trang thống kê Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 22/12, đại dịch tiếp tục hoành hành ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm mầm bệnh cho hơn 77,6 triệu người và cướp đi mạng sống của hơn 1,7 triệu người khác.

Tại Việt Nam, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, với những nỗ lực từ mỗi cá nhân như Bác sỹ Nguyễn Quốc Thái, nước ta đã có những thành quả chống Covid-19 được thế giới ghi nhận, như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Trong 9 tháng đầu năm, tình hình Đại dịch Covid-19 trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam vẫn được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội”.

Bác sỹ Nguyễn Quốc Thái hiện là Phó Trưởng phòng Cấp cứu - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội khoá 1994 -2000, Bác sỹ Nguyễn Quốc Thái tiếp tục học Bác sỹ nội trú bệnh viện chuyên ngành Truyền nhiễm khoá 2001-2004. Từ đó tới nay, anh công tác tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, TP. Hà Nội.

Bằng sự tận tâm và những nỗ lực đóng góp không ngừng với nghề, Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Quốc Thái đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng năm 2003 do có thành tích phòng, chống dịch SARS; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2008 do có thành tích phòng, chống dịch tả; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2020 do có thành tích phòng, chống Covid-19.

Trần Linh