Sáng ngày 28/4, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm hướng dẫn nghiệp vụ văn thư, lưu trữ và số hóa tài liệu lưu trữ trong bối cảnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ), nhấn mạnh vai trò then chốt của công tác văn thư, lưu trữ trong quá trình hiện đại hóa nền hành chính và chuyển đổi số quốc gia. Theo ông, việc thực hiện tốt công tác này sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ công tác khai thác, tra cứu thông tin cho lãnh đạo các cấp và công chúng.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, nhiều cơ quan đã được kiện toàn, sáp nhập, giải thể hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ. Để bảo đảm sự liên tục, thông suốt trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức sau khi sắp xếp, công tác văn thư, lưu trữ đóng vai trò rất quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước.
Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đẩy mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, ứng dụng công nghệ trong số hóa tài liệu lưu trữ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm quản lý hiệu quả và phát huy giá trị tài liệu.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác văn thư, lưu trữ, đặc biệt là việc chỉnh lý tài liệu tồn đọng, tích đống từ trước nhằm lựa chọn tài liệu giá trị để nộp lưu trữ, đồng thời số hóa nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động hành chính của cơ quan, tổ chức.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được phổ biến 5 chuyên đề về: tăng cường công tác văn thư, lưu trữ trong quá trình sắp xếp bộ máy; thực trạng và trách nhiệm quản lý văn thư, lưu trữ của các cơ quan; nghiệp vụ chỉnh lý và số hóa tài liệu lưu trữ giấy; cùng việc giải đáp các vướng mắc phát sinh.
Thông tin tại hội nghị cho thấy, Sở Nội vụ các tỉnh đã chủ động triển khai hướng dẫn của Trung ương về công tác văn thư, lưu trữ tới các cấp huyện và xã. Phần lớn lãnh đạo Sở Nội vụ, lưu trữ lịch sử đều nhận thức rõ vai trò của việc bảo đảm an toàn tài liệu. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, thiếu kho lưu trữ, thiết bị và nhân lực, khiến công tác này còn gặp khó khăn.
Đáng chú ý, trách nhiệm lập, giao nộp hồ sơ lưu trữ của cán bộ, công chức, viên chức chưa được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến tình trạng tài liệu giấy tích đống rất lớn. Theo thống kê sơ bộ, lượng tài liệu tồn đọng tại các bộ, ngành Trung ương khoảng 30.000 mét tài liệu, tại địa phương lên đến hơn 1.372.639 mét.
Trước thực trạng đó, Bộ Nội vụ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý công tác văn thư, lưu trữ trong suốt quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ, bảo mật thông tin và an toàn tài liệu. Đặc biệt, nghiêm cấm mọi hành vi chiếm giữ, chuyển giao, tiêu hủy trái phép tài liệu và dữ liệu lưu trữ; không được làm hỏng hoặc thất lạc tài liệu trong quá trình bàn giao, tổ chức lại bộ máy.
Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh việc thực hiện đúng quy định về quản lý, sử dụng con dấu, chứng thư số chuyên dùng công vụ, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin trong các hoạt động thống kê, đóng gói, bàn giao và lưu trữ tài liệu.
Sau khi hoàn tất sắp xếp tổ chức bộ máy, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai ngay các biện pháp ổn định công tác văn thư, lưu trữ và thực thi Luật Lưu trữ năm 2024. Đồng thời, xây dựng đề án tổng thể về xử lý tài liệu lưu trữ giấy tồn đọng, thực hiện nghiêm việc nộp lưu tài liệu có giá trị, và thúc đẩy chủ trương giải quyết công việc trên môi trường mạng nhằm hạn chế việc tích đọng tài liệu giấy và tài liệu số, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/6/2025.