![]() |
Bộ Nội vụ sẽ hướng dẫn chính sách tiền lương cho cán bộ xã, phường sau sáp nhập |
Bộ Nội vụ đang tập trung hoàn thiện dự thảo các văn bản hướng dẫn nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
Thông tin này được ông Đặng Đức Thuận, Phó Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2025 diễn ra ngày 28-4. Theo ông Thuận, Bộ Nội vụ đang tích cực xây dựng hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, ngạch và chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức tại các phường, xã, đặc khu, nhằm đảm bảo quyền lợi và sự ổn định trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính.
Liên quan đến nhiệm vụ trọng tâm này, Bộ Nội vụ đang khẩn trương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 11, để hoàn thiện Tờ trình và Đề án về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, đồng thời xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng hai cấp. Bộ cũng đang gấp rút hoàn thiện các dự thảo văn bản hướng dẫn, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, đồng thời phối hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính.
Trong quý II/2025, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các nội dung liên quan theo Kết luận số 83-KL/TW ngày 21-6-2024, để tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng sẽ hướng dẫn các địa phương trong công tác quản lý văn thư, lưu trữ tài liệu, đảm bảo việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã diễn ra đồng bộ, hiệu quả, hạn chế tối đa thất thoát, hư hỏng hồ sơ trong quá trình bàn giao.
Theo Bộ Nội vụ, việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này là cuộc cải cách quy mô lớn nhất từ trước đến nay, toàn diện và triệt để, có tác động sâu rộng tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương và ảnh hưởng trực tiếp tới từng người dân. Đây cũng là bước đi chiến lược nhằm tiếp tục đổi mới tư duy quản trị quốc gia và quản trị địa phương, tạo tiền đề tổ chức lại các tỉnh, thành phố, cấp xã với tầm nhìn phát triển dài hạn.