Nỗ lực thay đổi quê hương
Chạy dọc triền núi Nga, Anh Sơn là xã nằm ở khu vực địa lý bán sơn địa của thị xã Nghi Sơn, có xuất phát điểm về kinh tế khá thấp. Giao thông không thuận tiện, cơ cấu kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chủ đạo là cây lúa vụ chiêm xuân, nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp. Chính vì thế, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, cái nghèo đeo bám người dân Anh Sơn trong cả một thời gian dài. Vì thế, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, thay đổi diện mạo quê hương là mục tiêu mà cả chính quyền và nhân dân ở đây cùng nỗ lực hướng tới thực hiện. Tận dụng lợi thế, sức mạnh sẵn có của người dân địa phương, đó là bản chất cần cù, chịu khó, tiết kiệm, trên cơ sở lấy dân làm gốc, dân làm, dân hưởng thụ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Anh Sơn đã đồng lòng, đoàn kết, xây dựng phương án để đưa quê hương thoát khỏi xã nghèo và hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở đó, các phương án phát triển kinh tế - xã hội được đưa ra kịp thời, phù hợp với tình hình của địa phương. Xác định nông nghiệp là nền tảng chủ đạo trong công tác phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, với hơn 300 ha đất sản xuất nông nghiệp, Anh Sơn đã xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới làm chương trình trọng tâm. Nhiều mô hình sản xuất mới được áp dụng và phát huy có hiệu quả. Đặc biệt, công tác dồn điền đổi thửa đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân có cơ hội áp dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác. Bên cạnh đó, công tác văn hóa – xã hội, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” cũng được chú trọng, nhằm mục đích nâng cao nếp sống văn hóa ở từng hộ gia đình, từng cụm dân cư, từng thôn xóm. Các thiết chế văn hóa được xây dựng cụ thể, thiết thực. Đặc biệt, nhận thức rõ vai trò chủ thể của nhân dân, trên cơ sở, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, Đảng bộ và chính quyền xã Anh Sơn đã quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động dân chủ, khơi dậy tinh thần đoàn kết đồng lòng trông nhân dân cùng xây dựng các công trình công ích, công cộng. Trong công cuộc “xây dựng nông thôn mới”, người dân Anh Sơn, người giúp công, người giúp của, người hiến đất làm đường… vì một mục đích chung là đưa Anh Sơn trở thành một xã nông thôn mới, thay đổi diện mạo của quê hương.
Và thành quả đáng ghi nhận
Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, nền kinh tế - xã hội Anh Sơn đã có những bước phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực. Về Anh Sơn hôm nay, chúng tôi được chứng kiến những đổi thay tích cực.Trên thôn làng, từng nếp nhà ngăn nắp, khang trang, đường làng lối xóm được bê tông hóa sạch sẽ, thông thoáng. Dưới đồng chiêm, từng thửa ruộng mạ non đã bén mầu xanh tốt. Đó là tín hiệu của một cuộc sống ấm no, sung túc thực sự đang khởi sắc trên một vùng quê vốn một thời nghèo khó.
Chương trình Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn ở Anh Sơn đã có những kết quả được ghi nhận. Năng suất cây trồng tăng lên hàng năm, sản lượng lương thực năm 2020 đạt 3.380 tấn. Chăn nuôi được duy trì theo hướng đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các ngành nghề sản xuất công nghiệp, tiểu tủ công nghiệp, xây dựng như nghề mộc, nghề cơ khí, may gia dụng… được duy trì, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Qua đó, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 là 42 triệu đồng/ người, chất lượng cuộc sống của người dân Anh Sơn được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể từ 10,23% xuống còn 4,29%.
Phong trào “toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ở đây cũng đã mang lại những kết quả ấn tượng. Chất lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa được nâng lên, nhận thức của người dân về nếp sống văn hoá và ý thức cộng đồng có những bước chuyển biến tích cực. Tỷ lệ gia đình văn hóa đến năm 2020 đạt 70%, 5/6 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa. Phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển sâu rộng. Các thôn đều trong toàn xã đều có nhà văn hóa và sân chơi thể thao để nhân dân sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Như Hùng – Chủ tịch UBND xã Anh Sơn không giấu nổi niềm vui, cho biết: “Anh Sơn là một xã vốn rất nghèo, nhưng bù lại, con người Anh Sơn cần cù, chịu khó, lại quen lam lũ. Chúng tôi hiểu được điểm mạnh của địa phương, trên cơ sở đó, xây dựng các phương án phát triển kinh tế phù hợp, kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết thực hiện các thiết chế văn hóa cộng đồng để cùng xây dựng và thay đổi đời sống xã hội”.
Có thể nói, với quyết tâm và nỗ lực thay đổi quê hương, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Anh Sơn đã thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, mang lại một diện mạo mới, ấm no hơn, sung túc hơn cho quê hương. Về Anh Sơn hôm nay, những ngôi làng nép mình bên chân núi Nga đã khởi sắc, đã “thay da đổi thịt” thật sự. Phát huy những thành quả đó, Anh Sơn đặt mục tiêu năm 2023 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngọc Lâm