Từ năm 2018, qua rà soát, Bộ Công Thương nhận thấy chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định các tiêu chí và điều kiện cụ thể để doanh nghiệp xác định và thể hiện trên hàng hóa, bao bì hàng hóa là “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam” cho hàng hóa lưu thông tại thị trường trong nước. Vì vậy, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 5159/TTr-BCT ngày 29 tháng 6 năm 2018 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam”.
Sau khi xây dựng và lấy ý kiến các bộ ngành theo đúng quy trình, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo lần 1 Thông tư “Sản xuất tại Việt Nam”, đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương vào ngày 01 tháng 8 năm 2019, sau đó tổ chức các hội nghị, hội thảo để xin ý kiến rộng rãi của các cơquan, Bộ ngành, các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong quá trình tổng hợp các ý kiến đóng góp, Bộ Công Thương nhận thấy việc ban hành văn bản “Sản xuất tại Việt Nam” ở cấp Thông tư sẽ phát sinh nhiều bất cập. Vì vậy, Bộ Công Thương đã chủ động có công văn số 2461/BCT-XNK ngày 07 tháng 4 năm 2020 xin lại ý kiến Bộ Tư pháp và Bộ Khoa học và Công nghệ đối với việc xây dựng văn bản “Sản xuất tại Việt Nam” ở cấp Nghị định. Tại công văn số 1458/BTP-PLDSKT ngày 22 tháng 4 năm 2020 của Bộ Tư pháp và công văn số 1254/BKHCN-TĐC ngày 05 tháng 5 năm 2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ, hai Bộ đã có ý kiến nhất trí đối với đề xuất này của Bộ Công Thương.
Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản giao Bộ Công Thương lập đề nghị xây dựng nghị định để trình Chính phủ thông qua, trên cơ sở đó xây dựng dự thảo theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 24/9/2020, Dự thảo lần 1 đề nghị xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” đã được Bộ Công Thương đăng tải lên trang thông tin pháp luật và Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương để lấy ý kiến theo quy định. Đồng thời, Bộ cũng có công văn gửi các cơ quan ngoài Bộ (Bộ Tư pháp và Bộ Khoa học và Công nghệ) và các đơn vị trong Bộ (Vụ Pháp chế, Vụ Thị trường trong nước và Tổng cục Quản lý thị trường) đề nghị tham gia ý kiến đối với Dự thảo lần 1 của hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định. Đồng thời, gửi Cổng thông tin điện tử Chính phủ để đăng tải và lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm.
Sau khi có ý kiến của các đơn vị, hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” để trình Chính phủ trong tháng 1 năm 2021.
Đóng góp, bổ sung cho dự thảo Nghị định Sản xuất tại Việt Nam, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch công ty Luật BASICO (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, cần giảm thiểu sự khác biệt về quy định xuất xứ hàng hóa xuất, nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Điều này sẽ góp phần tạo ra một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng thời giảm bớt sự khó khăn trong việc thực thi của doanh nghiệp và nhận biết của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nên xem xét, không nhất thiết phải ban hành một nghị định riêng mà có thể sửa đổi hoặc ban hành mới nghị định về nhãn hàng hóa, trong đó có một chương về xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, cũng cần phải sửa từ “chế biến” trong quy định xuất xứ hàng hóa “Nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa đó”.
An Thảo