Nghệ An: “Vựa lúa” Yên Thành – Đất lành cho các doanh nghiệp trong thu hút đầu tư

13:21 22/03/2021

Yên Thành được biết đến là “vựa lúa” của xứ Nghệ. Nơi đây thực sự là đất lành cho doanh nghiệp đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm, may mặc, thương mại…

 Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vừa dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra tình hình sản xuất tại Nhà máy may An Hưng  tọa lạc trên địa bàn xã Công Thành (huyện Yên Thành)

Trong những năm qua, Yên Thành – “Vựa lúa” của xứ Nghệ đã chú trọng thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, đơn cử như: Dự án liên kết sản xuất lúa gạo sạch, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản chất lượng cao, với tổng mức đầu tư 119 tỷ đồng; Dự án trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ kết hợp với du lịch hồ Vệ Vừng tại xã Đồng Thành, với tổng mức đầu tư 2.900 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Yên Thành cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp khác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đó là: Công ty Tâm Nguyên liên kết đầu tư sản xuất lúa hàng hóa; Công ty CP Đồng Giao liên kết đầu tư trồng rau, đậu tương; Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Công ty giống Thái Bình, Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty giống Bắc Ninh…liên kết đầu tư sản xuất lúa giống. 

 San lấp mặt bằng tại Cụm công nghiệp thị trấn Yên Thành.

Đáng chú ý, ngay những ngày đầu năm 2021, Nhà máy may An Hưng tọa lạc trên địa bàn xã Công Thành (huyện Yên Thành) đã đi vào hoạt động. Đây là nhà máy may lớn nhất trên địa bàn huyện Yên Thành được đầu tư đồng bộ với quy mô hiện đại, các dây chuyền, thiết bị đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Nhà máy may An Hưng được đầu tư với tổng vốn trên 600 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 10 ha. Với 60 triệu sản phẩm được sản xuất trong 1 năm, tất cả sản phẩm đều được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Canada... Dự kiến đến năm 2022, nhà máy sẽ thu hút 8.000 lao động vào làm việc. 

Thêm vào đó, Yên Thành đã và đang triển khai san lấp mặt bằng tại Cụm công nghiệp thị trấn Yên Thành để xây dựng dây chuyền nhà máy chế biến gạo với quy mô lớn của Tập đoàn TH. Hiện, TH đã cung ứng giống và các chế phẩm sinh học xử lý hạt giống hướng dẫn kinh tế - xã hội cho các diện tích lúa. Đồng thời, TH cam kết thu mua toàn bộ thóc tươi tại ruộng. Qua đó tạo thành chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất lúa trên địa bàn huyện này. 

  Yên Thành đón nhận bằng đạt chuẩn nông thôn mới.

Tại Cụm công nghiệp thị trấn Yên Thành, huyện đã thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng, trong đó có Công ty TNHH MLB TENERGY Nhật Bản đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu, với tổng vốn đầu tư 5 triệu USD. Nhà máy đã giải quyết việc làm ổn định cho trên 2.000 lao động địa phương. Ở xã Đồng Thành (huyện Yên Thành), Công ty CP Tây Nghệ đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng Nhà máy gạch Tuynel, công suất 20 triệu viên/năm. Nhà máy Gạch BMC xã Sơn Thành, với tổng diện tích khu đất 12,3 ha. Dự án có tổng mức đầu tư gần 90 tỷ đồng, công suất 30 triệu viên/năm.

Cùng với đó, Yên Thành đã thu hút được doanh nghiệp có năng lực về khảo sát để tiến tới thực hiện Dự án nhà máy sản xuất dày da với quy mô trên 10.000 công nhân tại xã Tăng Thành; Dự án khu đô thị Sông Dinh… Đến thời điểm này, số dự án thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Yên Thành là 508 dự án, tổng vốn thu hút đầu tư là 8.333 tỷ đồng. 

  Ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành phát biểu tại buổi Lễ công bố huyện đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Trước vấn đề này, trao đổi với PV, ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành khẳng định: “Những thành quả có được trong thu hút đầu tư hôm nay là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn nhân huyện Yên Thành. Để có được nhiều doanh nghiệp về đầu tư hơn nữa, Yên Thành sẽ rà soát hệ thống thủ tục đầu tư, qua đó để loại bỏ thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư. Đồng thời, đảo đảm an ninh trật tự, môi trường an toàn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Yên Thành sẽ làm tốt công tác quy hoạch để tạo điều kiện thu hút đầu tư. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quy hoạch vùng và quy hoạch nông nghiệp của huyện theo hướng bền vững đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050. Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, để phục vụ cho các nhà đầu tư trên địa bàn. Hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính về đăng ký đầu tư, xin cấp phép đầu tư hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư và các thủ tục hành chính khác. Nâng cao chất lượng dịch vụ một cửa liên thông hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư”. 

  Diện mạo nông thôn mới của huyện Yên Thành hôm nay.

Tựu trung, Yên Thành đã và đang là địa chỉ hấp dẫn các doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng các dự án, các mô hình chất lượng cao, nhằm phát triển kinh tế trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư phát triển trang trại, gia trại...

Văn Cương