Trước khi thống nhất thông qua, các đại biểu dự họp đã cho ý kiến vào dự thảo Đề án xây dựng và phát triển đô thị Đô Lương đạt đô thị loại IV, trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ. Theo lộ trình, huyện sẽ xây dựng đô thị Đô Lương đạt đô thị loại IV trước năm 2025 và định hướng phát triển huyện Đô Lương trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ trước năm 2030. Định hướng phát triển đô thị thành 03 khu vực, cụ thể:
Khu vực phát triển I: Khu vực có tính chất lịch sử, truyền thống, bao gồm toàn bộ thị trấn Đô Lương (hiện hữu), xã Đà Sơn, Lưu Sơn, Yên Sơn. Dự kiến chia làm 3 đơn vị hành chính với diện tích mỗi đơn vị trung bình khoảng 560ha.
Khu vực phát triển II: Khu vực phát triển các khu đô thị mới về khu ở và dịch vụ thương mại, bao gồm các xã Tràng Sơn, Đông Sơn, Lạc Sơn, Văn Sơn, Thịnh Sơn. Dự kiến chia làm 5 đơn vị hành chính với diện tích mỗi đơn vị trung bình khoảng 650ha.
Khu vực phát triển III: Khu vực phát triển đô thị mới có tính chất dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, bao gồm các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Đặng Sơn, Bồi Sơn. Dự kiến chia làm 4 đơn vị hành chính với diện tích mỗi đơn vị trung bình khoảng 750ha.
Dự thảo Đề án đề xuất khu vực phát triển đô thị giai đoạn đầu là Khu vực phát triển I và II, trong đó: Trọng tâm phát triển thị trấn Đô Lương (hiện hữu) và một phần các xã Lưu Sơn, Tràng Sơn, Đông Sơn, Yên Sơn, Văn Sơn, Đà Sơn, Lạc Sơn với tổng diện tích khoảng 1.300 ha. Đồng thời, dự thảo Đề án cũng đã đưa ra giải pháp chung và 07 nhóm giải pháp cụ thể để xây dựng và phát triển đô thị Đô Lương đạt đô thị loại IV, trở thành thị xã theo hướng thướng mại, dịch vụ.
Tại phiên họp, ông Hoàng Văn Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương nhận định: “Đô Lương được đánh giá là huyện trung tâm của tỉnh Nghệ An, có nhiều tiềm năng, lợi thế và động lực để phát triển thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2020-2025 thì việc lập Đề án xây dựng và phát triển đô thị Đô Lương đạt đô thị loại IV, trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ là một việc làm cần thiết và cấp bách”.
Nhằm góp ý vào nội dung dự thảo Đề án, các đại biểu đề nghị huyện Đô Lương cần phải định hình được khu thương mại dịch vụ phục vụ cho đối tượng nào. Từ đó, tính toán đến việc liên kết vùng để phát triển. Thêm vào đó, xem xét xây dựng khu du lịch hai bên sông Lam trên địa bàn huyện. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị xây dựng, phát huy giá trị con người Đô Lương. Xây dựng văn minh đô thị và đầu tư nâng cấp thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện...
Phát biểu kết luận về nội dung này, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: UBND tỉnh thống nhất chủ trương để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về dự thảo Đề án. Đề nghị huyện Đô Lương tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên để hoàn thiện lại nội dung Đề án, trong đó quan tâm bổ sung giải pháp thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, để có nguồn lực phát triển đô thị và giúp thay đổi quy mô, mật độ dân số trên địa bàn. Việc xây dựng một số cơ chế đặc thù phải do huyện chủ trì sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đồng ý thông qua. Huyện chủ động rà soát lại các tiêu chí tới đây sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thay thế Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị để xây dựng phù hợp.
Được biết, theo tiêu chí về hạ tầng đô thị, hiện Đô Lương có 53/59 tiêu chuẩn đạt. Huyện Đô Lương hiện có 32 xã và 01 thị trấn. Phạm vi quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương nằm trong địa giới hành chính của 13 xã và 01 thị trấn.
Văn Cương - Hoàng Lan