Nghệ An: Diện mạo mới nơi miền sơn cước Xá Lượng

13:14 25/12/2020

Từ một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện 30a Tương Dương (Nghệ An), nguồn sống của người dân Xá Lượng chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp, chăn nuôi tự phát. Song, Xá Lượng hôm nay lại đang rộn ràng chuẩn bị đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM)...

Năm 2019 khép lại, Xá Lượng đã điểm một “mốc son” khi trở thành xã vùng cao của huyện Tương về đích NTM… 

 Phong trào văn nghệ ở xã Xá Lượng

Hành trình xây dựng NTM…

Xá Lượng là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện khoảng 5km. Tổng diện tích tự nhiên 11.458ha, chiếm 4,07% so với diện tích tự nhiên toàn huyện, chủ yếu là đồi núi. Dân số toàn xã có 1.225 hộ (5.297 nhân khẩu), gồm 4 dân tộc Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống (dân tộc Thái chiếm 52,4%). 

 Làm đường NTM ở xã Xá Lượng

Tại thời điểm triển khai xây dựng NTM (năm 2011), Xá Lương chưa đạt tiêu chí nào. Xã có 8 bản, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (55,28% năm 2012). Địa hình phức tạp, đồi núi dốc, cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư nhưng thiếu và chưa đồng bộ. Nhân dân chủ yếu sinh sống bằng lao động nông – lâm nghiệp.

Ngay sau khi được huyện chọn điểm để chỉ đạo về đích NTM trong năm 2019, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG về xây dựng NTM và Ban Quản lý xây dựng NTM của xã đã phân công các thành viên trực tiếp phụ trách các thôn - bản, để “cầm tay chỉ việc”, quyết tâm sớm hoàn thành các tiêu chí NTM. Tất cả thành viên trong Ban chỉ đạo bất chấp địa hình hiểm trở, thường xuyên bám cơ sở, để nắm bắt và kịp thời phát huy lợi thế, khắc phục tồn tại, khó khăn trong quá trình xây dựng NTM. Trong các hội nghị, thành viên Ban Chỉ đạo luôn đặt dân làm chủ thể, nên đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao từ phía nhân dân trong công cuộc xây dựng NTM.

Để tạo nên làn sóng  “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM”, Ban chỉ đạo đã phát động các phong trào thi đua, như: Tuổi trẻ Xá Lượng chung tay xây dựng NTM; Phụ nữ Xá Lượng đoàn kết xây dựng NTM… Những phong trào này đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân đối với chủ trương của Đảng, của Nhà nước về Chương trình xây dựng NTM. Bởi vậy, toàn dân Xá Lượng đã xác định xây dựng NTM là trách nhiệm của mỗi công dân trên nền tảng “Dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. 

 Lãnh đạo huyện Tương Dương thăm gia trại cam ở bản Cửa Rào 2

Ngoài các chương trình, dự án do Nhà nước đầu tư, Xá Lượng cũng là điểm sáng trong việc vận động nhân dân đóng góp vật chất, ngày công lao động để xây dựng NTM. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể và toàn dân, sau 09 năm triển khai, đến nay Xá Lượng đã về đích NTM.

Diện mạo mới Xá Lượng…

Về thăm lại Xá Lượng hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của một xã miền sơn cước xứ Nghệ. Xá Lượng bây giờ như phố giữa làng, nhà mái bằng xen kẽ với nhà mái ngói, đường làng, ngõ xóm bê tông hóa phong quang. Con đường “huyết mạch” vào xã được rải nhựa phẳng lì, trường học, trạm y tế, công sở…được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Những đổi thay ấy đã tạo nên một diện mạo mới, khác hẳn với hình ảnh của một Xá Lượng trước đây. 

 Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở xã Xá Lượng

Được biết, Xá Lượng thực hiện mục tiêu xây dựng NTM trong điều kiện xuất phát điểm thấp, kinh tế - xã hội, ngân sách gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động dân sinh, phát triển kinh tế còn nghèo nàn và lạc hậu. Những khó khăn ấy đã đặt ra nhiều thách thức cho toàn thể lãnh đạo ở nơi đây. Song, bằng tinh thần không quản ngại khó khăn, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Xá Lượng đã tận dụng các nguồn lực, để tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Có thể nói, Xá Lượng hôm nay thực sự bước lên tầm cao mới.

Từ năm 2011 đến nay, dẫu rằng phải đối mặt với nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh, dịch bệnh gia tăng, giá cả thị trường không ổn định... nhưng nhờ sự lãnh chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện cùng với sự chủ động đối phó, điều hành kịp thời của Đảng bộ, chính quyền địa phương và sự nỗ lực chung của cán bộ, nhân dân trong toàn xã, nên Xá Lượng đã gặt hái được nhiều thành tích đáng ghi nhận trên mọi lĩnh vực, để tiếp tục ổn định và nâng cao đời sống. 

 Duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở bản ở bản Lở

Trong những năm qua, nhờ kịp thời chuyển đổi các mô hình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất và chăn nuôi, nên thu nhập của người lao động được tăng cao. Từ kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống nhân dân đã được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 55,28% (năm 2012) xuống còn 4,97% (cuối năm 2019).. Bộ mặt nông thôn Xá Lượng hôm nay khang trang, đổi mới toàn diện.

Với quan điểm xây dựng NTM phải bắt đầu từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân để tạo nguồn lực đóng góp của nhân dân, "lấy sức dân để lo cho dân", "nhân dân là chủ thể trong việc xây dựng NTM" và nhân dân là người trực tiếp hưởng thụ. Trong những năm qua, Xá Lượng đã ưu tiên chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi. Đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa, phát triển kinh tế gia trại… 

 Trường Mầm non xã Xá Lượng được xây dựng khang trang, sạch đẹp

Nhìn chung, các mô hình kinh tế được lựa chọn đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với nguyện vọng của người dân và đúng với nội dung của Chương trình xây dựng NTM. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Song song với quá trình phát triển kinh tế, Xá Lượng cũng đã chú trọng đến nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Đồng thời, công tác Quốc phòng an ninh luôn được địa phương quan tâm đảm bảo.

Có thể khẳng định, Xá Lượng về đích NTM là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã suốt chặng đường 09 năm qua. Về đích NTM là nền tảng vững chắc, tạo cơ sở, động lực để địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng bền vững.

Văn Cương – Hương Giang