Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu (XK) tôm đạt 1,8 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, nếu nhìn từ tháng 7 trở đi sẽ thấy XK tôm có tín hiệu đảo chiều đi lên so với các tháng trước đó khi có mức tăng 13,4% so với cùng kỳ.
Tín hiệu tích cực
Song song đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vào rạng sáng 22/8 (giờ Việt Nam) đã công bố thuế suất tôm Việt bán vào nước này trong đợt xem xét hành chính thứ 13 (PR13) cho hai bị đơn bắt buộc và khoảng 30 doanh nghiệp (DN) tôm còn lại là 0%.
Điều này được ghi nhận là thêm một tín hiệu tích cực cho ngành tôm trở lại “đường băng” tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
Bởi lẽ, nếu nhìn lại giai đoạn hơn nửa đầu năm sẽ thấy mức tăng trưởng của XK tôm khá chật vật. Đơn cử như XK tôm chân trắng (chiếm 68,2% trong cơ cấu sản phẩm tôm XK của Việt Nam) chỉ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ. XK tôm sú (chiếm tỷ trọng hơn 21% trong XK tôm) cũng chỉ đạt gần 383,7 triệu USD, giảm đến 15%.
Không chỉ sa sút tăng trưởng với con tôm, theo Ts. Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam (Vinafis), ngành thuỷ sản nói chung và nuôi trồng thuỷ sản nói riêng từ năm ngoái đến năm nay phải đối mặt với những khó khăn thách thức ngoài tầm kiểm soát. Trong đó, đáng chú ý là giá cả của các đối tượng chủ lực như tôm biến động và suy giảm trong nửa đầu năm 2018, nửa đầu năm 2019.
XK tôm được kỳ vọng sẽ phục hồi tăng trưởng trong những tháng cuối năm
“Đó còn là những khó khăn trong quá trình sản xuất, bao gồm chất lượng tôm giống không ổn định do phải nhập khẩu tôm chân trắng bố mẹ, hoặc tôm sú bố mẹ phụ thuộc vào khai thác tự nhiên. Giá thức ăn và năng lượng tiếp tục có chiều hướng gia tăng”, ông Thắng phân tích.
Mặc dù vậy, số liệu đưa ra từ lãnh đạo Vinafis cho thấy sản lượng nuôi tôm ở trong nước có chiều hướng gia tăng trong nửa đầu năm nay, ước đạt 289,7 nghìn tấn (bằng 108,8% cùng kỳ năm trước).
Còn theo Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ hồi năm ngoái đã đạt trên 736.000ha, tăng 3% so với năm trước.
Vấn đề là ngành tôm Việt sẽ có rất nhiều việc phải làm trong những tháng cuối năm để có thể đạt được mục tiêu kim ngạch XK trong năm nay là 4,2 tỷ USD (tăng 10% so với năm 2018) với sản lượng 780.000 tấn.
Có thể thấy phán quyết mới của DOC cũng gián tiếp ghi nhận sự nỗ lực của một số DN hàng đầu trong ngành tôm Việt Nam khi đang dần dần bước vào chuỗi giá trị đúng nghĩa, cũng như mở rộng công suất nhà máy chế biến.
Thành quả từ chuỗi giá trị
Đơn cử như Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú (DN XK tôm hàng đầu Việt Nam vào Mỹ) dự kiến trong quý III/2019 mở rộng công suất nhà máy Minh Phú Cà Mau thêm 30.000 tấn/năm, nâng tổng công suất lên 106.000 tấn/năm (tăng 40%).
DN này còn có kế hoạch xây dựng nhà máy tôm tẩm bột với công suất 40.000 tấn/năm tại Minh Phú - Hậu Giang nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng Mỹ. Đồng thời, tới năm 2020, xây dựng xong nhà máy Minh Quí tại khu công nghiệp Khánh An, Cà Mau với công suất 45.000 tấn/năm.
Hoặc như CTCP Camimex Group đang sở hữu vùng nuôi sinh thái đầu tiên trên thế giới và là duy nhất tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn EU 834/07 và 889/08. Đây là lợi thế rất lớn giúp DN này còn tiến xa trong bối cảnh xu thế tiêu thụ sản phẩm tôm sinh thái đang tăng nhanh ở Mỹ và EU.
Các sản phẩm sinh thái của Camimex Group được cho là sẽ không bị các hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao, dễ dàng thâm nhập các thị trường khó tính. Nếu tận dụng được cơ hội này, doanh thu của công ty sẽ gia tăng 50-60% mỗi năm.
Theo Ts. Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), khi lập được chuỗi giá trị đúng nghĩa, ngành tôm nói riêng hay ngành thuỷ sản nói chung sẽ kiểm soát được chất lượng sản phẩm, giảm được việc thâm dụng lao động và tăng sức cạnh tranh. Chỉ tới khi đó, giá trị gia tăng XK mới được nâng lên rất cao.
Điểm đáng ghi nhận là các DN lớn trong ngành tôm đang đầu tư phát triển hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín, với khả năng tự chủ cao, có quy trình giám sát chất lượng nghiêm ngặt và tự phát triển kênh phân phối tại các nước nhập khẩu.
Khi DOC đã đưa mức thuế suất dành cho DN XK tôm của Việt Nam sang Mỹ về mức 0%, theo Vasep, nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam đang ấm dần lên do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngoài thị trường Mỹ, các thị trường chủ lực khác mà XK tôm cần cải thiện mức tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm 2019, nhất là những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản hoặc thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc.
Theo lưu ý từ giới chuyên gia, điều quan trọng là các DN XK tôm trong nước cần hoàn thiện chuỗi giá trị, kiểm soát chất lượng và đẩy mạnh các công đoạn có giá trị gia tăng cao thì ngành tôm Việt sẽ “hái quả ngọt” trong thời gian tới.
Thế Vinh