Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm của Việt Nam so với các nước trong khu vực?
Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã có những hỗ trợ thiết thực nào để DN nâng cao năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm, thưa ông?DN Việt Nam hiện nay chủ yếu gia công sản phẩm, sản xuất theo mẫu mã thiết kế của nước ngoài, thiếu sự đầu tư thích đáng để phát triển thiết kế của riêng mình. Do vậy, ngành thiết kế công nghiệp của Việt Nam vẫn đi sau các nước trong khu vực bởi thiếu tập trung, chiều sâu. Từ thực tiễn còn yếu kém đó, cần xây dựng chiến lược phát triển ngành thiết kế công nghiệp tầm cỡ quốc gia. Đồng thời, phải có định hướng phát triển dài hạn đối với ngành này, tạo sự kết nối từ khâu đào tạo tới ứng dụng thiết kế vào sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, cần thành lập tổ chức, hiệp hội hoặc trung tâm thiết kế tầm vóc quốc gia để quy tụ những nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển khác…
Những năm qua, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Ngoài việc phối hợp với đối tác trong và ngoài nước, tổ chức hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo và phổ biến kiến thức về thiết kế, phát triển sản phẩm triển khai hàng năm, Cục còn tập trung thuê chuyên gia tư vấn, hỗ trợ DN xây dựng, cải tiến thiết kế, phát triển sản phẩm. Năm 2017, đã hỗ trợ một số DN thủy sản, chè, quế, hồi phát triển sản phẩm thông qua việc hỗ trợ thiết kế lại hệ thống nhận diện thương hiệu, bao bì, nhãn mác, hệ thống tài liệu quảng bá, marketing của DN. Ngoài ra, hợp tác quốc tế cũng được duy trì, tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giao thương, kết nối giữa nhà thiết kế với DN sản xuất, xuất khẩu Việt Nam. Thông qua các chương trình, số lượng DN có nhu cầu tư vấn thiết kế để xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu hay thiết kế lại bao bì, nhãn mác tăng lên rất nhiều so với trước đây.
Hỗ trợ DN nâng cao năng lực thiết kế, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm
Ngoài sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, theo ông, bản thân DN cần phải nỗ lực, quan tâm đến thiết kế mẫu mã như thế nào để tăng giá trị cho sản phẩm?
Trong quá trình triển khai các hoạt động hỗ trợ DN phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, đa phần đối tác nước ngoài đánh giá sản phẩm của DN Việt Nam có chất lượng tốt nhưng lại kém thu hút, bắt mắt người tiêu dùng, tính tiện dụng, sáng tạo chưa cao. Để khắc phục hạn chế này, DN cần nghiên cứu thị hiếu, diễn biến thị trường; chọn sản phẩm có thế mạnh để cải tiến nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; khuyến khích sự sáng tạo, cá tính về thiết kế trong nội bộ DN. Mặt khác, đối với DN được hỗ trợ thiết kế, cần thể hiện chiến lược kinh doanh, phát triển thương hiệu, khát khao thay đổi, xây dựng chiến lược thương hiệu. Bởi, bao bì mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm là yếu tố quan trọng nằm trong tổng thể chiến lược phát triển, xây dựng quản trị thương hiệu của DN.
Được biết, Cục Xúc tiến thương mại và Viện Xúc tiến thiết kế Hàn Quốc đã "bắt tay" hợp tác, khai trương Trung tâm Thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc. Ông kỳ vọng gì về sự ra đời của trung tâm?
Thời gian qua, ngành công nghiệp thiết kế của Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng khích lệ; đồng thời, năng lực xuất khẩu, sản xuất của DN cũng có sự tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, hai yếu tố này vẫn chưa có sự gặp gỡ, giao thoa với nhau để tạo ra được hiệu quả, gia tăng giá trị, sản phẩm của DN. Vì vậy, việc ra đời Trung tâm Thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc sẽ là địa điểm để kết nối DN, nhất là DN nhỏ và vừa có nhu cầu thiết kế bao bì, sản phẩm, nâng cao giá trị cho sản phẩm với sự hỗ trợ của các đội ngũ thiết kế trong và ngoài nước. Đồng thời, chúng tôi rất kỳ vọng trung tâm sẽ đặt nền móng cho ngành công nghiệp thiết của Việt Nam phát triển bài bản, chuyên nghiệp hơn trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!