Ngăn chặn hàng nhập lậu và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử |
Trong 10 tháng đầu năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường đã tập trung giám sát và kiểm tra lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử trên phạm vi cả nước, phát hiện nhiều vi phạm. Đa số các đối tượng thường tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, lập các điểm livestream để nhận đơn hàng và phân phối hàng đến nhiều địa điểm khác nhau trên toàn quốc.
Hàng hóa vi phạm thường bị trà trộn trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, và được gửi đến khách hàng qua các dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh, khiến việc phát hiện gặp nhiều khó khăn.
Kết quả kiểm tra cho thấy, số lượng hành vi vi phạm hành chính về hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, y tế, giá cả, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, và nhãn hàng hóa đã giảm so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, các vi phạm liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, nông nghiệp, và đặc biệt là thương mại điện tử lại tăng so với cùng kỳ năm trước.
Số lượng hàng hóa nhập khẩu qua thương mại điện tử gia tăng đột biến. Nhiều sàn thương mại điện tử cung cấp hàng giá rẻ vào thị trường Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động hoặc không thông báo trên hệ thống online.gov.vn của Bộ Công Thương.
Theo quy định, các sàn bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 giao dịch mỗi năm từ Việt Nam phải đăng ký với Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, tình trạng nhập khẩu trái phép vẫn phổ biến, gây rủi ro nhập khẩu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hoặc lợi dụng chính sách để trốn thuế.
Ông Đỗ Hữu Hưng, Giám đốc điều hành Công ty Accesstrade Việt Nam |
Theo chuyên gia thương mại điện tử, ông Đỗ Hữu Hưng, Giám đốc điều hành Công ty Accesstrade Việt Nam, cho rằng sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử quốc tế không phải là điều mới mẻ. Từ 10 năm trước, hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đã thâm nhập vào Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada và Shopee. Điều tích cực là người tiêu dùng được hưởng lợi từ sản phẩm giá rẻ, đồng thời thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước cải thiện chất lượng sản phẩm, đầu tư vào logistics, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, sự “đổ bộ” của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới cũng tạo áp lực lớn lên thị trường trong nước, gây ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nội địa. Ngoài ra, việc thất thu thuế từ các hoạt động này cũng là vấn đề cần giải quyết để tránh gây tổn thất cho ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nhận định rằng hiện nay người tiêu dùng ngày càng ưu tiên sử dụng sản phẩm thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, đặc biệt là hàng Việt Nam có nguồn gốc rõ ràng. Doanh nghiệp Việt cũng đang thích nghi và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua điều chỉnh sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng và độ an toàn sản phẩm, giúp hàng Việt phát huy lợi thế “sân nhà”. Nếu tận dụng tốt các yếu tố này, doanh nghiệp trong nước có thể giảm bớt lo ngại trước làn sóng hàng ngoại giá rẻ xâm nhập qua các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, việc học hỏi các sàn quốc tế trong việc cải thiện tốc độ giao hàng, gia tăng tính cạnh tranh và thu hút khách hàng cũng rất cần thiết.
Ông cũng nhấn mạnh rằng các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và hàng trốn thuế qua thương mại điện tử, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp trong nước.
Trước thực trạng này, chi cục hải quan tại cửa khẩu phải kiểm tra thực tế hàng hóa và cập nhật kết quả vào hệ thống. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm, thông tin sẽ được chuyển đến chi cục hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến để xử lý.
Đối với chi cục hải quan quản lý hàng bưu chính, chuyển phát nhanh, Tổng cục Hải quan yêu cầu không thực hiện thủ tục hải quan đối với tờ khai nhập khẩu không khai báo thông tin về website, ứng dụng thương mại điện tử, hoặc có thông tin nhưng chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam hoặc chưa được thông báo trên hệ thống online.gov.vn của Bộ Công Thương.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra xác định trị giá hải quan |
Trong công văn ngày 8.11, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra xác định trị giá hải quan: tập trung thu thập thông tin, phân tích, xác định các trường hợp có dấu hiệu chia tách hàng hóa thành nhiều gói kiện nhỏ hoặc khai sai trị giá để phù hợp với trị giá được miễn thuế hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành.
Trường hợp phát hiện có hành vi lợi dụng khai sai trị giá để trốn thuế, né chính sách kiểm tra chuyên ngành phải xử lý vi phạm theo quy định.
Cùng với đó, liên tục rà soát toàn bộ các kho do doanh nghiệp chuyển phát nhanh thuê tại các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyển phát nhanh đang hoạt động.
"Nếu không duy trì đảm bảo điều kiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan thì báo cáo cấp có thẩm quyền để chấm dứt hoạt động và thu hồi mã kho" - công văn nêu rõ.
Bộ Công Thương cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành luật chuyên ngành về thương mại điện tử. Mục tiêu là tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới và sửa đổi quy định về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế...