Nền kinh tế Internet của Đông Nam Á đạt 1 nghìn tỷ USD GMV vào năm 2030

09:12 11/11/2021

Theo Google, Temasek và Bain & Company nhận định, nền kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt 1 nghìn tỷ GMV vào năm 2030.

Nền kinh tế Internet của Đông Nam Á trên đà phát triển vượt trội
Nền kinh tế Internet của Đông Nam Á trên đà phát triển vượt trội. (Ảnh: internet) 

Phó Chủ tịch Google khu vực Đông Nam Á chỉ ra rằng, sự phát triển của nền kinh tế Internet ở Đông Nam Á sẽ xác định tương lai của hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu. Đây là kết quả rút ra từ báo cáo thường niên mới nhất của các "gã khổng lồ" gồm Google, Temasek và Bain & Company.

Báo cáo cũng tiết lộ thêm, nền kinh tế của SEA ước tính đạt 174 tỷ USD GMV vào cuối năm 2021; khoảng 360 tỷ USD năm 2025, cao hơn dự báo trước đó là 300 tỷ USD. Khu vực này hiện có hơn 440 triệu người dùng internet với 80% (350 triệu dân) trong số đó được xác định là “người tiêu dùng kỹ thuật số” hoặc người dùng internet đã mua ít nhất một dịch vụ trực tuyến.

Đại dịch ảnh hưởng đến nền kinh tế Internet như thế nào?

Báo cáo đề cập đến cách đại dịch Covid-19 đã tác động như thế nào đến nền kinh tế Internet tại Đông Nam Á thông qua quan sát thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng và thúc đẩy phát triển một số ngành dọc. Từ khi dịch bệnh bắt đầu, thật đáng ngạc nhiên khi SEA có thêm 60 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, trong đó 20 triệu người mới chỉ tham gia trong nửa đầu năm nay.

Như một lẽ tất yếu, các tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi ngành dọc thương mại điện tử và giao hàng thực phẩm. Báo cáo viết: "Trong giai đoạn dẫn đầu mạnh mẽ đến năm 2030, thương mại điện tử GMV có thể vượt 120 tỷ USD vào cuối năm 2021 (tăng gần gấp đôi so với năm 2020) với tiềm năng đạt 234 tỷ USD vào năm 2025. Lĩnh vực giao hàng thực phẩm nổi lên như một điểm sáng, tăng 33% so với cùng kỳ đóng góp 12 tỷ USD vào GMV. Hiện ngành này đã trở thành dịch vụ kỹ thuật số được thâm nhập nhiều nhất với 71% tổng số người dùng Internet đặt bữa ăn trực tuyến ít nhất một lần".

Ngoài thương mại điện tử và giao hàng thực phẩm, các dịch vụ cho vay kỹ thuật số cũng dự kiến ​​sẽ phát triển vượt bậc do nhu cầu về các lựa chọn tài chính tiêu dùng và tài trợ chuỗi cung ứng. "Đến năm 2025, thanh toán kỹ thuật số được dự báo sẽ đạt trên 1,1 nghìn tỷ USD tổng giá trị giao dịch, tăng từ mức dự báo 707 tỷ đô vào năm 2021", báo cáo cho biết thêm. Về phần các các ngành dọc chịu ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, chẳng hạn như du lịch, báo cáo cho hay mặc dù tăng trưởng vẫn bị kìm hãm nhưng có nhiều khả năng cho ngành phục hồi trong trung và dài hạn song song với nhu cầu cao và tiến độ tiêm chủng được đẩy nhanh.

Đầu tư khởi nghiệp đạt mức cao nhất mọi thời đại

Một trong những điểm nổi bật của nền kinh tế Internet tại Đông Nam Á năm nay là sự hồi sinh của nguồn vốn khởi nghiệp và cuộc đua IPO ồ ạt đến mức dự kiến sẽ đạt mức "cao nhất mọi thời đại vào năm 2021".

"Giá trị các thương vụ đã lên tới 11,5 tỷ USD trong nửa đầu năm, vượt qua mức 11,6 tỷ USD trong cả năm 2020", báo cáo chỉ ra. "Các nhà đầu tư coi SEA là điểm đến đầu tư sinh lợi trong dài hạn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thương mại điện tử và dịch vụ tài chính kỹ thuật số, những lĩnh vực tiếp tục thu hút phần lớn các khoản đầu tư (hơn 60% giá trị thương vụ)". Bên cạnh đó, "hoạt động giao dịch gia tăng và định giá lớn hơn dẫn đến các vòng tài trợ lớn hơn đã thúc đẩy sự ra đời của 11 kỳ lân công nghệ tiêu dùng mới, nâng tổng số lên 23 công ty".

Năm 2021 cũng chứng kiến ​​các đợt IPO của các công ty công nghệ nổi tiếng trong khu vực, chẳng hạn như Bukalapak của Indonesia. Theo báo cáo, nhiều công ty công nghệ đang khám phá và định vị IPO như một con đường khả thi để huy động vốn hoặc cho phép các nhà đầu tư sớm kiếm lợi nhuận, đặc biệt là khi định giá tăng mạnh cùng hàng loạt các phương pháp niêm yết mới như các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).

TL