Nhìn chung, vị thế của nữ giới trong DN, nhất là bộ phận DNNN, hiện nay còn rất hạn chế, nhỏ và yếu hơn nhiều so với nam giới. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Phụ nữ không có lợi thế làm lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp?
Vị thế của phụ nữ trong doanh nghiệp (DN) và xã hội được xác định, đánh giá thông qua vị trí, vai trò và sự ảnh hưởng của họ trong sự so sánh với nam giới. Liên quan tới chủ đề này, là một câu chuyện buồn về phiên tòa đã kéo dài hơn 3 năm hiện vẫn đang xét xử là vụ ly hôn giữa hai vợ chồng bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Bà Thảo và ông Vũ kết hôn năm 1998, đã cùng nhau lãnh đạo (chồng làm trưởng, vợ làm phó) một DN tư nhân nhỏ trở thành một Tập đoàn kinh doanh cà phê lớn hàng đầu với một thương hiệu quốc gia mạnh mang tên Trung Nguyên, có lợi nhuận trước thuế trong 3 năm gần đây khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm. Bà Thảo khởi kiện chồng khi ông Vũ cách hết các chức vụ của bà trong Tập đoàn Trung Nguyên và với lý do bà bảo vệ sự hoạt động và tài sản của Tập đoàn khỏi sự thao túng của một nhóm cá nhân khi ông Vũ bị bệnh. Ông Vũ thì muốn bà Thảo rút khỏi bộ máy lãnh đạo của DN trở về nhà làm một người nội trợ tốt để cho chồng một mình lãnh đạo để “có thời gian tu tập, tu tâm, sám hối”. Đáng chú ý là chính Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa cũng khuyên bà Thảo rút đơn, giao toàn bộ Công ty cho ông Vũ quản lý để có thể sống như một bà hoàng. Rõ ràng quan điểm của ông Vũ và vị Chủ tọa phiên tòa có một điểm chung là biểu hiện chủ nghĩa gia trưởng, độc tôn của đàn ông trong quản lý tổ chức và xã hội.
Câu chuyện này chưa có hồi kết nhưng nó đã tăng độ nóng cho các vấn đề sau đây: Phải chăng là phụ nữ không nên làm lãnh đạo, người đứng đầu DN? Nếu là lãnh đạo DN, phụ nữ chỉ nên là cấp phó, cấp trưởng không phù hợp với họ? Nếu một DN do đôi vợ chồng khởi nghiệp, sáng lập nên thì khi thành công người vợ cần rút về nhà chỉ làm quản gia chăm sóc chồng con, công việc kinh doanh và quan hệ xã hội để người chồng đảm nhiệm? Tại sao Việt Nam hiện nay đã có nhiều doanh nhân xuất sắc lãnh đạo các DN lớn phát triển bền vững như các bà Mai Kiều Liên (Vinamilk), Thái Hương (TH Truemilk), Nguyễn Thị Phương Thảo (VietJet Air), Nguyễn Thị Nga (Tập đoàn BRG), Nguyễn Thị Mai Thanh (REE), Phạm Thị Việt Nga (Dược Hậu Giang), Nguyễn Diệu Linh (Vinhomes, thuộc Vingroup), Cao Thị Ngọc Dung (PNJ), Vũ Thị Thuận (Traphaco)… nhưng cái tư tưởng và tâm lý phụ nữ không nên làm lãnh đạo ở nước ta dường như vẫn không thay đổi? Trong một báo cáo Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019 do Tạp chí Forbes công bố tháng 3/2019 có đến 20 người là nữ doanh nhân xuất sắc lãnh đạo các DN lớn. Tại sao các doanh nhân lãnh đạo (Chủ tịch HĐQT, CEO hoặc kiêm cả hai chức vụ) các DN lớn – cũng là những người thuộc top 50 ảnh hưởng lớn nhất tại Việt Nam - kể trên hầu hết đều thuộc DN cổ phần tư nhân, rất hiếm các DNNN có lãnh đạo là nữ?
Nhìn chung, vị thế của nữ giới trong DN, nhất là bộ phận DNNN, hiện nay còn rất hạn chế, nhỏ và yếu hơn nhiều so với nam giới. Điều này hoàn toàn không phải xuất phát từ nguyên nhân thể chất, trí tuệ hay khả năng của họ mà chủ yếu thuộc về các yếu tố tâm lý, văn hóa và xã hội.
Mỗi người, dù nam hay nữ, đều có quyền lựa chọn và theo đuổi sự nghiệp, công việc của mình để trở thành người xuất sắc. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Có 5 nguyên nhân quyết định thực trạng hạn chế sự nâng cao vị thế của cán bộ nữ trong DN nói riêng, với xã hội nói chung. Đó là: Do ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng, tâm lý và văn hóa xã hội truyền thống “trọng nam khinh nữ” có nguồn gốc từ Nho giáo đã tạo ra định kiến xã hội cho rằng phụ nữ có tính cách tiểu nhân, lòng dạ hẹp hòi, nông nổi, tầm nhìn ngắn, có thiên hướng làm nội trợ trong nhà, không thích hợp với vai trò làm lãnh đạo, quản lý. Do một số nam giới và cả nữ giới có tâm lý đố kỵ, tỵ nạnh, ghen ghét, không ủng hộ khi đồng nghiệp nữ thăng tiến thành đạt, được khen thưởng, đề bạt. Do chính sách, luật pháp của ta còn có các quy định chưa hợp lý theo tinh thần bình đẳng giới và thúc đẩy phụ nữ tham chính. Ví dụ như tuổi quy hoạch, bổ nhiệm, nghỉ hưu của cán bộ nữ nhìn chung phải sớm hơn nam giới 5 năm (nam 60, nữ 55); tỷ lệ cán bộ nữ trong các cấp ủy lãnh đạo chưa được luật hóa… Do người đứng đầu trong các tổ chức thuộc hệ thống chính trị và DNNN ở nhiều nơi chưa thực sự quan tâm và thực hiện đúng chính sách cán bộ nữ và Luật Bình đẳng giới. Do bản thân phụ nữ có thái độ bất bình đẳng giới, không muốn được trao quyền, thiếu khát vọng và quyết tâm phấn đấu vươn lên tự lập nghiệp, dám chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với nam giới ở nhiều lĩnh vực và công việc.
"Cuộc sống không dễ dàng đối với bất kỳ ai trong chúng ta. Nhưng vậy thì sao? Chúng ta phải có sự kiên trì và hơn hết là tự tin vào chính mình. Chúng ta cần tin rằng mỗi người đều có một năng khiếu nào đó và cần nỗ lực đạt được điều này." - Marie Curie (nhà vật lý học)
Giải pháp nâng cao ảnh hưởng và cống hiến của phụ nữ trong DN
Cần tăng cường giáo dục, đào tạo và truyền thông về Luật Bình đẳng giới và nâng cao nhận thức, xây dựng cách ứng xử văn minh, lịch sự và công bằng với phụ nữ. Khuyến khích phong trào phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh có văn hóa, đồng thời kiên quyết phòng chống, xóa bỏ các định kiến, thói quen phân biệt đối xử và cách làm lạc hậu, sai lệch trong công tác cán bộ nữ, nhất là trong các DNNN. Cần có sự đánh giá khoa học, thường niên về công lao, sự đóng góp và tầm ảnh hưởng của họ để tôn vinh xứng đáng những doanh nhân, lãnh đạo, chuyên gia, lao động nữ xuất sắc trong phạm vi mỗi DN, tới phạm vi ngành và quốc gia…
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách và năng lực thực thi về công tác quản trị nguồn nhân lực, công tác cán bộ nữ, nhất là trong các quy định về tỷ lệ nữ trong tập thể lãnh đạo, độ tuổi quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, các chế độ, chính sách về bảo hộ lao động, thai sản, nghỉ hưu, bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe… tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ yên tâm làm việc, cống hiến hiệu quả cho DN và xã hội.
Cần coi trọng việc xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp thượng tôn pháp luật, văn minh, công bằng và nhân ái trong các DN hiện nay. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cần coi trọng việc xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp thượng tôn pháp luật, văn minh, công bằng và nhân ái trong các DN hiện nay. Người lãnh đạo DN cần gương mẫu, nêu gương thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bình đẳng giới, quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần, trách nhiệm chăm sóc con cái và gia đình của vợ - chồng. DN, nhất là các DN lớn cần chú trọng tới các thiết chế, điều kiện phúc lợi đảm bảo cho phụ nữ làm việc, nghỉ ngơi, chăm sóc con nhỏ như nhà trẻ, trường mẫu giáo, nhà ăn, chế độ phúc lợi…
Lãnh đạo, các đơn vị trong DN và các tổ chức chính trị, xã hội, các Hiệp hội Doanh nghiệp cần phối kết hợp với nhau thực hiện tốt công tác cán bộ nói chung, cán bộ nữ nói riêng. Thực hiện đúng các quy định của cấp trên về chất lượng và tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí và phát triển đội ngũ cán bộ trong hệ thống DNNN. Đồng thời chú trọng việc đào tạo, phát triển các bộ phận cán bộ khác như chuyên gia, cán bộ nghiệp vụ, kỹ thuật, marketing… DN cần kiến tạo, nuôi dưỡng được một môi trường và điều kiện làm việc dân chủ, bình đẳng giới, công khai, minh bạch và chia sẻ, hỗ trợ và tạo động lực cho chị em làm việc hiệu quả và cống hiến xuất sắc cho đất nước và xã hội.
Mỗi người, dù nam hay nữ, đều có quyền lựa chọn và theo đuổi sự nghiệp, công việc của mình để trở thành người xuất sắc. Cá nhân tôi cho rằng việc bà Thảo quyết định ly hôn với ông Vũ không phải chỉ vì nguyên nhân đòi phân chia tài sản công bằng mà còn vì điều quan trọng hơn, muốn được tiếp tục khẳng định mình với tư cách là một người lãnh đạo doanh nghiệp thành công, người phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của Trung Nguyên. Nhưng tại sao nhiều người trong chúng ta vẫn đánh giá bà Thảo chỉ là một người đàn bà tham lam, không đủ năng lực tự lập và ảnh hưởng để trở thành một nhà lãnh đạo DN xuất sắc?
PGS. TS. Đỗ Minh Cương (Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN)