Tính đến đầu tháng 02/2025, hầu hết các ngân hàng thương mại đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2024. Theo đó, hàng chục ngân hàng có mức lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng, đặc biệt có 05 ngân hàng có mức lợi nhuận đạt trên 01 tỷ USD (tương đương 25.500 tỷ đồng).
Trong năm 2024, mặc dù có nhiều yếu tố khó khăn nhưng nhưng tăng trưởng GDP đã vượt kế hoạch và đạt mức 7,09%. Ngành ngân hàng đã bơm 2,1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế, đưa tổng dư nợ toàn nền kinh tế đạt mức 15,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, với quy mô GDP năm 2024 khoảng 476,3 tỷ USD, tỷ lệ tín dụng/GDP đang ở mức gần 130%, nghĩa là nền kinh tế vẫn thâm dụng vốn để tăng trưởng.
Theo đó, các ngân hàng nhờ vào tăng trưởng tín dụng cao đã có mức tăng trưởng lợi nhuận lớn.
![]() |
Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại năm 2024. |
Luôn nằm trong Top ngân hàng có lợi nhuận hàng đầu là Vietcombank (VCB), năm nay ngân hàng báo lãi trước thuế 42.236 tỷ đồng (tương đương 1,65 tỷ USD).
Lọt Top lợi nhuận tỷ đô có thêm Vietinbank (CTG) là 31.758 tỷ đồng, BIDV (BID) là 31.383 tỷ đồng, MBB là 28.829 tỷ đồng và Techcombank (TCB) là 27.538 tỷ đồng (1,07 tỷ USD).
Trong nhóm này, Vietinbank có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất là 27%, đưa ngân hàng này từ vị trí thứ 4 năm ngoái lên soán ngôi thứ 2 của BIDV trong năm nay.
Nhóm tiếp theo là những ngân hàng có mức lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, gồm 06 ngân hàng: SHB, LPBank (LPB), Sacombank (STB), HDBank (HDB), VPBank (VPB) và ACB.
Trong nhóm này, VPBank là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận đứng thứ 2 ngành ngân hàng với mức tăng 85%, từ 10.804 tỷ đồng năm ngoái lên mức 20.013 tỷ đồng, đuổi sát nút lợi nhuận của ACB.
LPBank cũng có mức tăng trưởng tới 73%, đưa mức lợi nhuận của ngân hàng lọt nhóm trên 10.000 tỷ đồng.
Nhóm còn lại là những ngân hàng có mức lợi nhuận dưới 10.000 tỷ đồng.
Trong đó, đáng chú ý, VIB lại nằm trong 02 ngân hàng có mức tăng trưởng âm, khiến VIB rớt Top ngân hàng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, trong khi năm ngoái vẫn nằm trong Top này. OBC cũng là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận âm 3% năm nay, đạt hơn 4.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, NCB (NVB) có mức tăng trưởng lợi nhuận âm tới 6,7 lần, âm 5.128 tỷ đồng so với mức âm 669 tỷ đồng của năm 2023. Đây là năm thứ 2 liên tiếp ngân hàng này trong tình trạng lợi nhuận âm.
Tuy nhiên, điểm sáng của nhóm cuối về lợi nhuận của ngành ngân hàng là BVB có mức tăng trưởng 4,4 lần so với năm ngoái, dù con số lợi nhuận ở mức thấp 391 tỷ đồng so với toàn ngành.
Với lợi nhuận cao, ngành ngân hàng có mức chi trả lương bình quân khá tốt so với nhiều ngành kinh doanh khác, đặc biệt là các ngân hàng Top đầu.
Cụ thể, trong năm 2024, theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, mức lương bình quân và phụ cấp cao nhất thuộc về Techcombank, bình quân 48 triệu đồng/người/tháng. Thù lao cho các thành viên HĐQT nhận từ 1,7 - 4,4 tỷ đồng/người. Riêng Tổng giám đốc Jens Lottner nhận thù lao 25,66 tỷ đồng.
Vietcombank là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất ngành nhưng lương bình quân và phụ cấp là 38,06 triệu đồng/tháng. Thù lao và tiền thưởng năm 2024 cho HĐQT là 13,95 tỷ đồng, lương, thưởng cho ban điều hành là 17,464 tỷ đồng
Đặc biệt, NCB là ngân hàng âm lợi nhuận âm lớn, nhưng thu nhập bình quân ở nhà băng này trung bình 30,97 triệu đồng/người/tháng…
Với mức lợi nhuận cao đạt được trong năm 2024, nhiều ngân hàng lớn đã cho vay rất cao so với số tiền huy động được.
![]() |
Cho vay của các ngân hàng thương mại năm 2024. |
Đơn cử trong nhóm 4 ngân hàng lớn của ngành ngân hàng Việt, chưa tính Agribank thì BIDV đang có tổng dư nợ tín dụng cao nhất, lên tới hơn 02 triệu tỷ đồng, tiếp đến là Vietcombank và Vietinbank với dư nợ tương ứng 1,4 – 1,68 triệu tỷ đồng.
BIDV cũng là ngân hàng có tỷ lệ cho vay/huy động tới hơn 85%, nghĩa là trong 100 đồng vốn huy động được, ngân hàng này cho vay đến 85 đồng.
Trong ngành ngân hàng, năm này VPBank là ngân hàng cho vay nhiều nhất tới 89%. Đây cũng là ngân hàng phải dùng nhiều tới tiền gửi và vay của các tổ chức tín dụng khác để bù đắp vào phần tiền gửi khách hàng không đủ để cho vay ra. Bù lại, lợi nhuận của VPBank năm 2024 tăng tới 98% so với năm trước, từ mức 10.804 tỷ đồng lên mức hơn 20.000 tỷ đồng.
Nằm trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ cho vay trên huy động vốn từ 80% trở lên còn có: Vietinbank (83%), MB (80%), Vietcombank (80%). Những ngân hàng này đều có chung đặc điểm là nguồn tiền gửi khách hàng hầu như không đủ để cho vay và phải bù bằng tiền gửi hoặc vay của các tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, lợi nhuận đạt được khá cao.
Riêng OCB và VIB cho vay ra khá tốt, nhưng lợi nhuận lại âm 3% và 16%.
Đáng chú ý, PGBank cho vay ra thấp so với nguồn vốn huy động chỉ ở mức 62%, thấp nhất ngành. Dù vậy, ngân hàng này vẫn có mức tăng trưởng lợi nhuận gần 20%, đạt 421 tỷ đồng.
Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng vẫn khởi sắc tịnh tiến hằng năm với mức lãi nghìn tỷ, chục nghìn tỷ và đạt mức tỷ USD. Điều này cho thấy kinh doanh ngân hàng vẫn “thuận buồm xuôi gió” và mức sinh lời cũng khá tốt.