
Mua bán và sáp nhập ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, mua bán và sáp nhập (M&A) trên lĩnh vực ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn rẻ...
Đánh giá về việc Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa đạt được thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC)- thuộc Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản thông qua một đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN cho rằng, phía Nhật Bản đang thấy thị trường Việt Nam rất tiềm năng. Những khó khăn thách thức của lĩnh vực tài chính Việt Nam lại là cơ hội cho doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo ông Hòe, thị trường tài chính của Việt Nam đang phát triển ở giai đoạn sơ khai, đặc biệt, SMBC đã nhìn thấy tiềm năng về thị trường tài chính tiêu dùng rất lớn. Nhật Bản đã tham gia nhiều vào thị trường bán lẻ của Việt Nam và đây cũng là nước sản xuất ra hàng tiêu dùng rất lớn. Nhật Bản muốn tạo hệ sinh thái về tài chính để hỗ trợ cho chính những doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam. Nếu mở một ngân hàng nước ngoài mới hoàn toàn vào Việt Nam thì sẽ khó hơn rất nhiều.
“Tôi nghĩ thị trường tài chính của Việt Nam còn nhiều cuộc tái cấu trúc lại, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp trong nước vì họ sẽ quản trị bài bản hơn, tiếp cận với nhiều nguồn vốn rẻ hơn. Mua bán và sáp nhập (M&A) trên lĩnh vực ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận được nguồn vốn rẻ của nước ngoài”, ông Hòe kỳ vọng.
Chia sẻ về khó khăn tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, ông Hòe khẳng định, dòng tiền của doanh nghiệp đang cạn kiệt nên việc tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp rất quan trọng. Doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không tiếp cận được khoản vay hỗ trợ lãi suất vì họ không có đủ khả năng minh bạch về tài chính. Chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được coi là mở nhưng thực ra là đang “trói lại”.

“Các doanh nghiệp muốn cơ cấu lại nợ để tiếp tục sống. Bởi vậy, NHNN cần có tháo gỡ mạnh mẽ hơn nữa về mặt chính sách. Đặc biệt, NHNN cần giao quyền chủ động cơ cấu lại nợ cho hội đồng quản trị các ngân hàng thương mại để cho vay tiếp đối với doanh đủ khả năng tái cơ cấu”, ông Hòe nói.
Theo ông Hòe, điều căn bản nhất của chính sách là không nên làm chính sách theo kiểu một lần. Chỉ nên xử lý tình huống cho thích ứng. Ví dụ như Thông tư 08/2022/TT-NHNN về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng không giải quyết được căn cơ của hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Tất cả các doanh nghiệp mới phát hành trái phiếu là phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế. Phải được chấm điểm xếp hạng tín nhiệm, phải đạt được các hệ số nhất định. Khi đã chấm điểm xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp, tất cả các trái phiếu từ hạng AAA tụt xuống BBB thì lập tức nhà đầu tư sẽ bàn thảo. Can thiệp hành chính vào thị trường là không hiệu quả.
“NHNN cần có cơ chế hiệu quả hơn trong giải pháp hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Cần chuyển 50% vốn trong gói hỗ trợ gần 40 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp sang quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ đó là của toàn quốc, vì hiện vốn tại các quỹ địa phương đang lòng vòng không hiệu quả”, ông Hòe đề xuất.
Đối với cơ chế bảo lãnh, theo ông Hòe, phải là bảo lãnh tín chấp cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đủ điểm, có các hiệp hội chấm điểm đánh giá thì họ phải được bảo lãnh bằng tín chấp chứ không thể có tài sản thế chấp. Các ngân hàng thương mại hiện nay 6 tháng sẽ đánh giá lại tài sản thế chấp thì không có doanh nghiệp nào đáp ứng được.
Hoài Anh
Cùng chuyên mục


Ngành vận tải hàng không tăng trưởng ấn tượng trong 5 tháng đầu năm

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Đãi ngộ ngành Y bằng chính sách đặc biệt

Thanh Hóa thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tháng 6 tiếp tục tăng

Thủ tướng: Hà Giang cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển
-
TS. Đinh Thế Hiển: Không có làn sóng mới của dòng tiền đầu tư vào thị trường bất động sản năm 2024
-
TS Vũ Minh Khương: Xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh nhiệm vụ cấp bách
-
Chuyên gia kinh tế - TS. Doãn Hữu Tuệ: Cần ưu tiên vốn cho doanh nghiệp sản xuất
-
Đầu tư vào lực lượng lao động là yếu tố quan trọng để đạt được tăng trưởng bền vững
-
Kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia: Điểm nghẽn đầu tiên là thể chế