Mục sở thị mô hình trồng cây Gai Xanh đầu tiên ở tỉnh Phú Thọ

20:03 20/03/2021

Qua vài lần hỏi thăm, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được nhà ông “Chiến gai” ở khu 2, xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba.

Vỏ cấy gái xanh sau khi thu hoạch
Vỏ cấy gái xanh sau khi thu hoạch.

Khi nhắc đến cây gai xanh thì đa số mọi người đều biết đến là loại cây lấy lá để làm bánh gai, nhưng trong 3 năm trở lại đây thì cây gai xanh đã giúp cho người dân ở xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) cải thiện đời sống nhờ vào lợi ích của loại cây trồng này đem lại.

Qua vài lần hỏi thăm, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được nhà ông “Chiến gai” ở khu 2, xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba. Qua tìm hiểu, vì ông là người đầu tiên ở Phú Thọ mang giống cây gai xanh này về trồng và phát triển nên được người dân trong vùng gọi ông với cái tên thân mật là ông “Chiến gai”. 

Ông Lê Minh Chiến- GĐ HTX Cường Thịnh
Ông Lê Minh Chiến- GĐ HTX Cường Thịnh.

Với tên gọi đầy đủ là Lê Minh Chiến, là người đã sáng lập ra Hợp tác xã (HTX) Gai Cường Thịnh và đương cũng là Giám đốc của HTX cho biết: HTX được hình thành từ năm 2018 với lúc đầu trồng thí điểm là 2ha, đến nay HTX đã  trồng được khoảng 30ha và tiếp tục phát triển sang các xã vùng lân cận trong huyện Thanh Ba và các huyện khác trong tỉnh Phú Thọ như: Cẩm Khê, Hạ Hòa, Yên Lập, thành phố Việt Trì…

Nói đến cây gai thì mọi người đều biết đến là loại cây lấy lá dùng để làm bánh gai hoặc để làm thức ăn cho dê, hươu… củ của cây gai có thể làm thuốc an thai cho phụ nữ. Nhưng ít ai biết rằng vỏ của cây gai có thể làm dệt sợi vải rất tốt, mang lại giá trị kinh tế rất cao.

Ông Chiến chia sẻ: qua giới thiệu ông đã vào tận trong Thanh Hóa để tìm hiểu mô hình kinh tế trồng cây gai xanh này và đem giống về phát triển tại địa phương. Ở trong Thanh Hóa cũng đã có nhà máy chế biến vải sợi của cây gai do Tập đoàn An Phước xây dựng. Cây giống mang tên gai xanh AP1 được Viện giống cây trồng Việt Nam liên kết với Tập đoàn An Phước cung cấp và sau khi cho thu hoạch vỏ cây gai xanh này cũng được đơn vị ký hợp đồng bao thu mua toàn bộ.

“Nhà tôi trồng khoảng hơn 4ha cây gai xanh. Mỗi 1ha cho thu hoạch khoảng 1 tấn sợi vỏ gai khô và cứ 2 tháng cho thu hoạch một lần, 1 năm sẽ cho thu hoạch được 5 vụ. Với đơn giá hiện đang là 42.000/1kg, 1ha trong 1 năm sẽ cho thu được 170 triệu đồng, trừ hết chi phí đi sẽ được khoảng 80 triệu/1ha trong 1 năm”. Ông Chiến nói.

HTX có tất cả 13 xã viên và nhiều thành phần liên kết khác, HTX có trách nhiệm vừa sản xuất và vừa thu gom thành phẩm cho bà con để vận chuyển tận nơi cho nhà máy sản xuất.

Ông chiến cho biết thêm: cây gai xanh có đặc điểm rất ít bị sâu bọ, nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là không có, nên cây rất thân thiện với môi trường. Đặc biệt, cây chỉ cần trồng 1 lần, sau khi thu hoạch thì cây sẽ tự trồi lên tái sinh và cho thu hoạch tiếp theo. Trong một năm sẽ cho thu hoạch nhiều lần và trong khoảng 10 năm sau mới phải trồng lại.

Cũng theo ông Chiến thì giống cây gai xanh có 2 loại: loại hạt có giá 800 đồng / 1 cây con; loại bầu(có củ) có giá 1.200 / 1 cây. Loại giống hạt thì sẽ phù hợp với đất có thổ nhưỡng tốt và vận chuyển giống đi gần, còn giống bầu thì sẽ phù hợp với loại đất ít dinh dưỡng hơn và thích hợp cho việc vận chuyển giống đi xa. 

Cấy Gai Xanh được người nông dân tuốt vỏ bằng máy
Cấy Gai Xanh được người nông dân tuốt vỏ bằng máy.

“Trong năm nay, HTX cũng sẽ phát triển thêm khoảng 1.100ha diện tích đất trồng cây gai xanh nữa”. Ông Chiến nói.

Là hộ dân cũng được 2 năm trồng cây gai xanh, bà Vũ Thị Liên, 50 tuổi, ở khu 2, Xã Hoàng Cương cho biết: gia đình cũng chỉ có 3 sào trồng cây gai xanh, cây giống là do HTX cung cấp, cứ 2 tháng là cho thu hoạch 1 lần, cứ cắt xong bón phân là cây lại lên tiếp, một năm gia đình cũng thu hoạch được từ 4 đến 5 vụ.

Bà Liên hồ hởi nói: “3 sào nhà tôi chỉ thu hoạch 1 buổi là xong, chặt cây và tuốt vỏ luôn bằng máy ngay tại ruộng, vỏ cây gai được phơi vắt lên những thân cây tre, nứa đã được bắc làm xà và chỉ 3 nắng là khô. Mỗi lần cho thu hoạch cũng được khoảng 1 tạ vỏ gai khô, trừ chi phí đi tất cả cũng phải thu về khoảng 3 triệu. Lợi nhuận cao hơn các cây hoa màu khác mà tốn rất ít công”.

Ông Đỗ Văn Tuấn - PCT UBND xã Hoàng Cương, Thanh Ba (Phú Thọ)
Ông Đỗ Văn Tuấn - PCT UBND xã Hoàng Cương, Thanh Ba (Phú Thọ).

Ông Đỗ Văn Tuấn – Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Cương nhận định: sau 3 năm phát triển mô hình trồng cây gai xanh thì cây gai xanh cho hiệu quả năng xuất cao hơn rất nhiều so với trồng cây ngô, lúa… Cùng là trên đất đó thì cây gai xanh cho thu nhập  cao hơn từ 1,5 – 2 lần so với cây trồng khác.

Về khó khăn thì ông Tuấn chia sẻ: chi phí công lao động, chủ yếu là công thu hoạch sẽ cao hơn, nguồn nhân lực trong nông thôn cũng khó khăn hơn vì những người trẻ thường đi làm ở các công ty, khu công nghiệp nên lao động chủ yếu là những người trung tuổi và người già.

“Muốn phát triển cây gai tốt thì diện tích đất phải tập trung và thuận tiện về thủy lợi. Chính quyền địa phương tiếp tục có những phương án về công tác thủy lợi để cung cấp nước thuận tiện cho cây gai phát triển, đặc biệt là những lúc hạn hán. Cùng với đó là những chính sách về những quỹ đất còn lại có thể tập trung giao khoán để phát triển cây gai xanh”. Ông Tuấn cho biết thêm.

Quốc Huy