Một số cơ sở lý luận, khái niệm cơ bản về Hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay

09:17 15/03/2023

Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV nhiệm kì 2023-2028, TS. Tô Hoài Nam-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME, Trưởng Tiểu Ban Văn kiện có tham luận Một số cơ sở lý luận, khái niệm cơ bản về Hiệp hội DN của Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa

Lịch sử hình thành và khái niệm cơ bản

Mặc dù quan niệm về hội còn khác nhau, tùy theo thể chế chính trị - xã hội của mỗi nước, nhưng xu hướng chung về số lượng và những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các hội ngày càng tăng ở phạm vi mỗi quốc gia, cũng như trên bình diện quốc tế[2].

Ở Việt Nam khái niệm Hiệp hội là loại hình đã được người Pháp mang sang từ rất lâu theo mô hình nghiệp đoàn.[3] Điều 10 của Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20/7/1057 do Chủ Tich Hồ Chí Minh ký ban hành[4] đã chỉ rõ loại hình tổ chức tự nguyện của nhân dân vì mục đích kinh tế là một loại hình riêng, không đặt chung với các loại hình hội khác. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, chứa đụng tầm nhìn rất chiến lược, rất dài cho quá trình xây dựng và phát triển hội ở Việt Nam.

Kể từ khi thực hiện đường lối Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng (năm 1986) không chỉ thay đổi diện mạo nền kinh tế của Đất nước, mà còn từng bước thay đổi cấu trúc của các hội ở Việt Nam. Từ chỗ chịu sự giới hạn và kiểm soát chặt chẽ, các hội đã được tự chủ nhiều hơn, nhiều hình thức hiệp hội mới có tính độc lập tương đối cao được cho phép thành lập và hoạt động. Điều này diễn ra đồng thời với những chính sách ngày càng cởi mở hơn của Đảng , Nhà nước về quyền lập hội[5]. Chỉ tính trong khoảng ba thập niên vừa qua, hàng nghìn hiệp hội mới đã được thành lập ở Việt Nam và được gọi bằng những tên khác nhau như: Hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân,...[6]. Với định hướng phát triển cơ chế thị trường định hướng  xã hội chủ nghĩa Đảng, Nhà nước đã huy động sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, của mọi thành phần kinh tế, xã hội[7]. Theo đó, các loại hình tổ chức Hội[8] được ra đời với một vai trò, ý nghĩa quan trọng, mở ra khả năng huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của toàn dân, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển xã hội. Hiệp hội của các tổ chức kinh tế là loại hình tổ chức trong số đó (sau đây viết tắt là Hiệp hội doanh nghiệp).

Cùng với chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước, các Hội thành lập giai đoạn này thu hút được nhiều  doanh nghiệp tự nguyện hưởng ứng. Mặc dù phương hướng mục tiêu, kế hoạch hoạt động cụ thể còn đơn giản, chủ yếu là đề cao sự phát triển của doanh nghiệp và góp phần gắn kết doanh nghiệp với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Các Hiệp hội doanh nghiệp ngày nay đã và đang tạo ra sự đổi thay về hình thức liên hệ với xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ các Hội là dấu hiệu tích cực của một nền kinh tế - xã hội đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Trong điều kiện đó, vai trò của các Hội quần chúng nói chung và các Hiệp hội doanh nghiệp nói riêng ngày càng được nâng lên và đang có sự chuyển hoá tích cực. Biểu hiện rõ nhất là ở đặc điểm rời xa mô hình tổ chức quan liêu, phương thức hoạt động hành chính dựa vào sự bao cấp từ nhà nước sang mô hình tổ chức dân chủ và hoạt động theo phương thức tự quản, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm. Hiệp hội doanh nghiệp đang từng bước loại bỏ những khuyết tật tẻ nhạt, đơn điệu, thụ động, để tạo dựng một cốt cách mới tích cực, chủ động và sáng tạo. Mọi sự vận động của Hiệp hội doanh nghiệp luôn gắn với sự phát triển kinh tế của đất nước và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Có thể hiểu khái niệm cơ bản về Hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam như sau: Hiệp hội của các tổ chức kinh tế là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện của các doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm mục đích hợp tác, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Được tổ chức và hoạt động theo pháp luật Việt Nam và theo các nguyên tắc: Tự nguyện, tự quản, tự trang trải về kinh phí hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng, của đất nước và phi lợi nhuận.

Mỗi thành viên, hội viên đóng góp công sức, góp phần xây dựng phát triển Hiệp hội doanh nghiệp không phải để tìm kiếm lợi nhuận trong Hiệp hội doanh nghiệp, mà dựa vào Hiệp hội doanh nghiệp để tìm kiếm các cơ hội lợi nhuận trên thương trường. Kinh phí mà Hiệp hội doanh nghiệp có được không phải để dành riêng cho một người, một bộ phận mà dùng để thực hiện các nhiệm vụ phát triển chung. Đây là đặc trưng cơ bản để phân biệt Hiệp hội doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Nhận thức về đặc điểm, vai trò, vị trí.

- Nhận thức về đặc điểm:

Thứ nhất, Hiệp hội doanh nghiệp là một loại hình tổ chức xã hội- nghề nghiệp. Mục đích là phục vụ cho nghề nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nhau để phát triển nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Về bản chất Hiệp hội doanh nghiệp chỉ tác động một cách gián tiếp giúp các hội viên để có những điều kiện tốt hơn trong sản xuất kinh doanh. Đặc điểm này thể hiện rõ tính chất nghề nghiệp và  mục tiêu phục vụ cho nghề nghiệp[9].

Thứ hai, được tổ chức và hoạt động tuân theo Hiến pháp, pháp luật, và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, chịu sự quản lý của Nhà nước. Với tư cách là một dạng  thiết chế[10], nên tất yếu phải hội tụ, bao hàm những tính chất, đặc điểm, đặc tính của một tổ chức hoàn chỉnh. Đó là một hệ thống những quan niệm, quy định được đặt ra để áp dụng như: Điều lệ, Quy chế, quy định,... được các hội viên chấp nhận, thống nhất và thực hiện.

Xét về tính chất pháp lý, quyền lực của Hiệp hội không mang tính chất chính trị - hành chính mà mang tính chất xã hội - nghề nghiệp. Những mâu thuẫn trong nội bộ Hiệp hội doanh nghiệp, hay với các tổ chức khác trong đời sống chính trị - xã hội tại Việt Nam cũng không mang tính đối kháng, “một mất một còn” và được giải quyết bằng con đường thoả thuận, hợp tác để cùng phát triển.

Như vậy, có thể khẳng định Hiệp hội doanh nghiệp được tổ chức có tính chặt chẽ, thống nhất, khoa học nhất định.

- Nhận thức về vai trò:[11]

Thứ nhất, Hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp chính là một hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp, thực thi, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp một cách cụ thể, thiết thực đã góp phần thoả mãn nhiều nhu cầu của doanh nghiệp(về nghề nghiệp, giới tính, dân tộc, văn hóa, sở thích,...) góp phần bảo đảm sự ổn định xã hội, góp phần thực hành dân chủ cơ sở, đáp ứng một cách thoả đáng, hoặc hóa giải một số yếu tố, tác nhân tiềm ẩn[12], tạo điều kiện cho các hội viên phát triển, góp phần bảo đảm ổn định trong từng ngành nghề, lĩnh vực nói riêng, trong toàn xã hội nói chung.

Thứ hai, Có vai trò tuyên truyền, hỗ trợ, động viên các hội viên tuân thủ, chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần vận động các hội viên thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với ngành nghề, lĩnh vực và chung tay xây dựng đất nước. Đồng thời đấu tranh khắc phục các biểu hiện tiêu cực lĩnh vực kinh tế... góp phần làm ổn định và lành mạnh hoá đời sống xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thứ ba, Sự hiện diện của quan hệ “đối tác” đối với Nhà nước không phải là sự đối lập, độc lập mà liên hệ chặt chẽ, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau, bổ sung, hỗ trợ... lẫn nhau. Hiệp hội doanh nghiệp có khả năng khá lớn về nguồn nhân lực và tri thức, trong một số trường hợp còn có khả khả huy động được nguồn lực tài chính. Với đặc điểm gần và sát doanh nghiệp, thị trường nên rất hiểu được tâm tư, nguyện vọng và những nhu cầu của doanh nghiệp. Thế mạnh này, giúp Hiệp hội doanh nghiệp thực thi và kiểm nghiệm các chủ trương, chính sách... của Đảng, Nhà nước, thu thập ý kiến từ thực tiễn để đóng góp, kiến nghị, đề xuất có giá trị sát thực, khả thi với các cơ quan của Đảng, Nhà nước (dưới các góc độ tư vấn, phản biện xây dựng chính sách pháp luật...). Đây là vai trò đặc biệt quan trọng của Hiệp hội doanh nghiệp trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước góp phần thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển lành mạnh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ tư, Giữ vai trò “cầu nối”, tìm kiếm, mở rộng các cơ hội kinh doanh, làm đầu mối thương lượng, gắn kết các doanh nghiệp để hợp tác với nhau tạo nên động lực, sức mạnh mới không đơn thuần là “buôn có bạn, bán có phường” mà các doanh nghiệp còn được bảo vệ quyền lợi chính đáng, tăng cường sức cạnh tranh không phải là cộng lại mà nhân lên cho từng doanh nghiệp. Đặc biệt là các DNNVV phần lớn là rất “cô đơn” khi bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, khi đó DNNVV rất cần một “mái nhà chung” để “nương tựa”, khi đó Hiệp hội doanh nghiệp trở thành người bạn đồng hành, cùng lo toan, trăn trở, sẵn sàng bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, đại diện kiến nghị, đề đạt với các cơ quan nhà nước xem xét, sửa đổi, bổ sung các chính sách, cơ chế cho phù hợp với sự phát triển, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp... Vì thế sự ra đời của Hiệp hội doanh nghiệp như một yêu cầu tất yếu khách quan.

Thứ năm, Thông qua việc mở các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp (các nhà quản lý, các chuyên gia, người lao động...). Đồng thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức, viện trường để hỗ trợ liên kết, giúp đỡ các doanh nghiệp phát triển nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phát huy sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ...

Thứ sáu, Tuyên truyền vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện các cuộc vân động, các chương trình, hành động của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam về các hoạt động xã hội-từ thiện-nhân đạo.

Thứ bẩy, Góp phần quan trọng vào việc củng cố tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thực thi phát huy dân chủ cơ sở, giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quan hệ đoàn kết quốc tế, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Cùng với sự phát triển của đất nước, theo những dự báo khoa học, trên cơ sở những căn cứ, luận điểm khoa học đầy đủ, vững chắc, có thể khẳng định vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế xã hội sẽ ngày càng được nâng cao hơn nữa.

- Nhận thức về vị trí[13]:

Từ năm 2009 trở về trước, trong xã hội nước ta chủ yếu quan tâm nhiều đến các tổ chức trong hệ thống chính trị như: Đảng Cộng sản Việt Nam (là tổ chức lãnh đạo, đồng thời với vai trò, chức năng là Đảng cầm quyền); Nhà nước. Và, các tổ chức chính trị-xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam(như: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam)... Các tổ chức, đoàn thể này được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp luôn chăm lo lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng về mọi mặt nhằm phát huy vai trò trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nhiệm vụ chính trị, mục tiêu, kế hoạch... của cách mạng Việt Nam. Các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, trong đó có Hiệp hội doanh nghiệp ít được quan tâm, vị trí trong xã hội cũng chưa được xác định, công nhận một cách thoả đáng. Xét từ góc độ kinh tế, kể từ khi đổi mới, mối quan hệ giữa các khu vực Nhà nước, thị trường và các tổ chức xã hội-nghề nghiệp[14] (các tổ chức xã hội, các hội quần chúng, các hội nghề nghiệp, các tổ chức nhân đạo...) cũng có sự thay đổi so với thời kỳ bao cấp. Vị trí, vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp ngày càng được khẳng định và phát huy tốt hơn, đóng góp tích cực, quan trọng và sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Ban đầu, các Hiệp hội doanh nghiệp nói riêng cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp nói chung tham gia chủ yếu vào việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp với vị trí như là một đối tác thứ yếu của nhà nước. Song những năm gần đây, vai trò vị trí của các tổ chức này đã thay đổi theo hướng ngày càng được coi trọng, đề cao . Sự đánh giá hiệu quả tronghoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp được xác định qua những đóng góp của doanh nghiệp vào phát triển kinh tế. Nhiều Hiệp hội doanh nghiệp hiểu biết sâu về chuyên môn trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, môi trường, về khoa học công nghệ, về số hoá, về pháp luật… Hiệp hội doanh nghiệp này thường được coi là đối tác hữu dụng của chính phủ trong việc cung cấp hàng hoá và dịch vụ công. Do yếu tố tự nguyện đem đến sự vô tư trong sáng, sự tiết kiệm trong chi phí. Cơ chế này tương phản với bộ máy cồng kềnh và khá tốn kém của cơ quan nhà nước.

 Xu hướng thế giới hiện nay là tinh giản bộ máy nhà nước. Đồng thời chuyển giao các dịch vụ và cơ sở xã hội khỏi khu vực hành chính nhà nước. Xu hướng này đồng nghĩa với việc nhà nước sẽ chuyển giao một phần trách nhiệm cho các tổ chức xã hội-nghề nghiệp với kỳ vọng các tổ chức này sẽ thực hiện được các chương trình mà trước đây nhà nước đảm nhận. Đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác của các tổ chức này với nhà nước trong việc thoả mãn những yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và xoá đói giảm nghèo.

Vị trí của Hiệp hội doanh nghiệp nói riêng cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp nói chung sẽ luôn là đối tác quan trọng của Nhà nước vì các tổ chức này cung cấp thông tin thiết yếu, đồng thời đề xuất những sáng kiến hữu ích cho Đảng, Nhà nước để tăng hiệu quả các chương trình kinh tế-xã hôị. Ngoài ra, trong một số trường hợp, Hiệp hội doanh nghiệp còn là đối tác giúp chính phủ khỏa lấp những khiếm khuyết thị trường. Hiện nay, có một số Hiệp hội doanh nghiệp thường xuyên tham gia thảo luận, kiến nghị, xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước với vị trí, vai trò quan trọng trong những quyết định chính sách công có tác động mạnh mẽ đến kinh tế-xã hội. 

Một số suy nghĩ về thách thức, bất cập trong hệ thống pháp luật đòi hỏi phải hoàn thiện

Xét tổng thể, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, Việt Nam đã có một khung pháp lý tương đối đồng bộ để điều chỉnh các vấn đề về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hội. Với việc thừa nhận sự tồn tại của nhiều dạng tổ chức hội khác nhau, chính là những tiền đề quan trọng cho sự phát triển của các hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài những kết quả tích cực nêu trên,  cũng còn một số điểm bất cập đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, cụ thể như sau:

 Thứ nhất, Về cấu trúc, hệ thống pháp luật về hội và thành lập hội khá phức tạp, nhiều vấn đề vẫn chưa được quy định rõ ràng, phù hợp, đảm bảo tính logic và chặt chẽ như: quy định về đầu mối quản lý thống nhất các hội, tránh nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chính sách khuyến khích và ưu đãi dành cho các hội hoạt động phi lợi nhuận vì lợi ích công cộng; cơ chế đối thoại và hợp tác giữa các hội với nhà nước và khu vực tư nhân, cơ chế khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo thủ tục hành chính hay tư pháp[15],...

Thứ hai, Việc giới hạn quyền chủ thể là công dân Việt Nam trong Điều 25 Hiến pháp 2013 hẹp hơn so với khái niệm “quyền tự do hiệp hội” theo luật nhân quyền quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế cần phải tính đến phương án hàng triệu người nước ngoài đang sinh sống, làm việc hợp pháp ở Việt Nam muốn tham gia làm hội viên chính thức của Hiệp hội doanh nghiệp nói riêng cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp nói chung.

Thứ ba, Nhìn chung, các quy định pháp luật về thành lập hội trong Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan vẫn thiên về việc tạo thuận lợi cho cơ quan hành chính. Nói cách khác, cách tiếp cận của quan soạn thảo vẫn chưa khắc phục được hạn chế trong văn bản QPPL “quản lý chỉ để quản lý”, chưa bảo được về thứ hai “quản lý để phát triển” như tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Nói một cách khác là vẫn thiên về việc tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý hành chính, chưa tiếp cận theo góc độ của đối tượng điều chỉnh là Hội và các doanh nghiệp.

Thứ tư, Về mối quan hệ giữa các hội chưa bảo đảm sự bình đẳng giữa các tổ chức hội trong xã hội. Có một số hội cùng là tổ chức, nhưng được sự hỗ trợ về biên chế, về kinh phí hoạt động, trụ sở và phương tiện làm việc từ ngân sách nhà nước. Quyền lợi cao hơn nhiều so với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp nhưng chưa được lý giải một cách thỏa đáng, khoa học theo nguyên tắc chung của Hiến pháp 2013.

  1. Một số kiến nghị.

Quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được quy định tại Hiến pháp của nước ta. Trong các giai đoạn cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối về hội quần chúng như đã trình bày ở trên nhằm đẩy mạnh quá trình xây dựng phát triển của các tổ chức hội, để nâng cao vai trò hiệu quả của các tổ chức xã hội nghề nghiệp đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Hiệp hội doanh nghiệp  là loại hình tổ chức giữ vị trí quan trọng hàng đầu, nổi trội về số lượng, chất lượng, quy mô tổ chức hoạt động, vị trí, vai trò trong đời sống chính trị-xã hội cũng như những góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng được khẳng định.

Để phát huy hơn nữa và thực hiện mở rộng quyền làm chủ của nhân dân, huy động được mọi nguồn lực xã hội vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho Hiệp hội doanh nghiệp là một yêu cầu cấp thiết, rất cần được sớn kiện toàn, hoàn thiện  cụ thể như sau:

Về các vấn đề chung

Thứ nhất, Khẳng định sự cần thiết phải sớm ban hành luật về Hội để phát huy vai trò vị trí của hội trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Trong trường hợp chưa đủ điều kiện “chín mùi” có thể xây dưng một đạo luật riêng về tổ chức và hoạt động Hiệp hội doanh nghiệp.

Thứ hai, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục xác định, khẳng định rõ tính chất, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội doanh nghiệp. Quan tâm sâu sắc đến các văn bản quy phạm, văn bản chỉ đạo điều hành hướng dẫn. Phân công rõ trách nhiệm trong quản lý, giải quyết quan hệ công tác đối với Hiệp hội doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ công chức trong tăng cường gắn kết, cùng phối hợp và tạo thuận lợi cho các Hiệp hội tham gia sâu hơn vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương và cả nước;

Thứ ba, Nghiên cứu thay thế cơ chế tổ chức “hội đặc thù” bằng cơ chế khác để phù hợp với thực tiễn. để đảm bảo bình đẳng trong cùng một loại hình tổ chức hội. Đây cũng chính là đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Thứ tư, Nghiên cứu thay thế, điều chỉnh cơ chế, tên gọi về loại hình tổ chức “chính trị - xã hội - nghề nghiệp” cho phù hợp hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bởi yếu tố chính trị sẽ làm hạn chế  tính chất “xã hội - nghề nghiệp” luôn đề cao tính dân chủ, tình hữu ái, tính cộng đồng, nhân văn... mục tiêu hoạt động luôn hướng đến việc bồi dưỡng chuyên môn nghề nghiệp, xúc tiến thương mại, phổ biến các nghiên cứu khoa học kỹ thuật, luật pháp và phát triển kinh tế. Yếu tố không đảng phái chính trị, sẽ thúc đấy, tăng cường khả năng kêu gọi tài trợ, hợp tác, giao lưu dễ dàng hơn với các tổ chức quốc tế, cũng an toàn hơn trong quản lý.

Một số vấn đề cụ thể trước mắt.

Thứ nhất, Tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho các Hiệp hội doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn về chính sách thuế, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh cho cán bộ Hiệp hội đi công tác nước ngoài và đối tác nước ngoài đến Việt Nam hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp, hỗ trợ một phần kinh phí đối với một số hoạt động lớn của Hiệp hội ở trong nước và ngoài nước, cơ quan nhà nướ các cấp tăng cường cấp thông tin, tư vấn, định hướng trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, về các Hiệp định thương mại thế hệ mới,...

Thứ hai, Đối với những Hiệp hội doanh nghiệp có thành tích trong các hoạt động xây dựng, phát triển đời sống kinh tế - văn hoá - xã hội cần được các cấp chính quyền ghi nhận, tôn vinh, động viên khen thưởng kịp thời.

Kết luận

Xu thế thế giới hiện nay là nhà nước nhỏ, xã hội lớn. Nhà nước kiến tạo và đi sâu vào quản lý xã hội, còn việc xây dựng và phát triển xã hội sẽ dần trao lại để xã hội vận động. Xét đến tận cùng đây cũng là đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Và đó chính là yêu cầu về tư duy đổi mới trong quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động hội, để các Hiệp hội doanh nghiệp sẽ tiến tới, trở thành “vườn ươm các doanh nghiệp”, là “bệ đỡ cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo” như quan niệm chung trên thế giới hiện nay. Đồng thời Hiệp hội doanh nghiệp trở thành “sự nối dài” hay “đối tác tin cậy” của Đảng, Nhà nước trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tô Hoài Nam-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME

Trưởng Tiểu Ban Văn kiện Đại hội

[1] Ngoài những nghiên cứu của cá nhân, một số quan điểm, lý luận còn được tham khảo tổng hợp từ một số nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Một số nội dung chưa đảm bảo về chiều rộng, chiều sâu và đảm bảo được tính toàn vẹn của vấn đề đặt ra.

[2] Ở các nước châu Âu, trung bình 1.000 dân có 4 hội, trong đó, nhiều nhất là ở Phần Lan, cứ 1.000 dân có đến 20 hội; Thái Lan và Philippin 0,23 hội/1000 dân. Về số lượng Anh có 400.000 hội tự nguyện; Pháp có 730.000 hội khai báo, Đức có 36.000 hội, Nga đến 2006 có100.000 hội; Hoa Kỳ theo thống kê, năm 2008 có 984.386 tổ chức thiện nguyện, 116.890 tổ chức phúc lợi xã hội, 56.819 tổ chức lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, 71.878 liên đoàn doanh nghiệp, 56.369 câu lạc bộ xã hội và giải trí, 63.318 hội ái hữu, 35.113 hội cựu chiến binh. Trung Quốcđến cuối năm 2008 có 414.000 tổ chức xã hội, các hội có quy mô tổ chức và ảnh hưởng lớn trong xã hội được Nhà nước cấp hoàn toàn hoặc hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động. Tại Việt Nam tính đến tháng 12/2021có 93.423 hội trong đó có 571 hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh và 92.854 hội có phạm vi hoạt động tại địa phương.

[3] Quy chế Hiệp hội được ra đời từ thời thuộc Pháp; hoặc Dụ số 10 ngày 6/8/1950 của chính quyền Bảo Đại ban hành, tại Điều 1 của Dụ quy định: “Hiệp hội là hiệp ước của hai hay nhiều người thoả thuận góp kiến thức hay năng lực một cách liên tiếp để theo đuổi mục đích không phải là phân chia lợi tức như mục đích thuộc về tế tự, tôn giáo, chính trị, từ thiện, khoa học, văn hoá, mỹ nghệ, tiêu khiển…”. Tuy nhiên, hầu như tất cả các loại hình Hội, Hiệp hội là hữu danh vô thực, không theo đúng mục đích, tôn chỉ ban đầu đề ra.

[4] Điều 10 của Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20/7/1057: “Các hội có mục đích kinh tế không thuộc phạm vi quy định của Luật này”.

[5] Theo Hiến pháp năm 1980 và được khẳng định trong Điều 4 các Hiến pháp 1992, 2013, khái niệm ‘hội’ ở Việt Nam được được hiểu không bao gồm các đảng chính trị. Đồng thời tại Điều 25 Hiến pháp 2013 đã ghi nhận quyền lập hội đây là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất.

[6] Tại Việt Nam tính đến tháng 12/2021cos 93.423 hội trong đó có 571 hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh và 92.854 hội có phạm vi hoạt động tại địa phương.

[7] Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng năm 2016 chứa đựng một số điểm mới theo hướng thúc đẩy hoạt động của các hội, trong đó về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Văn kiện nêu: "Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân"; "Tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia-dân tộc". Về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, Văn kiện bổ sung quy định: “Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân”, đồng thời nêu một số nhiệm vụ, giải pháp mới để thực hiện định hướng này, trong đó bao gồm cụ thể hoá và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện…

[8] Nghi định số 45/2010/NĐ-CP(được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội quy định về tên gọi khác nhau: Hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật (gọi chung là hội).

[9] Với đặc điểm  thể chế chính trị của Việt Nam sử dụng thuật ngữ xã hội-nghề nghiệp là chính xác, không thể dùng thuật ngữ “tổ chức phi chính phủ” để định danh. Vì hiệp hội ở Việt Nam không xa với Nhà nước, mà ngược lại nói rất gần với nhà nước, trong một số trường hợp nó là đối tác của Nhà nước, trong một số trường hợp nó là sự nối dài của nhà nước. Là đoàn thể dân nhân trong khu vực của MTTQ Việt Nam.

[10] Tổ chức thiết chế xã hội: là các tổ chức, cơ quan được xây dựng, thành lập, hoạt động trong xã hội theo quy định của pháp luật. Trong đó, các tổ chức được thành lập, nhằm điều chỉnh để hướng đến cộng đồng, đến xã hội.

[11] Trong phạm vi Bài viết đi sâu về vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

[12] Hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò là trung gian hoà giải, giải quyết các bất đồng, tranh chấp giữa các doanh nghiệp hội viên, thông qua thương lượng, thoả thuận ôn hoà. Đối với những hành vi độc quyền, lũng đoạn Hiệp hội doanh nghiệp bênh vực, bảo vệ quyền của các hội viên (nhất là những vụ việc có tầm cỡ khu vực và quốc tế về thương hiệu, bản quyền gần đây...).

[13] Được thể hiện tương đối rõ tại Điều 9, Hiến pháp 2013 và  quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc. Văn kiện Đại hội X của Đảng đã ghi: “MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, vận động đoàn kết rộng dãi các tầng lớp nhân dân, đại diện cho quyền và lợi ịch hợp pháp của nhân dân”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ xung phát triển năm 2011) đã ghi đầy đủ hơn: “MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo về Tổ quốc; đại diện, bảo vệ, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”. Việc bổ xung chức năng này hoàn toàn không trồng chéo với vai trò Đảng đại diện cho nhân dân, cho toàn dân tộc với vị trí là tổ chức lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội; Nhà nước đại điện cho nhân dân với vị trí là chính quyền nhân dân, thực hiện việc ban hành chính sách, pháp luật, quản lý điều hành kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... còn MTTQ Việt Nam  là tổ chức đại diện rộng dãi cho mọi tầng lớp nhân dân, gắn kết với nhân dân, có vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nền tảng cho sự phát triển của đất nước.

[14] Thế giới thường diên đạt là khu vực nhà nước-thị trường-khu vực dân sự. Tại Việt Nam, thuật ngữ xã hội dân sự mới xuất hiện gần đây, do đó sự tiếp nhận nó nằm trong quy luật xuất hiện của cái mới, tức là còn chưa thật thống nhất về nội hàm của khái niệm cũng như về bản chất, vai trò của nó. Vì thế nên trong bài viết không sử dụng thuật ngữ này.

[15] Sau hơn 12 năm thực hiện Nghị định số:45/2010/NĐ-CP, và đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số:33/2012/NĐ-CP trong đó  nhiều nội dung không còn phù hợp, chưa bao quát, điều chỉnh được hết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Chưa thể hiện được hết chủ chương của Đảng  về hội quần chúng trong tình hình mới. Và tinh thần của Điều 25 Hiến pháp năm 2013.