Để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đầu năm 2022 Quốc hội, Chính phủ đã quyết định công bố các gói hỗ trợ về chính sách với khoảng 350.000 tỷ đồng từ ngân sách. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Đến nay, Chính phủ đã ban hành 6 nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất; 3 quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.
Dù vậy, tốc độ triển khai các hỗ trợ vẫn rất chậm. Tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vào ngày 9/6 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, tính đến hết tháng 5/2022, Chính phủ đã giải ngân khoảng 33.500 tỷ đồng trong gói phục hồi kinh tế - xã hội. Trong đó, miễn, giảm thuế, phí 22.600 tỷ đồng (đạt khoảng 35% kế hoạch). Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4.869 tỷ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình. Các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.431 người theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Giải ngân vốn đầu tư công cũng rất chậm. Tính đến 31/5/2022, đã giải ngân 22,37% kế hoạch, trong đó, vốn trong nước đạt 23,53%, vốn ODA đạt 6,26%.
Báo cáo trước đó của Chính phủ gửi Quốc hội cũng thừa nhận việc chậm triển khai gói phục hồi. Nguyên nhân được cho là có cả khách quan lẫn chủ quan, trong đó có lý do năng lực của cán bộ, có nơi có lúc còn lúng túng, chưa chủ động, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phải liên tục có 3 công điện thúc các bộ, ngành sớm trình những chính sách để triển khai. Thậm chí, ngay việc giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ cũng ra quyết định thành lập 6 tổ công tác để đôn đốc từng nơi ì ạch, chậm tiến độ.
Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội và cộng đồng DN, với khoảng 33.500 tỷ đồng, tiến độ giải ngân như vậy mới chỉ đạt khoảng 10% so với quy mô mà gói hỗ trợ đã đặt ra.
PV