Metaverse trở thành động lực tăng trưởng mới của ngành tài chính Hàn Quốc

16:03 25/08/2021

Cơn sốt “metaverse” - sự hội tụ của không gian chia sẻ vật lý ảo đang càn quét ngành tài chính của xứ sở Kim Chi. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tạo ra ngành kinh doanh mới cũng như mở rộng quy mô.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: Cho Sang-won)

Những người đứng đầu các công ty tài chính lớn, bao gồm doanh nghiệp môi giới, ngân hàng, phát hành thẻ tín dụng và bảo hiểm đã xác định metaverse là một dự án sáng kiến ​​quan trọng cho doanh nghiệp của họ. Các công ty đang tổ chức các cuộc họp trên các nền tảng metaverse nhằm đẩy mạnh giao tiếp với lứa nhân viên thuộc thế hệ MZ (kết hợp giữa Millennials và Thế hệ Z) đồng thời cố gắng gắn kết metaverse với các dịch vụ tài chính để cố gắng không bị tụt hậu trong cuộc chạy đua công nghệ.

NH Investment & Securities hiện đang chuẩn bị ra mắt nền tảng metaverse riêng biệt sớm nhất là vào cuối tháng 9. Có tên dự kiến ​​là NH Universe, dịch vụ này nhằm mục tiêu nhắm đến thế hệ MZ, vì nhóm này chiếm 52% dịch vụ giao dịch di động của công ty. Cụ thể, nền tảng metaverse sẽ tạo ra một không gian ảo mở rộng từ trụ sở thực của NH Investment, nơi có tới 2.000 khách hàng có thể tương tác đồng thời trong khi tận hưởng các dịch vụ khác nhau, chẳng hạn như hội thảo phân tích đầu tư và trò chơi.

Một lãnh đạo của NH Investment & Securities cho biết: “Khi thế hệ đầu tư chứng khoán chủ chốt đang chuyển sang thế hệ MZ, chúng tôi nhận thấy những thay đổi trong tiêu chuẩn lựa chọn dịch vụ tài chính của khách hàng. Công ty có kế hoạch biến các trải nghiệm đầu tư trở nên thú vị và dễ dàng với các dịch vụ nền tảng kỹ thuật số đa dạng”.

IBK Investment & Securities đã hợp tác với MetaCity Forum, một không gian ảo cung cấp nhiều loại dịch vụ, bao gồm giải trí, thương mại điện tử và du lịch. Công ty sẽ cung cấp các dịch vụ tài chính ảo cho dự án metaverse và khởi chạy nền tảng riêng cũng như để thu hút thêm thế hệ trẻ. Son Hyun-sang, phó chủ tịch của công ty cho hay: “Do metaverse mở ra chìa khóa cho ngành công nghiệp tương lai, công ty hy vọng sẽ cung cấp một hướng đi mới thông qua dự án MetaCity Forum”.

Tương tự, nhiều ngân hàng cũng đang chuẩn bị các dịch vụ metaverse. Ngân hàng Shinhan là một trong những ngân hàng trong nước tích cực áp dụng các sáng kiến ​​theo chủ đề metaverse nhất, với kế hoạch phát triển nền tảng cung cấp chi nhánh ngân hàng ảo và giáo dục tài chính. Shinhan cũng có kế hoạch trở thành ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ metaverse cho các trường đại học khách hàng. Ngân hàng tin rằng thế hệ MZ là chìa khóa của nền tảng kỹ thuật số. Phía Shinhan chia sẻ metaverse của ngân hàng dự kiến sẽ được hoàn thành vào nửa đầu năm sau: “Thế hệ MZ đang rất hào hứng với môi trường metaverse và nhiều nội dung khác. Ngân hàng nhận thấy tiềm năng to lớn và chúng tôi có kế hoạch nâng cao khả năng cạnh tranh”.

Ngân hàng Hana đã ra mắt nhóm đặc nhiệm đổi mới kỹ thuật số, tập trung vào việc phát triển các sáng kiến ​​tổng hợp. NongHyup Bank tổ chức một cuộc họp tại Zepetto, một nền tảng metaverse trở thành nơi trao thưởng cho các nhân viên đạt thành tích trong lĩnh vực số hóa. Bên cạnh đó, Kwon Jun-hak, giám đốc điều hành của ngân hàng cho hya: “"Bắt đầu với chi nhánh Dokdo, NongHyup Bank tiếp tục mở các chi nhánh ảo mới, sẽ được mở rộng thành nền tảng metaverse”.

Theo một báo cáo gần đây của KTB Investment & Securities, thị trường toàn cầu cho thực tế mở rộng (XR), bao gồm thị trường thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), sẽ tăng lên 1,5 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2030, từ 47 tỷ đô vào năm 2019, chủ yếu là do mở rộng metaverse.

TL