Lý do đằng sau những hạn chế đầu tư và xuất khẩu chip của Mỹ với Trung Quốc

20:53 13/08/2023

Các lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ nhắm đến Trung Quốc mà Mỹ thực hiện thời gian qua là một trong những nước đi nguy hiểm đối với lĩnh vực bán dẫn Trung Quốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Người đứng đầu một trong những nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc tin rằng các hạn chế đầu tư và xuất khẩu leo ​​thang của Washington đang phản ánh mục tiêu thực sự của Mỹ - giữ cho công nghệ sản xuất chip của Trung Quốc đi sau ngành công nghệ tiên tiến ít nhất 5 thế hệ.

Gerald Yin Zhiyao, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty Advanced Micro-Fabrication Equipment Inc China (AMEC) đã đưa ra nhận xét này tại Hội nghị thường niên về thiết bị bán dẫn Trung Quốc mới đây ở Vô Tích, một thành phố gần Thượng Hải ở miền đông Trung Quốc. Ông đề cập đến các hạn chế xuất khẩu của Hoa Kỳ được áp đặt vào tháng 10 năm ngoái, diễn ra trước một đợt leo thang khác trong tuần này khi chính quyền Biden tiết lộ kế hoạch hạn chế đầu tư vào Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm bao gồm cả chip bán dẫn.

“Các quy tắc tháng 10 đã thực sự phơi bày ý định thực sự của Hoa Kỳ, nhằm mục đích hạn chế việc sản xuất chip của Trung Quốc trên tiến trình 28 nanomet, kém ít nhất năm thế hệ so với lợi thế dẫn đầu toàn cầu từ 3nm đến 14nm”, Yin chia sẻ trong cuộc phỏng vấn tại Hội nghị. "Chúng tôi không thể chấp nhận điều này", ông nói thêm.

Gerald Yin Zhiyao, Chủ tịch kiêm CEO của AMEC
Gerald Yin Zhiyao, Chủ tịch kiêm CEO của AMEC.

Theo ông Zhiyao, các lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ nhắm đến Trung Quốc mà Mỹ thực hiện thời gian qua, trong đó có lệnh hành pháp được Tổng thống Joe Biden ký ngày 9/8, là một trong những nước đi nguy hiểm đối với lĩnh vực bán dẫn Trung Quốc.

Ông Zhiyao, với hơn 20 năm kinh nghiệm sản xuất chip và từng làm việc cho Applied Materials - tập đoàn Mỹ chuyên cung cấp thiết bị, dịch vụ và phần mềm để sản xuất bán dẫn, thừa nhận Trung Quốc còn phụ thuộc Mỹ và điều này khó thay đổi trong tương lai gần. Ông ví dụ, việc mua thiết bị bán dẫn từ các công ty Trung Quốc chỉ chiếm 15%, trong khi 85% máy móc còn lại đến từ Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản.

"Đó là lý do Mỹ cần Nhật Bản và Hà Lan cùng tham gia hạn chế sự phát triển của chúng tôi", ông nói.

Theo các chuyên gia trong ngành tham dự hội nghị, các hãng cung cấp thiết bị bán dẫn Trung Quốc vẫn tụt hậu so với các công ty cùng ngành trên toàn cầu về cả thị phần và mức độ tinh vi của công nghệ. Các nhà cung cấp thiết bị sản xuất bán dẫn Trung Quốc hầu như không có sự hiện diện trên thế giới trong một số phân khúc, chẳng hạn in thạch bản. Bắt kịp những lĩnh vực này là cuộc chiến khó khăn với các công ty Trung Quốc trong môi trường địa chính trị ngày càng tồi tệ, đang vắt kiệt nguồn vốn và hợp tác công nghệ từ nước ngoài.

Li Jinxiang, Phó tổng thư ký China Electronic Production Equipment Industry (Hiệp hội Công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử Trung Quốc), nói một số thiết bị của Trung Quốc không đáp ứng được nhu cầu hiệu suất của các nhà máy sản xuất chip.

“Thật lãng phí khi một chiếc máy in thạch bản trị giá 1 tỉ nhân dân tệ (138,7 triệu USD) của ASML phải đợi máy phủ và phát triển đĩa bán dẫn được sản xuất trong nước bắt kịp tốc độ”, Li Jinxiang nói, đề cập đến công ty Hà Lan gần như độc quyền về các máy in thạch bản tiên tiến nhất.

Li Jinxiang giải thích máy in thạch bản của ASML có khả năng xử lý 350 đĩa bán dẫn 12 inch mỗi giờ, trong khi các máy phủ và phát triển đĩa bán dẫn do Trung Quốc sản xuất không thể đạt được tốc độ đó.

Máy phủ và phát triển đĩa bán dẫn này có vai trò quan trọng trong các quy trình sản xuất chip, đảm bảo rằng các bước chế tạo và tạo mẫu trên đĩa bán dẫn được thực hiện chính xác và hiệu quả.

Trong khi đó, ông Zhiyao cũng cho rằng Trung Quốc có thể phát triển thành công các thiết bị đúc chip có khả năng cạnh tranh với sản phẩm toàn cầu vài năm tới, khi nhiều chuyên gia Trung Quốc được đào tạo ở Mỹ đang trở về nước. "Khi đó, sử dụng thiết bị sản xuất chip để kìm hãm sự tiến bộ của Trung Quốc sẽ không còn mang lại kết quả tốt", ông cho hay.

Lệnh hành pháp do ông Biden ký ngày 9/8 sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới. Trong thời gian này, Nhà Trắng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp trong nước thông báo cho chính phủ về khoản đầu tư vào Trung Quốc ở ba lĩnh vực gồm chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Theo Reuters, động thái trên sẽ khiến nhiều doanh nghiệp chọn đứng ngoài cuộc vì lo sợ các biện pháp cứng rắn hơn nữa đang đợi ở phía trước. "Một số nhà đầu tư Mỹ chỉ có thể chờ xem quy tắc mới sẽ được thực thi thế nào trước khi đưa ra quyết định", Weiheng Chen của công ty luật Wilson Sonsini nói.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Pan Yuan tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng cách tốt nhất để chống lại các hạn chế của Mỹ là tập trung vào việc cải thiện năng lực công nghệ trong nước.

Thu Hằng (t/h)