Lời khuyên hữu ích khi đàm phán về mức lương

10:54 28/10/2022

Trước khi đi phỏng vấn, điều cốt yếu là hãy tìm hiểu về công ty và mặt bằng lương cho vị trí mà bạn ứng tuyển với nền tảng kiến thức và kinh nghiệm mà bạn đã có.

Đàm phán lương là kỹ năng không phải ai cũng thành thạo. Nhà tuyển dụng thường dựa trên khung lương nội bộ, cạnh tranh thị trường, năng lực ứng viên... để đưa ra mức chi trả.

Trước khi đi phỏng vấn, điều cốt yếu là hãy tìm hiểu về công ty và mặt bằng lương cho vị trí mà bạn ứng tuyển với nền tảng kiến thức và kinh nghiệm mà bạn đã có. Có một mức lương trong tâm trí và được chuẩn bị để thảo luận những con số này một lần nữa khi cuộc đàm phán về lương diễn ra. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Theo ông Bùi Đoàn Chung - Founder & CEO Nghề Nhân sự Việt Nam, về nguyên tắc, nhà tuyển dụng dựa vào khung lương nội bộ để đưa ra mức lương cho ứng viên (một số công ty có quy định về dải lương cho từng vị trí, cấp bậc).

Tại một số công ty, khi đưa ra mẫu ứng tuyển, ứng viên đã điền thông tin về mức lương mong đợi ngay từ vòng này. Vòng phỏng vấn chỉ để xác nhận lại mức lương mong đợi của ứng viên cùng các phúc lợi, chế độ, quyền lợi khác có liên quan.

Nếu mức lương mong đợi của ứng viên vượt quá mức lương cao nhất hoặc nằm ngoài khung lương này, nhà tuyển dụng sẽ từ chối. Nếu chấp nhận mức lương quá cao đồng nghĩa với tính ổn định của hệ thống lương bị phá vỡ.

Ngoài ra, mức lương phụ thuộc nhiều vào năng lực thực tế của ứng viên và giá trị công việc tại từng công ty, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng còn tham khảo mức lương thị trường để thu hút ứng viên và đề xuất mức lương hợp lý nhất.

Mức lương ở một số vị trí sẽ không giống nhau trong tổng thu nhập hàng tháng. Nếu vị trí là nhân viên kinh doanh, bán hàng hoặc trong thu nhập có hoa hồng, thưởng… mức lương cứng thường không cao. Do vậy, việc mong đợi về mức lương còn tùy thuộc vào vị trí nào.

Hãy tham khảo 11 lời khuyên hữu ích sau:

1. Biết chắc chắn về mức lương tối thiểu bạn muốn nhận

Biết rõ về mức lương thấp nhất có thể giúp bạn trang trải cuộc sống. Vậy hãy quyết định về mức lương bạn muốn, bạn cần gì cho cuộc sống của bạn và điều gì khiến bạn sẵn sàng gắn bó lâu dài với công ty trước khi tham gia buổi phỏng vấn.

2. Khẳng định bản thân

Nhấn mạnh những lý do bạn xứng đáng được nhận, dẫn chứng kỹ năng và thành tích của bạn bằng tài liệu và chuẩn bị thật kĩ để trình bày điều đó.

3. Không bao giờ thảo luận về lương bổng khi bạn chưa nhận được lời đề nghị

Nếu bạn làm vậy, bạn có thể tự đánh giá bạn quá cao trước khi nhà tuyển dụng bị thuyết phục rằng họ cần bạn. Nếu chính nhà tuyển dụng đưa ra vấn đề đó, hãy cho họ biết bạn rất linh hoạt và sẵn lòng thảo luận về lương bổng sau khi bạn tìm hiểu thêm về công việc.

4. Hãy để nhà tuyển dụng tiết lộ về mức lương trước khi bạn làm điều đó

Đừng trở thành người đầu tiên đề cập đến tiền lương trong buổi phỏng vấn. Hãy để nhà tuyển dụng đưa nó ra số lần đề nghị cần thiết cho đến khi bạn sẵn sàng.

5. Khi được hỏi về mức lương mong muốn

Cách tốt nhất là đá quả bóng đó về cho nhà tuyển dụng, bạn có thể hỏi lại: “Mức lương mà ông đang trả cho vị trí này là bao nhiêu?” hoặc “Tôi muốn mức lương giống như những nhân viên có cùng trình độ với tôi.” hoặc “Mức lương trung bình cho vị trí này là bao nhiêu?” Một cách khác để tránh việc phải đưa ra mức lương cụ thể là đưa ra một khoảng lương. Hãy nói: “Tôi đã nghĩ đến mức lương trong khoảng ...”.

6. Không tiết lộ chính xác mức lương quá khứ

Một khi bạn công khai mức lương cũ của bạn thì việc đàm phán của bạn nắm chắc. Bằng cách không tiết lộ chính xác mức lương hiện tại hoặc chinh xác điều gì khiến cho bạn rời bỏ công việc hiện tại, bạn sẽ buộc nhà tuyển dụng tiềm năng đưa cho bạn lời đề nghị hấp dẫn hơn.

7. Đừng bỏ qua giá trị của các khoản phụ cấp và bổng lộc khi đàm phán lương

Đôi khi mức lương đề nghị khá thấp khiến cho bạn từ chối công việc đó. Tuy nhiên các khoản phụ cấp và bổng lộc thêm vào khiến mức lương cơ bản tăng thêm đến 40%. Một số khoản bổng lộc là cố định, nhưng những khoản khác có thể đàm phán được ví dụ như quyền lựa chọn mua bán cổ phiếu, tiền thưởng, giảm giá sản phẩm cho nhân viên, đào tạo, thời gian nghỉ lễ và nghỉ ốm…

8. Tạo không khí thân thiện khi thảo luận về lương

Bạn hãy khiến cho nhà tuyển dụng cảm thấy rằng bạn đang đứng về phía họ và cùng chung sức để tìm ra con số khiến cả hai bên cùng vừa lòng.

9. Đừng vội đồng ý ngay khi nhận được lời đề nghị

Tỏ ra nhiệt tình và hào hứng khi bạn nhận được lời mời làm việc, tuy nhiên yêu cầu có ít nhất 24h để đưa ra câu trả lời. Điều này cho bạn thời gian để ra khỏi niềm vui ban đầu khi được lựa chọn. Nếu bạn cảm thấy mức lương chưa thỏa đáng, hãy bày tỏ sự quan tâm của bạn với nhà tuyển dụng khi xin thêm thời gian để cân nhắc về lời đề nghị. Bạn sẽ biết ngay liệu mức lương đưa ra không thể hay có thể thay đổi.

10. Xác nhận bằng văn bản

Một khi bạn đã đồng ý nhận việc với mức lương thỏa thuận, hãy chắc chắn điều đó được xác nhận trên văn bản.

11. Từ chối nhận việc

Nếu bạn quyết định không nhận việc làm đó, hãy từ chối sao cho khéo léo. Hãy tỏ ra nghiêm túc và hòa nhã. Bạn không thể biết chắc rằng ai có thể sẽ trở thành đối tác kinh doanh của bạn trong tương lai do vậy đừng vội "qua cầu rút ván".

Theo ông Bùi Đoàn Chung, nhà tuyển dụng chấp nhận mức lương đề xuất căn cứ trên hai vấn đề.
Thứ nhất, mức lương ứng viên đề xuất so với thị trường hoặc vị trí tương đương ra sao. Thông thường, một số ứng viên mong đợi mức lương mới cao hơn mức lương cũ từ 20-30%.

Tuy nhiên, giá trị công việc, quy mô công ty, phạm vi công việc hay mức lương áp dụng (một số công ty có lương thấp hơn nhưng phúc lợi tốt, tổng thu nhập theo năm cao hơn vì có thưởng thêm…), các chế độ phúc lợi, cơ hội học tập, phát triển bản thân, thăng tiến hoặc văn hoá doanh nghiệp cũng là những yếu tố cần cân nhắc kỹ.

Thứ hai, ứng viên hãy cho nhà tuyển dụng thấy giá trị mang lại cho công ty thay vì đòi hỏi hoặc đưa ra mức lương không phù hợp do thiếu thông tin.

"Bạn có thể phân tích cho nhà tuyển dụng thấy với những yêu cầu của doanh nghiệp, bạn có thể làm được gì, kế hoạch của bạn ra sao và tự tin vào năng lực thực thi của bản thân trong quá khứ", ông Chung nói.

Tuy nhiên, nếu thấy công ty có nhiều điểm tốt, phù hợp với mục tiêu công việc hoặc cơ hội khác, ứng viên có thể xem xét nhận mức lương thấp hơn trong thời gian thử việc. Sau đó, có thể chứng minh năng lực làm việc để trước khi kết thúc thời gian thử việc, bạn có quyền đàm phán lại mức lương mong đợi dựa vào kết quả làm việc thực tế.

“Lưu ý, mức lương ban đầu chỉ là một phần trong tổng đãi ngộ của doanh nghiệp, đồng thời là bước cần phải cân nhắc vượt qua. Nếu đủ khả năng, tự tin vào bản thân, doanh nghiệp có tiềm năng đáp ứng và tạo điều kiện để có mức thu nhập lớn hơn, nhanh hơn mức lương kỳ vọng ở hiện tại, bạn nên thử”, ông Chung đưa ra lời khuyên.

Bảo Khánh (T/h)