![]() |
Mùa hè ăn mít có nóng, có bị nổi mụn không? |
Mít là loại quả ngon, Việt Nam có rất nhiều loại mít, từ mít mật, mít dai, mít tố nữ, mít nghệ,... Không chỉ là loại trái cây để ăn mà theo Y học cổ truyền, quả mít cũng là một vị thuốc đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như chữa được ngộ độc rượu, giảm cân và làm đẹp da.
Lá mít được dùng làm nước uống để lợi sữa cho sản phụ sau sinh và làm lành các vết thương hở. Còn hạt mít có giá trị dinh dưỡng tốt không kém các loại lương thực (trong 100g hạt mít khô có 70% tinh bột, 5,2g protid, 0,62g lipit) nên được nhân dân ta luộc, hấp cơm hoặc nướng ăn rất phổ biến.
![]() |
Lợi ích của quả mít đối với sức khoẻ. |
Cung cấp năng lượng: Mít chứa nhiều carbohydrates (chiếm 92% nguồn dinh dưỡng), đường fructose và sucrose nên có thể cung cấp năng lượng tức thời cho bạn hoạt động mỗi ngày. Một chén mít chứa khoảng 40 gm carbohydrates.
Phòng ngừa các bệnh về tuyến giáp: Trong thành phần của mít chứa nhiều đồng, khoáng chất giúp cơ thể bạn hấp thu, điều hòa và tổng hợp các hormon tuyến giáp, từ đó phòng ngừa bệnh về tuyến giáp một cách hiệu quả.
Tăng cường sức đề kháng: vitamin C có trong mít giúp tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, mít còn có các loại đường đơn giản, có thể cải thiện hệ miễn dịch rất tốt.
Tăng cường sức khỏe tim mạch: Mít rất giàu một số chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe tim mạch, bao gồm kali. Kali là một khoáng chất thiết yếu được biết đến với tác dụng điều hòa huyết áp bằng cách làm giãn mạch máu và thúc đẩy bài tiết natri qua nước tiểu.
Tốt cho xương: Magie trong mít giúp cơ thể bạn hấp thụ canxi. Điều này giúp xương chắc khỏe và ngăn ngừa các tình trạng như loãng xương.
Cải thiện chức năng thị giác: Những hợp chất chống oxy hóa có trong mít như flavonoid và phenols giúp loại bỏ các gốc oxy tự do - nguyên nhân gây ra sự thoái hóa các tế bào võng mạc, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Mít có thể cung cấp khoảng 10% nhu cầu vitamin A hàng ngày cho cơ thể.
Chữa bệnh thiếu máu: Mít rất giàu vitamin A, C, E, K cũng như axit folic, niacin và vitamin B6, ngoài ra cũng chứa mangan, magiê, đồng và sắt, rất cần thiết cho sự tổng hợp của các tế bào hồng cầu (RBC) và hemoglobin, từ đó giúp chữa trị và ngăn ngừa bệnh thiếu máu.
Nhiều quan niệm cho rằng những loại trái cây vị ngọt như mít thường có tính nóng, ăn vào dễ nổi mụn, bốc hỏa. Sự thật là gì? Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, mít không hề gây nóng cho cơ thể. |
Nhưng phân tích kỹ lưỡng thì trái cây chứa nhiều đường có thể gián tiếp gây nóng trong người. Khi chỉ số đường huyết tăng cao và chuyển hóa thành năng lượng, cơ thể sẽ tăng sinh nhiệt gây ra cảm giác nóng nực. Mít có hàm lượng đường ở mức trung bình, GI bằng 50 - 60 trên thang điểm 100. Ăn nhiều mít có thể làm tăng đường huyết khiến người ăn thấy nóng.
Vậy tại sao nhiều người bị nổi mụn khi ăn mít? Thực tế thì ăn mít quá nhiều có thể gián tiếp sinh nhọt, nổi mụn do đường huyết tăng cao tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, nhất là tụ cầu - nguyên nhân gây nên tình trạng mụn nhọt, chốc lở.
Theo Healthline, những người bị nóng trong, cơ thể hay nổi mụn thì sau khi ăn mít nên bổ sung thêm nhiều nước và ăn nhiều rau xanh để làm dịu mát cơ thể.
Sau khi ăn mít, tốt nhất bạn nên uống đủ từ 2 - 2,5 lít nước và bổ sung thêm 200 - 300gr rau xanh trong ngày để hạn chế tối đa nguy cơ mụn nhọt sau mỗi lần ăn mít.
Ngoài ra, bạn không nên ăn nhiều mít cùng một lúc. Vì ăn quá nhiều mít trong một thời điểm có thể làm lượng đường trong máu tăng cao, gây nóng gan, hại thận. Mỗi ngày, chỉ nên ăn khoảng 80 - 100gr mít (tương đương khoảng 4 - 5 múi) là đủ.
Đặc biệt, tuyệt đối không ăn mít khi đói. Bạn chỉ nên ăn mít sau khi ăn cơm một hoặc hai giờ, nhất là vào mùa nóng để tránh gây hại cho sức khoẻ.
Ăn ăn mít kèm hoa quả khác sẽ cung cấp thêm vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, giúp cơ thể cân bằng được lượng chất hấp thụ vào cơ thể.
* Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!