Nhân dịp Thư Trà Quán vừa hoàn thiện một không gian mới tại Hà Nội, phóng viên đã có cuộc trao đổi với anh Đỗ Thành Công – Trà nghệ gia Đỗ Công về ý tưởng kinh doanh bắt nguồn từ chiều sâu văn hoá mà anh đang xây dựng.
![]() |
Trà nghệ gia Đỗ Công và ý tưởng kinh doanh từ chiều sâu văn hoá |
Từ lĩnh vực báo chí nghiên cứu về quyền con người, văn hóa, tôn giáo, dân tộc, anh rẽ ngang sang con đường của một Trà nhân và xây dựng thương hiệu Thư Trà Quán. Điều gì đã thôi thúc anh chuyển mình sang lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm văn hóa, đặc biệt với mô hình Thư Trà Quán?
Trà nghệ gia Đỗ Công: Thực ra, sự chuyển dịch này với tôi không phải là một bước ngoặt đột ngột, mà là một hành trình tự nhiên. Suốt những năm làm báo, đi sâu vào các vấn đề về con người và văn hóa, tôi nhận thấy một điều cốt lõi đó là, giá trị văn hóa truyền thống là một nguồn lực vô cùng mạnh mẽ. Nó không chỉ định hình bản sắc, mà còn là điểm tựa tinh thần, là nguồn sống cho con người, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn.
Tôi cũng nhận ra rằng, trong xã hội hiện đại, nhu cầu tìm về những giá trị chân thực, có chiều sâu đang ngày càng lớn, nhất là khi cuộc sống vật chất đã đủ đầy hơn. Cá nhân tôi, với cội rễ từ nếp uống chè tươi giản dị của gia đình ở Xứ Đoài và hành trình 10 năm (từ năm 2015 đến nay) gắn bó sâu sắc hơn với trà cùng các yếu tố văn hóa khác, tôi thấy mình có một sự đa cảm và khả năng "nhập vai" nhất định để thấu hiểu những giá trị đó.
Bối cảnh hiện tại, với chủ trương rõ ràng của nhà nước và xã hội về phát triển kinh tế tư nhân và công nghiệp văn hóa, là một động lực rất lớn. Tôi tin rằng, văn hóa không phải là thứ bảo tồn trong bảo tàng, mà hoàn toàn có thể trở thành nền tảng cho các mô hình kinh doanh bền vững, tạo ra giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Thư Trà Quán ra đời cách đây 7 năm (năm 2018) chính là hiện thực hóa niềm tin đó – tạo lập một không gian và chuỗi sản phẩm kinh doanh dựa trên chiều sâu văn hóa truyền thống.
![]() |
Đến Thư Trà Quán, khách hàng, họ tìm thấy sự bình yên, sự kết nối, sự trân quý những điều giản dị. |
Vậy Thư Trà Quán hiện đang kinh doanh những sản phẩm và dịch vụ văn hóa cụ thể nào? Anh làm thế nào để đưa cái "hồn", các hàm lượng văn hóa vào những sản phẩm này?
Trà nghệ gia Đỗ Công: Sản phẩm cốt lõi của chúng tôi xoay quanh trà truyền thống Việt Nam, đặc biệt là những dòng trà chất lượng cao được chế tác thủ công tỉ mỉ. Tuy nhiên, chúng tôi không chỉ bán trà. Chúng tôi tạo ra một hệ sinh thái sản phẩm và trải nghiệm dựa trên văn hóa truyền thống. Đó là các sản phẩm từ giấy dó cổ truyền, tranh sơn mài truyền thống, gốm nung củi thủ công, các tác phẩm thư pháp chữ Việt, và tất nhiên là trà truyền thống được tuyển chọn và chế biến kỹ lưỡng.
Cách chúng tôi đưa chiều sâu văn hóa vào sản phẩm nằm ở quá trình tạo ra tác phẩm. Đối với tôi, mỗi sản phẩm là một "tác phẩm". Từ việc chọn nguyên liệu (búp trà tươi ngon nhất, giấy dó từ làng nghề truyền thống...), đến việc tự tay hoặc cùng những người thợ lành nghề tham gia vào quá trình chế tác (sấy, vò trà; làm tranh; nặn gốm...), cho đến cách trình bày và câu chuyện kể về sản phẩm – tất cả đều được làm bằng sự chú tâm, cẩn trọng và đặt cả trái tim vào đó.
Chúng tôi không sản xuất hàng loạt theo kiểu công nghiệp đơn thuần, mà tập trung vào giá trị thủ công, tính độc đáo và câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm. Khi khách hàng cầm trên tay một sản phẩm của Thư Trà Quán, chúng tôi muốn họ cảm nhận được không chỉ là chất liệu, mà còn là năng lượng, là tâm huyết, là một phần hồn cốt văn hóa Việt.
![]() |
Thư Trà Quán tại các căn tập thể cũ Hà Nội - không gian trải nghiệm đời sống nghệ thuật với các chất liệu giản dị |
Mô hình kinh doanh dựa trên chiều sâu văn hóa và thủ công này chắc hẳn phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là về chi phí sản xuất, giá thành và khả năng cạnh tranh trên thị trường?
Trà nghệ gia Đỗ Công: Vâng, khó khăn là điều không thể tránh khỏi, và chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục đối diện với rất nhiều thách thức.
Đầu tiên là chi phí sản xuất. Việc sử dụng nguyên liệu truyền thống chất lượng cao, kết hợp với kỹ thuật thủ công tỉ mỉ, đòi hỏi thời gian, công sức và chi phí nguyên liệu cao hơn rất nhiều so với sản xuất công nghiệp. Điều này trực tiếp đẩy giá thành sản phẩm lên cao, khiến nó trở thành một rào cản đối với một bộ phận khách hàng.
Thứ hai là thị trường và nhận thức của người tiêu dùng. Mặc dù nhu cầu tìm về văn hóa đang tăng, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng chi trả cho giá trị văn hóa ẩn trong sản phẩm. Việc giáo dục thị trường, giúp khách hàng phân biệt được giá trị thực của sản phẩm thủ công, sản phẩm văn hóa có chiều sâu so với hàng hóa sản xuất công nghiệp hay hàng nhái là một quá trình dài hơi và tốn kém.
Thứ ba là khó khăn trong việc mở rộng quy mô. Mô hình dựa trên thủ công và sự chú tâm cá nhân rất khó để nhân rộng một cách nhanh chóng mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng và "hồn" của sản phẩm. Việc tìm kiếm và đào tạo những cộng sự có tâm huyết và tay nghề phù hợp cũng là một thách thức.
Cuối cùng là sự cạnh tranh. Thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm na ná, đôi khi là sao chép ý tưởng, nhưng lại có giá thành rất rẻ do sản xuất hàng loạt hoặc sử dụng nguyên liệu kém chất lượng. Cạnh tranh với những sản phẩm này đòi hỏi sự khác biệt rõ nét về giá trị và câu chuyện thương hiệu.
Đối mặt với những khó khăn đó, điều gì giúp anh và Thư Trà Quán giữ vững quyết tâm theo đuổi con đường phát triển các sản phẩm văn hóa này?
Trà nghệ gia Đỗ Công: Điều giữ chân chúng tôi, đó chính là niềm tin sâu sắc vào giá trị bền vững của văn hóa truyền thống. Tôi tin rằng, những sản phẩm được tạo ra từ sự chân thật, từ tâm huyết, và mang trong mình câu chuyện của văn hóa dân tộc sẽ luôn có một chỗ đứng trong lòng những người biết trân quý giá trị thực.
Hơn nữa, tôi nhìn thấy được sự chuyển hóa tích cực ở những khách hàng, những người bạn khi họ trải nghiệm không gian và sản phẩm của Thư Trà Quán. Họ tìm thấy sự bình yên, sự kết nối, sự trân quý những điều giản dị. Đó không chỉ là kinh doanh, đó là việc lan tỏa một lối sống, một năng lượng tích cực. Cái gọi là "đời sống nghệ thuật" hay "đời sống tần số năng lượng cao" mà tôi đang theo đuổi, nó không chỉ là triết lý cá nhân, nó đang được hiện thực hóa thông qua những sản phẩm và không gian cụ thể, và nó mang lại giá trị thật cho cộng đồng.
Anh vừa hoàn thiện không gian mới, cũng là nơi hợp nhất những "tác phẩm" của mình. Việc mở rộng và đầu tư vào các không gian vật lý, đặc biệt là ở những địa điểm mang tính biểu tượng như nhà tập thể cũ ở Hà Nội, có ý nghĩa chiến lược gì trong mô hình kinh doanh của anh?
Trà nghệ gia Đỗ Công: Việc mở rộng không gian, đặc biệt là ở những địa điểm giàu tính lịch sử và văn hóa như nhà tập thể cũ Hà Nội, là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển. Nó không chỉ là nơi trưng bày sản phẩm, mà là nơi để khách hàng được trải nghiệm một cách trọn vẹn "đời sống nghệ thuật", "tần số năng lượng cao" mà chúng tôi đang xây dựng.
Những không gian này là những "pháp" hữu hình, nơi chúng tôi dùng trà, không gian sắp đặt, âm nhạc, nghệ thuật truyền thống... để tạo ra một môi trường giúp khách hàng sống chậm lại, kết nối sâu, và từ đó có thể khai mở trí tuệ, tư duy cho chính họ. Việc làm mới những không gian nhà tập thể cũ là cách chúng tôi thổi hồn và sức sống mới không chỉ cho những kiến trúc mang tính biểu tượng của Hà Nội xưa, mà còn là cách để câu chuyện văn hóa truyền thống được kể lại trong một ngữ cảnh đương đại, gần gũi hơn với đời sống hôm nay.
Đó là sự tạo ra giá trị kép: vừa bảo tồn và làm mới di sản đô thị, vừa xây dựng một điểm đến văn hóa có khả năng sinh lời và phát triển bền vững.
Việc không gian mới hoàn thiện vào dịp 50 năm Ngày Thống nhất đất nước, 10 năm tôi với trà, 7 năm Thư Trà Quán, mang ý nghĩa của sự hợp nhất và toàn vẹn – không chỉ trong hành trình cá nhân mà còn là sự gắn kết giữa câu chuyện kinh doanh của Thư trà quán với dòng chảy lịch sử và văn hóa của Thủ đô.
Nhìn về tương lai, anh hình dung như thế nào về sự phát triển của Thư Trà Quán và vai trò của những doanh nghiệp như anh trong bức tranh công nghiệp văn hóa Việt Nam?
Trà nghệ gia Đỗ Công: Tôi tin rằng, con đường kinh doanh dựa trên chiều sâu văn hóa, dù nhiều thách thức, nhưng là một con đường có tiềm năng rất lớn và ý nghĩa bền vững. Thư Trà Quán không đặt mục tiêu phải phát triển thật nhanh, thật lớn về quy mô số lượng. Chúng tôi tập trung vào chiều sâu, vào chất lượng, vào câu chuyện và vào năng lượng mà chúng tôi mang lại cho khách hàng.
Tôi hy vọng Thư Trà Quán có thể trở thành một minh chứng cho thấy hoàn toàn có thể xây dựng một thương hiệu Việt mạnh, có khả năng cạnh tranh, dựa trên việc khai thác một cách tinh tế và sáng tạo kho tàng văn hóa đồ sộ của dân tộc. Những doanh nghiệp như chúng tôi, tuy quy mô có thể chưa lớn, nhưng lại là những đơn vị tiên phong, góp phần định hình một phân khúc thị trường mới, giáo dục thị trường và quan trọng nhất, góp phần làm sống dậy những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại, biến chúng thành nguồn lực cho sự phát triển kinh tế và xã hội theo đúng định hướng của Nhà nước. Tôi tin vào con đường này và sẽ quyết tâm theo đuổi nó đến cùng.
Cảm ơn anh!