Đây là di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam được UNESCO ghi danh, đồng thời là di sản liên tỉnh thứ hai, sau Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, thuộc Quảng Ninh và Hải Phòng. Sự kiện này đánh dấu thành tựu nổi bật trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa – lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
Phật giáo Trúc Lâm: Giá trị tinh thần nhân loại và bản sắc văn hóa Việt
Quần thể di tích Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc gắn liền với sự ra đời, phát triển của Phật giáo Trúc Lâm – dòng thiền mang bản sắc riêng của dân tộc, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào thế kỷ XIII. Không chỉ là hệ thống di tích tôn giáo – tâm linh, nơi đây còn là trung tâm truyền bá triết lý sống hài hòa, khoan dung, nhân ái, đề cao sự tự chủ và hòa bình – những giá trị trùng hợp sâu sắc với các nguyên tắc cốt lõi của UNESCO.
![]() |
Đoàn công tác của Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới tại Pháp |
Được hình thành từ không gian linh thiêng trên dãy núi Yên Tử kéo dài tới các di tích Chùa Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn – Kiếp Bạc, hệ thống đền, chùa, tháp, bia đá, mộc bản và nghi lễ nơi đây đã phản ánh đầy đủ tiến trình lịch sử của Thiền phái Trúc Lâm – từ thành lập, phát triển, phục hưng đến lan tỏa trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt.
UNESCO ghi nhận quần thể này theo hai tiêu chí nổi bật: Tiêu chí (iii): Là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa nhà nước, tôn giáo và nhân dân – tạo nên một truyền thống văn hóa đặc biệt, góp phần định hình bản sắc dân tộc, thúc đẩy hòa bình trong khu vực; tiêu chí (vi): Cho thấy ảnh hưởng toàn cầu của Phật giáo Trúc Lâm – một dòng Phật giáo bản địa, kết hợp tư tưởng Đại thừa với triết lý Nho – Lão và tín ngưỡng dân gian, đã định hình hệ giá trị sống nhân văn, hướng thiện và yêu chuộng hòa bình.
Với 12 cụm di tích phân bố trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương – bao gồm: Yên Tử, Nhà Trần ở Đông Triều, Chùa Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà, Côn Sơn – Kiếp Bạc, Chùa Thanh Mai… – di sản còn gắn liền với hệ thống nghi lễ, bảo vật quốc gia và cảnh quan văn hóa – thiên nhiên nguyên sơ, hài hòa.
Thành công từ nỗ lực bền bỉ và sự phối hợp chặt chẽ nhiều cấp
Phát biểu tại Kỳ họp, bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban điều hành xây dựng hồ sơ – chia sẻ: “Hồ sơ được chuẩn bị công phu, bài bản trong nhiều năm. Thời khắc UNESCO gõ búa ghi danh là niềm tự hào lớn lao với chính quyền, nhân dân ba địa phương và cả nước.”
Từ năm 2013, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, các chuyên gia trong và ngoài nước để hoàn thiện hồ sơ, nghiên cứu giá trị nổi bật toàn cầu, bảo vệ trước UNESCO.
Thành công này cũng ghi dấu ấn sự quan tâm đặc biệt từ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Phái đoàn Việt Nam tại Paris. Ngoài ra, sự hỗ trợ chuyên môn của ICOMOS, các tổ chức quốc tế và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Sự kiện không chỉ nâng tầm vị thế di sản Việt Nam mà còn thúc đẩy phát triển bền vững cộng đồng, thông qua du lịch văn hóa và bảo tồn di sản. Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa năm 2024, với nội luật hóa các quy định quốc tế, sẽ là công cụ quan trọng giúp bảo vệ, phát huy di sản theo chuẩn mực toàn cầu.
Việc ghi danh Quần thể di tích Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là minh chứng mạnh mẽ cho cam kết của Việt Nam trong việc gìn giữ, phát huy di sản văn hóa nhân loại, hướng tới phát triển bền vững, nhân văn và hội nhập quốc tế sâu rộng.