![]() |
Nhiếp ảnh Lê Thế Thắng |
Anh Lê Thế Thắng (xã Sao Vàng, Tỉnh Thanh Hoá) với hơn 20 năm trong ngành nhiếp ảnh, sau lần tình cờ nhận phục dựng ảnh một liệt sĩ từ bức di ảnh đã phai mờ mang lại sự xúc động, niềm vui khôn tả đến với gia đình thân nhân liệt sĩ…điều đó tác động mạnh vào lòng trắc ẩn của một thợ ảnh chuyên nghiệp.
Cũng chính điều đó đã thôi thúc trái tim người làm nghề vốn dĩ đã luôn đề cao tính Chân - Thiện - Mĩ suy nghĩ cần phải làm điều gì đó có ý nghĩa hơn. Và phục dựng ảnh miễn phí cho gia đình các anh hùng liệt sĩ là cách mà nhiếp ảnh Thắng đã chọn để một phần là tri ân, bày tỏ lòng biết ơn, một phần là để góp phần xây dựng những việc làm tích cực, tử tế trong cộng đồng.
Hơn ba năm qua, gần 500 bức di ảnh liệt sĩ ở nhiều nơi gửi đến được phục dựng lại. Ban đầu chỉ nhận được ảnh từ các gia đình liệt sĩ ở gần quanh xóm, rồi lan rộng ra khắp địa phương và giờ là nhiều gia đình liệt sĩ ở các tỉnh thành biết đến, gửi về nhờ trợ giúp.
![]() |
Hơn ba năm, gần 500 bức ảnh liệt sĩ đã được phục dựng lại và gửi tặng gia đình, thân nhân các anh |
Những di ảnh đa phần đều được chụp cách đây mấy chục năm, có nhiều tấm hình khá cũ, mờ khó nhận diện; có những hình là bản vẽ theo trí nhớ, hồi ức của gia đình…Thường thì trong các trường hợp như vậy, sẽ mất khá nhiều thời gian mới có thể phục dựng, vì các thao tác phục dựng không chỉ đơn giản là dựa trên nền tảng công nghệ, mà còn cần tìm hiểu về tâm tư, hình ảnh, tiểu sử của liệt sĩ… để cố gắng liên tưởng, phục dựng lại chuẩn xác nhất có thể.
Một trong những động lực lớn thôi thúc anh Lê Thế Thắng luôn cố gắng hoàn thành nhanh nhất, nhiều nhất để gửi đến gia đình các liệt sĩ là từ người bố của anh.
Bố của Thắng là ông Lê Thế Hoa (73 tuổi) - là người lính tham gia chiến trường Thành cổ Quảng Trị năm 1971 - 1975. Ông may mắn trở về sau chiến trường khốc liệt nhưng lại mang di chứng của chất độc da cam nên cơ thể nhiều bệnh tật.
Ông lúc quên lúc nhớ, quên nhiều điều trong cuộc sống nhưng lại nhớ từng chi tiết, từng câu chuyện liên quan đến đồng đội. Có thể miệt mài kể cho con cháu nghe chính xác từng giờ từng phút diễn biến trận chiến ra sao, các đồng đội của mình đã hy sinh, đau đớn thế nào…ông may mắn sống sót trở về nhưng trong tâm trí vẫn luôn canh cánh hình ảnh của các liệt sĩ đã ngã xuống…nhiều đêm ngủ mơ ú ớ giật mình. Giờ đây, thấy con trai dành tâm huyết cho công việc, mà công việc ấy liên quan đến các đồng đội, đồng chí của mình nên ông trong lòng rất vui, thường động viên con “cố gắng giúp được càng nhiều gia đình càng tốt”.
![]() |
Những ngày cuối tháng 7, số lượng ảnh được gửi về phục dựng nhiều hơn |
![]() |
Ảnh liệt sĩ Cao Thế Khẩn mới được gia đình gửi phục dựng lại. Liệt sĩ Cao Thế Khẩn sinh năm 1939 - hy sinh năm 1967, quê xã Hoằng Châu, Tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, phần mộ của liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy |
![]() |
Liệt sĩ Lê Nguyên Yên ( sinh năm 1949 , hy sinh năm 1969 tại chiến trường Khe Sanh), đến nay chưa tìm thấy hài cốt |
Nhiếp ảnh Lê Thế Thắng nhiều năm qua miệt mài, tâm huyết với công việc phần vì có cơ hội bày tỏ niềm thành kính, lòng biết ơn của mình, phần vì được giúp thế hệ sau có thể nhìn rõ hơn gương mặt những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì hoà bình, độc lập, tự do cho Tổ Quốc. Bởi vì:
“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm nên Đất Nước”.
Công việc của nhiếp ảnh Lê Thế Thắng âm thầm tưởng chừng đơn giản nhưng có ý nghĩa, giá trị tinh thần rất lớn. Đó là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của mỗi người con đất Việt trong mọi kỷ nguyên, thời đại.