![]() |
Khánh Hòa tổ chức Bài Chòi cuối tuần, các dịp lễ ở Quảng trường trung tâm, chương trình hội thi rộng lớn thu hút hơn 300 nghệ nhân từ nhiều tỉnh miền Trung |
Bài Chòi trên Quảng trường 2/4 Nha Trang: Nỗ lực văn hóa táo bạo nhưng chưa đủ
Tôi bị thu hút bởi giọng ca mùi mẫn, sặc sỡ quần áo và điệu bộ đi lại của các nghệ nhân Bài Chòi dưới ánh đèn lung linh trên Quảng trường 2/4 Nha Trang. Các anh chị Hiệu trang phục đẹp đẽ, trang điểm tươi xinh sẵn sàng, cờ hội bay phần phật trong gió biển, thế nhưng, họ lại không giấu được nét buồn bã bởi không khí eo sèo lúc đợi khách.
Vì sao? Vì trò chơi này cần phải đợi khách lên cho đủ 9 chòi thì mới bắt đầu hô. Vậy mà mãi vẫn không đủ khách. Điều đáng nói là lúc này, khách quốc tế đứng vây quanh, nhưng họ chỉ chụp hình, quay phim vì... có hiểu gì đâu mà chơi.
![]() |
Trước đó, tháng 12/2017 "Nghệ thuật diễn xướng Bài chòi Trung bộ Việt Nam" đã được Hội đồng UNESCO công nhận, vinh danh trở thành Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại |
Phải thú nhận rằng, trên bình diện quốc gia, đây là một bước đi mạnh mẽ nhằm đưa di sản phi vật thể vào đời sống đại chúng. Nhưng thực chất, những màn diễn mang đậm lời hò địa phương, âm hưởng Khu V – Bình Định – Khánh Hòa vẫn còn quá xa lạ với du khách quốc tế.
Rào cản ngôn ngữ: Nút thắt chưa phá
Tôi leo lên một chòi, mua thẻ với giá 50 nghìn đồng. Và đợi. Tôi đã đợi gần 30 phút để được chơi. Nhưng, vô vọng, chỉ có 3 chòi có khách. Các anh chị Hiệu đành hô chứ không thể để khách mua thẻ đợi quá lâu. Rất nhiều khán giả trẻ trong nước và nhiều khách quốc tế đến nhòm ngó, quan tâm.
Họ đứng nhìn, họ quay phim, chụp hình nhưng không hiểu lời hát, không cảm nhận được tầng nghĩa văn hóa chứa trong từng câu hò: Nhì Nghèo, Ngũ Điều, Tứ Tượng… Những tên quân bài hiện lên mơ hồ, trong không gian đẹp đẽ nhưng vô hồn đối với người ngoài. Những điệu lý ngọt ngào mà âm thanh của tiếng Việt trung bộ mới truyền tải hết cái sắc dân ca, thì với khán giả quốc tế chỉ còn biết... ngó và cười.
![]() |
Những quân bài được đặt tên khá khó hiểu với cả người trong nước vì chưa phổ biến truyền thông rộng rãi |
Mặc dù, Khánh Hòa từng triển khai số hóa dữ liệu nghệ thuật bài chòi trong hội thảo với hơn 200 nhà nghiên cứu và nghệ nhân nhưng những kết quả này chưa được đưa vào thực tiễn du lịch tại Quảng trường.
Nếu chính quyền Khánh Hòa không nhìn thấy thực trạng này như một thất bại chiến lược, thì du lịch văn hóa sẽ chỉ dừng lại ở đẹp hình ảnh – không chạm vào cảm xúc, chưa truyền tải được sự kết nối. Một chương trình được tổ chức hàng tuần nhưng chưa làm rung động được du khách nước ngoài.
Quảng trường Nha Trang sẽ mãi đẹp – chòi dựng cao, cờ tung bay, anh chị Hiệu ngân vang. Nhưng nếu khán giả quốc tế vẫn chỉ đứng bên ngoài, lướt qua như những bức ảnh Instagram đẹp nhưng vô hồn, thì Bài Chòi vẫn chưa trở thành biểu tượng văn hóa toàn cầu như UNESCO từng kỳ vọng.
Chính quyền Khánh Hòa cần hành động, nếu còn muốn di sản này không chỉ là di sản… trong tầm mắt của người nước ngoài, mà còn là di sản trong trái tim họ.
Ông Lê Kim Nhựt - Chi hội Trưởng, Chi hội Hướng dẫn viên Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Nha Trang Trẻ - nhận định, việc đưa Bài Chòi ra Quảng trường Nha Trang là một sáng kiến quan trọng, giúp giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể này đến đông đảo công chúng và du khách. Đây là cách hiệu quả để đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc trưng của Khánh Hòa, mang đến những trải nghiệm văn hóa chân thực, khác biệt so với các loại hình giải trí thông thường.
Mặc dù được nhà nước quan tâm, hoạt động Bài Chòi vẫn chưa thực sự thu hút được nhiều khách tham gia, cả trong nước và quốc tế. Nguyên nhân chính là rào cản ngôn ngữ và sự phức tạp của trò chơi. Bài Chòi với những câu hò, điệu lý mang tính địa phương cao thường khó hiểu với cả người Việt trẻ và gần như không thể tiếp cận đối với du khách quốc tế. Hơn nữa, Bài Chòi còn nặng về trình diễn, chưa có đủ yếu tố tương tác để du khách có thể dễ dàng tham gia và cảm thấy hứng thú.
Ngoài ra, chúng ta vẫn còn hạn chế trong quảng bá. Nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế, chưa biết đến hoặc chưa hiểu rõ giá trị của gian hàng Bài Chòi.
Theo ông Nhựt, nếu có thể lồng ghép màn hình trực quan, QR code, app giúp du khách tương tác và ghi nhớ. Ví dụ: “Bạn có trúng Nhì Nghèo? Hãy bấm vào QR code để biết ý nghĩa câu hò kèm lời dịch.” Du khách cần được hướng dẫn bằng tiếng Anh (nếu có cả Pháp, Nhật, Hàn, Trung thì quá tốt), có bảng diễn giải để họ tương tác, rút thẻ, hò cùng các anh chị Hiệu.
Ths. Nguyễn Khắc Duy -Trung tâm văn hoá Khánh Hòa - cho biết, năm 2020, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Khánh Hòa”, nhằm huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể loại hình nghệ thuật này. Với tổng kinh phí dành cho đề án này là hơn 6,7 tỷ đồng từ ngân sách của địa phương và được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2020-2023. |