Tại khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh, những quán ăn lâu đời vẫn là điểm đến quen thuộc của người dân và du khách. Cơm gà Đông Nguyên (phường An Đông) là một thương hiệu đã có mặt tại Chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh) từ những năm 1945, chinh phục thực khách với thịt gà luộc mềm thơm, nước chấm pha theo công thức gia truyền. Qua gần 80 năm với hành trình phát triển, Đông Nguyên đã trở thành một dấu ấn ẩm thực đặc trưng của Chợ Lớn trong lòng mỗi thực khách. Những món ăn trứ danh của Đông Nguyên chính là Cơm gà và Canh tiềm, cùng nhiều món ngon đặc sắc hấp dẫn khác.
![]() |
![]() |
Gà Đông Nguyên trứ danh nổi tiếng hơn 80 năm tại Sài Gòn |
Gần đó, Lẩu cù lao Dân Ích (phường An Đông) lại mang một nét đặc trưng riêng với nước dùng thanh ngọt, đầy ắp nguyên liệu tươi ngon, gợi nhớ những bữa cơm sum vầy gia đình ngày xưa.
Cũng không thể không nhắc đến Lẩu mắm Trần Huy Liệu (phường Nhiêu Lộc) mang đậm dấu ấn miền Tây, với nước lẩu đậm đà từ mắm cá linh, cá sặc, kết hợp cùng các loại rau vườn tươi xanh và hải sản dân dã. Trong khi đó, bánh mì Hòa Mã (phường Bàn Cờ) là nơi lưu giữ công thức bánh mì ổ kẹp pate, trứng ốp-la đặc trưng Sài Gòn những năm 50–60, nay vẫn đông khách từ sáng sớm.
Với người yêu món Bắc, Phở Lệ (phường An Đông) và Phở Dậu (phường Xuân Hòa) là hai địa chỉ lâu đời được nhiều người tin chọn. Bát phở ở đây có nước dùng trong, ngọt xương, bánh phở mềm dai và thịt bò thái mỏng, chuẩn vị Hà Nội xưa. Đặc biệt, Phở Lệ từng nhiều lần được Michelin Guide đưa vào danh sách Bib Gourmand – ghi nhận những quán ăn ngon với mức giá hợp lý.
![]() |
Đệ nhất phở Lệ quán ngon đạt sao Michelin danh tiếng |
Món ngọt – Dư vị của ký ức
Ẩm thực ngọt của Sài Gòn cũng đầy chiều sâu và kỷ niệm. Chè Hiển Khánh (phường Bàn Cờ), tồn tại gần một thế kỷ, nổi tiếng với các món chè thanh mát như đậu xanh, thạch nhãn, thoảng hương hoa nhài. Từng ly chè được nấu thủ công, đơn giản nhưng đậm đà, lưu lại trong lòng thực khách cảm giác dịu dàng như chính nhịp sống người Sài Gòn xưa.
Ở phường An Đông, quán chè “cột điện” hơn 80 năm tuổi là địa chỉ quen thuộc của nhiều thế hệ. Nơi đây nổi tiếng với chè hạt sen, mè đen, sâm bổ lượng, quy linh cao – các món tráng miệng truyền thống đậm chất người Hoa. Dù trải qua bao đổi thay, quán vẫn giữ nguyên cách nấu, nguyên liệu và hương vị như thuở ban đầu.
Không thể không nhắc đến kem Bạch Đằng (phường Sài Gòn), là một trong những quán kem lâu đời nhất ở Sài Gòn. Quán được thành lập vào năm 1983, khi xã hội còn đang trong thời kỳ bao cấp. Lúc ấy, những ly kem to đùng, trang trí lạ mắt của kem Bạch Đằng đã trở thành một món ăn xa xỉ đối với nhiều người. Đó cũng là nơi gắn với ký ức của nhiều người con xa xứ. Những ly kem to, trang trí bắt mắt, vị ngọt mát dịu là lựa chọn “gây thương nhớ” trong tiết trời oi bức. Nhiều người từng chia sẻ, vừa xuống sân bay, họ chỉ muốn ra thẳng kem Bạch Đằng, như một cách “đánh thức” quê hương bằng vị giác.
![]() |
Món kem trái dừa nổi tiếng tại quán kem Bạch Đằng |
Hương vị lan xa từ vùng ven
Rời nội đô, đến khu vực Thủ Dầu Một, nay thuộc TP. Hồ Chí Minh mới, sáp nhập từ Bình Dương cũ – du khách sẽ bắt gặp những món ăn bình dị nhưng đậm đà bản sắc. Cháo vịt Cu Chì là một trong số đó, cháo dẻo, thịt vịt béo ngậy, thơm nồng, ăn trong không gian nhà cổ mát rượi đầy cây xanh, gợi cảm giác an yên.
Tại chợ Búng – Lái Thiêu, bánh bèo bì Mỹ Liên trứ danh hơn 100 năm là món ăn không thể bỏ qua. Bánh bèo mịn, bì thịt thơm, ăn kèm rau sống và nước mắm chua ngọt pha khéo. Món ăn đơn giản mà tinh tế, là biểu tượng ẩm thực của vùng đất hoa trái Lái Thiêu.
Mùa hè, khi măng cụt Lái Thiêu vào mùa, thực khách sành ăn tìm về để thưởng thức gỏi gà măng cụt – món ăn có mùa, kết hợp trái cây chín vừa tới với gà xé, rau răm, hành phi và đậu phộng, tạo nên hương vị lạ miệng, thanh mát.
![]() |
Gỏi gà măng cụt - món ăn nổi tiếng tại khu vực Bình Dương. |
Gần đó, bò nhúng mắm ruốc ngã ba Cây Nhang là món đặc sản khiến thực khách mê mẩn. Nước dùng mắm ruốc đậm đà, vừa dậy mùi vừa dịu nhẹ, hòa quyện cùng tóp mỡ, sả, tỏi và ớt cay nồng. Cháo môn lươn cũng là món dân dã không thể thiếu – dẻo bùi củ môn, thịt lươn ngọt thơm, cháo sánh mịn, ấm lòng những ngày mưa.
Về phố biển, tìm vị bánh khọt
Đến phường Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu cũ), du khách sẽ không thể bỏ qua bánh khọt Gốc Vú Sữa – quán ăn gia truyền tại số 14 Nguyễn Trường Tộ. Những chiếc bánh nhỏ giòn rụm, nhân tôm tươi, ăn kèm rau sống và nước mắm pha đu đủ chua ngọt. Quán không mở chi nhánh, không thay đổi địa điểm – như một cam kết giữ nguyên vẹn tinh thần ẩm thực phố biển qua thời gian.
![]() |
Bánh khọt Gốc Vú Sữa là quán có thâm niên lâu đời nhất tại Vũng Tàu. |
Ẩm thực gia truyền không đơn thuần là những món ngon, mà còn là nơi lưu giữ ký ức, văn hóa và bản sắc của một vùng đất. Giữa nhịp sống hối hả, những quán ăn xưa như chốn dừng chân quen thuộc, nơi người ta tìm lại chút yên bình. Chỉ cần một hương vị thân quen, một góc quán cũ kỹ cũng đủ gợi về bao kỷ niệm êm đềm của một thời đã xa.