Lo ngại phí chồng phí khi thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư

15:19 24/05/2021

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, gồm các đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương; La Sơn - Túy Loan, Thừa Thiên Huế; Nội Bài - Nhật Tân, Hà Nội và 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam đang thi công.

Lo ngại phí chồng phí khi thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư
Lo ngại phí chồng phí khi thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư. 

Hiện nay, Luật phí, lệ phí và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan mới chỉ có quy định về phí sử dụng đường bộ thu hàng năm trên đầu phương tiện, chưa có quy định về thu phí sử dụng đường bộ thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Vì vậy, nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận cho rằng, hiện các khoản thuế, phí như thuế tiêu thụ đặc biệt, các khoản phí bảo trì đường bộ, thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu, lệ phí trước bạ... đã tính và thu theo phương tiện. Do đó, việc thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư liệu có phí chồng phí, đảm bảo hài hòa lợi ích người dân.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, người dân gặp khó khăn, thì việc đề xuất một vấn đề cụ thể, nhạy cảm tác động đến người dân và nền kinh tế thì cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Số liệu thống kê cho thấy, kinh phí bảo trì bình quân hàng năm đối với các tuyến đường cao tốc do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý ước tính là 830 triệu đồng/km, cao hơn nhiều so với kinh phí bảo trì bình quân hàng năm dành cho đường quốc lộ thông thường, khoảng 450 triệu đồng/km.

Theo thông tin mới đây Bộ Tài chính cung cấp, hiện nay số thu từ phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện rất thấp, chỉ đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu tối thiểu cho hoạt động bảo trì đường bộ. Tỷ lệ chi cho bảo trì hạ tầng còn thấp so với chi đầu tư phát triển do áp lực phát triển nhanh, ảnh hưởng lớn đến chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và giảm năng lực khai thác, tăng chi phí sửa chữa.

Do đó, “dẫn đến tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng, ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người dân và gây mất an toàn cho người tham gia giao thông”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

“Mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết nêu trên nhằm huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc nhằm có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng mới và bảo trì các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư”, Bộ Tài chính chỉ rõ.

Trước thông tin này, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính lưu ý việc thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư cần xem xét thận trọng. Nguồn chính thu ngân sách là do người dân nộp thuế, phí và lệ phí. Hiện tất cả xe ô tô đã đăng ký lưu hành đều phải đóng phí bảo trì đường bộ, để bảo trì, nâng cấp đường bộ phục vụ các phương tiện đã đóng phí lưu thông.

“Người dân đã đóng thuế rồi, Nhà nước sử dụng tiền thuế đó để xây dựng đường cao tốc, giờ lại tiếp tục thu phí đường cao tốc, liệu có bất hợp lý”, ông Long quả quyết. Nếu lấy lý do thiếu nguồn để bảo trì đường bộ và đầu tư cao tốc mới, Bộ Tài chính cần xem lại việc sử dụng ngân sách đã hiệu quả hay chưa, cần cắt giảm triệt để những nguồn chi bất hợp lý, lãng phí.

PV