Trong một tuyên bố vào thứ Sáu vừa qua, các nhà làm luật của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, hệ thống tích xanh trên mạng xã hội X của vị tỉ phú này dễ dàng khiến cho người sử dụng nhầm lẫn với các tài khoản thật, vi phạm chính sách về nội dung mà EU đưa ra và do vậy, mạng xã hội này có khả năng phải đối mặt với một mức phạt khổng lồ.
Hệ thống tích xanh (blue checkmark) là một hệ thống tương đối phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội, thường được dùng để chứng nhận các cá nhân/tài khoản doanh nghiệp chính chủ đã được kiểm chứng. Điều này cho phép những người sử dụng mạng xã hội có thể phân biệt được các tài khoản đó với những tài khoản giả mạo.
Mạng xã hội X, trước kia là Twitter, đã được đổi tên sau khi Elon Musk mua lại công ty sở hữu mạng xã hội này vào tháng 10 năm 2022. Trước đó, hệ thống tích xanh của mạng xã hội này được cấp cho tài khoản của các tổ chức, thực thể và cá nhân (đặc biệt là các nhà báo) đã được công nhận chính chủ. Tuy nhiên hiện nay, Elon Musk đã thay đổi chính sách khiến cho ai cũng có thể sở hữu tích xanh bằng việc mua gói trả phí.
Hành động này của Elon Musk đã khiến các nhà làm luật quan ngại do phía EU mong muốn các công ty công nghệ lớn thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ người dùng trên không gian mạng hơn. Hiện Ủy ban châu Âu đã thông báo đến mạng xã hội này về việc vi phạm Đạo luật về Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), cáo buộc rằng mạng xã hội này đang “lừa dối” người tiêu dùng với những quy định mới về hệ thống tích xanh.
“Khi ai cũng có thể trả phí để nhận được trạng thái “đã xác thực”, điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến khả năng nhận diện của người sử dụng. Họ khó có thể biết được đâu là tài khoản và những nội dung đã được xác thực thật sự để từ đó đưa ra các quyết định một cách tự do và đúng đắn”, phía Ủy ban cho biết trong một thông cáo.
Thông cáo trên cũng cho biết: “Có những bằng chứng thể hiện rằng nhiều phần tử xấu đã và đang sử dụng các “tài khoản đã được xác thực” để lừa dối người dùng”.
Giám đốc điều hành của X, Linda Yaccarino đã phản đối cáo buộc nêu trên thông qua một bài đăng trên nền tàng này với quan điểm “một hệ thống dân chủ, cho phép tất cả mọi người trên khắp châu Âu có khả năng tiếp cận với việc được xác thực sẽ tốt hơn là chỉ có vài trường hợp đặc biệt được xác nhận”.
Ủy ban châu Âu cũng cho biết, các cơ quan quản lý của EU đang tiến hành cuộc điều tra trên phạm vi rộng nhằm xem xét sự lan truyền các nội dung bất hợp pháp và tính hiệu quả của nền tảng này trong việc chống lại những thông tin sai sự thật. Đáp trả việc này, Elon Musk đã chỉ trích phía EU trong các bài đăng trên X, cáo buộc chính quyền Liên minh châu Âu đang ngăn cản quyền tự do ngôn luận và sẵn sàng ra tòa về vấn đề này.
“Bản thân Đạo luật về Dịch vụ Kỹ thuật số chính là việc làm sai lệch thông tin!” - Musk trả lời một quan chức cấp cao của EU như vậy. “Ủy ban châu Âu đã đưa ra một thỏa thuận ngầm với chúng tôi: Nếu chúng tôi âm thầm kiểm duyệt thông tin mà không tiết lộ điều này ra cho bất kỳ ai, họ sẽ không phạt chúng tôi. Các nền tảng khác đã đồng ý nhưng X thì không” - Elon Musk khẳng định.
Quan chức cấp cao hàng đầu của châu Âu trong lĩnh vực kỹ thuật số, ông Thierry Breton, cũng đã phản bác trên X: “Chưa từng có và sẽ không bao giờ có cái gọi là “thỏa thuận ngầm” ở đây. Dù là với bất kỳ ai”. Breton cũng nói với Musk: “Anh có thực hiện các quy định hay không thì tùy… Gặp lại anh sau (ở tòa hoặc không)”.
X trở thành công ty thứ ba phải đối mặt với cơn thịnh nộ của Liên minh châu Âu trong nhiều tuần vì vi phạm các quy tắc mới mang tính bước ngoặt, sau khi Brussels cảnh báo Apple và Meta phải thay đổi cách thức của họ hoặc có nguy cơ bị phạt nặng do vi phạm đạo luật thứ hai được gọi là Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA).
Ủy ban cũng cáo buộc X không tuân thủ các quy tắc về tính minh bạch trong quảng cáo - vì nó “không cung cấp cơ sở dữ liệu quảng cáo có thể tìm kiếm và đáng tin cậy” và không cung cấp cho các nhà nghiên cứu quyền truy cập vào dữ liệu công khai.
Breton nói: “X hiện có quyền bào chữa, nhưng nếu quan điểm của chúng tôi được xác nhận, chúng tôi sẽ áp dụng các hình thức phạt tiền và yêu cầu họ phải có những thay đổi đáng kể.
Tiền phạt theo DSA có thể lên tới 6% tổng doanh thu hàng năm trên toàn thế giới của một công ty và buộc công ty phải thực hiện các thay đổi để giải quyết các vi phạm. Theo DSA, X phải tuân theo các quy định chặt chẽ hơn vì là một trong 25 nền tảng trực tuyến “rất lớn”, bao gồm Facebook và TikTok, với hơn 45 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tại 27 quốc gia EU.
X cũng nằm trong tầm ngắm của EU trong việc cắt giảm tài nguyên kiểm duyệt nội dung của mình. Vào tháng 5, EU đã yêu cầu X giao “thông tin chi tiết và tài liệu nội bộ” đồng thời yêu cầu thêm thông tin về các bước thực hiện để giảm thiểu rủi ro từ trí tuệ nhân tạo trong các cuộc bầu cử.
Hạ Vũ